Hàn Quốc và Canada hưởng lợi từ gói kích thích 1.900 tỷ USD tại Mỹ

17:00' - 10/03/2021
BNEWS Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đưa ra dự báo rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc năm nay sẽ đạt 3,3%, cao hơn 0,5% so với dự báo trước đó.

Đây cũng là mức dự báo cao hơn mức 3,2% của Chính phủ Hàn Quốc và 3,1% của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Báo cáo "Triển vọng kinh tế tạm thời" công bố ngày 10/3 của OECD lý giải việc nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 của Hàn Quốc được cho là do xu thế tăng trưởng của các nền kinh tế lớn mở rộng, đặc biệt là ảnh hưởng lớn từ Mỹ.

Gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden được dự đoán sẽ kích thích kinh tế Mỹ tăng trưởng, mang lại hiệu quả tích cực đối với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của các đối tác thương mại lớn, bao gồm Hàn Quốc. Trên thực tế, OECD cũng đã nâng dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ từ 3,2% lên 6,5%.

Trong khi đó, theo đánh giá của Hàn Quốc, việc lĩnh vực xuất khẩu liên tục được cải thiện cùng với hiệu quả của gói kích thích kinh tế bổ sung của chính phủ là yếu tố tích cực khiến OECD phải điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc.

Theo dự báo của OECD, nền "kinh tế xứ sở kim chi" đang "lội ngược dòng" từ mức tăng trưởng -1% trong năm 2020 lên mức 3% trong năm 2021, vượt qua quy mô Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế như trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở nước này.

Hiện mới chỉ có 4 quốc gia thành viên OECD (gồm Mỹ, Australia, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc) được dự báo sẽ phục hồi quy mô kinh tế như thời điểm trước khi xuất hiện đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, OECD lại hạ dự báo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong năm 2022 xuống còn 3,1%, giảm 0,3% do với dự báo trước đó. Nguyên nhân là do hiệu ứng cơ sở cao, khi một năm tăng trưởng cao bất ngờ thì năm tiếp theo có xu hướng tăng trưởng ít hơn. Bên cạnh đó, OCDE cũng nâng triển vọng tăng trưởng trên thế giới năm nay lên 5,6%, tăng 1,4% so với dự báo trước đó.

Tương tự, nền kinh tế Canada đang có xu hướng bình phục sau “cú sốc” COVID-19. OECD mới đây đã nâng dự báo về tốc độ tăng GDP của Canada trong năm 2021 thêm 1,2% so với dự báo trước, lên 4,7%. OECD ước tính nền kinh tế Canada sẽ tăng trưởng 4% vào năm 2022, cao hơn 2% so với con số đưa ra trước đó.

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, giới quan sát cho rằng Canada được hưởng lợi từ gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD của Mỹ vì một phần vốn trong gói kích thích này sẽ chảy vào nền kinh tế Canada.

Theo OECD, sự hỗ trợ tài chính mạnh mẽ của Washington sẽ củng cố nhu cầu tại Mỹ và tạo điều kiện để nền kinh tế lớn nhất thế giới phục hồi tốt hơn sau đại dịch, với tác động lan tỏa có lợi cho các nền kinh tế khác, đặc biệt là Canada và Mexico.

Canada và Mỹ có chung đường biên giới dài nhất thế giới, với lượng hàng hóa và dịch vụ trị giá 2,7 tỷ CAD (2,15 tỷ USD) giao dịch mỗi ngày. Năm 2019, Canada là thị trường nhập khẩu hàng đầu đối với 20 bang của Mỹ. Canada cũng là khách hàng lớn nhất của Mỹ và mua nhiều hàng hóa từ Mỹ hơn cả Trung Quốc, Nhật Bản và Vương quốc Anh cộng lại.

Trong bối cảnh này, người tiêu dùng Canada được dự báo sẽ tăng chi tiêu sau một năm tiết kiệm và thắt lưng buộc bụng. TransUnion -cơ quan báo cáo tín dụng tiêu dùng- cho biết quý IV/2020 đã chứng kiến hoạt động tín dụng tiêu dùng gia tăng ở Canada. 

Theo Hiệp hội Bất động sản Canada, hoạt động bán nhà ở nước này trong tháng 1/2021 đã tăng 35,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá nhà tăng 13,5%. Một phép thử về khả năng thanh toán của người tiêu dùng Canada sẽ đến khi một số chương trình cứu trợ của chính phủ giảm dần.

TransUnion dự kiến tỷ lệ nợ không trả đúng hạn sẽ tăng trong năm 2021, đặc biệt là ở những người tiêu dùng dễ bị tổn thương nhất về kinh tế. Tuy nhiên, những dấu hiệu hiện tại cho thấy các chương trình của chính phủ đã tương đối hiệu quả trong việc hỗ trợ người tiêu dùng trong đại dịch.

Trước đại dịch, nợ tiêu dùng là điểm yếu của nền kinh tế Canada, với trung bình mỗi hộ gia đình nợ khoảng 1,80 CAD cho mỗi CAD thu nhập khả dụng. Tỷ lệ này đã được cải thiện rõ rệt do chính phủ tài trợ cho sự bùng nổ thu nhập của người dân. Nhiều chuyên gia cảnh báo, khi đại dịch dịu đi và sự hỗ trợ của chính phủ giảm xuống, tỷ lệ nợ hộ gia đình sẽ tăng lên và lại trở thành mối lo của nền kinh tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục