Tiến tình Brexit thêm gay cấn khi bước vào chặng cuối

18:04' - 12/03/2019
BNEWS Thủ tướng Anh Theresa May đã giành được đảm bảo mang tính ràng buộc về mặt pháp lý cho tiến trình Brexit từ Liên minh châu Âu (EU).
Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: EPA/TTXVN

Đây là một nỗ lực phút chót nhằm thuyết phục giới lập pháp Anh trong cuộc bỏ phiếu ngày 12/3 (giờ địa phương).

Với mục tiêu tìm kiếm một lối đi bằng phẳng khi chỉ còn ít ngày nữa là tới thời hạn Anh rời khỏi EU, Thủ tướng May đã nhanh chóng tới Strasbourg để nhất trí với các đảm bảo bổ sung cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker. Sau hơn hai năm tranh cãi với Anh về Brexit, ông Juncker cho rằng đây là cơ hội cuối cùng của London. Ngày 11/3, ông nhấn mạnh hoặc là thỏa thuận hiện nay hoặc Brexit có thể không xảy ra.

Hiện vẫn chưa rõ liệu những đảm bảo mới mà bà vừa nhận được có đủ để thuyết phục thêm 116 nhà lập pháp, con số tối thiểu mà bà cần để tránh lặp lại thất bại ngày 15/1 hay không. Nếu thỏa thuận tiếp tục bị các nhà lập pháp bác bỏ, Thủ tướng May cam kết sẽ tiến hành một cuộc bỏ phiếu khác vào ngày 13/3 về khả năng Anh ra đi “tay trắng”, và nếu tiếp tục phản đối khả năng này, Hạ viện sẽ lại bước vào một cuộc bỏ phiếu khác trong ngày 15/3 để xem liệu có nên yêu cầu EU chấp nhận phương án trì hoãn Brexit hay không.

Cuộc bỏ phiếu ngày 12/3 được tiến hành sau quyết định của chính phủ nhằm “giảm thiểu nguy cơ” Anh bị mắc kẹt với phương án "chốt chặn", nội dung khúc mắc nhất trong thỏa thuận Brexit. Tuy nhiên, những nhà lập pháp ủng hộ Brexit trong đảng Bảo thủ và đảng Liên hiệp Dân chủ Bắc Ireland lại tỏ ra khá thận trọng trước những đảm bảo mới của EU về vấn đề Brexit.

Tổng chưởng lý Anh Geoffrey Co theo kế hoạch sẽ công bố phân tích pháp lý về các đảm bảo của Brussels trước thời điểm diễn ra cuộc bỏ phiếu ngày 12/3. Nhiều nhà lập pháp ủng hộ Brexit được cho là sẽ căn cứ vào đó để quyết định lá phiếu của mình.

Cuộc khủng hoảng về tư cách thành viên của Anh trong EU đang bước vào những chặng cuối với hàng loạt kịch bản chưa ai có thể nói trước. Đó có thể là một quyết định trì hoãn việc thực thi Điều 50 Hiệp ước Lisbon, một thỏa thuận phút chót, một cuộc ly hôn không thỏa thuận, một cuộc bầu cử sớm hoặc thậm chí là một cuộc trưng cầu ý dân khác.

Brexit sẽ đẩy nền kinh tế lớn thứ năm thế giới vào tình trạng bấp bênh, nhưng những người ủng hộ Brexit lại lập luận rằng dù cuộc chia ly có thể đem tới những bất ổn trong ngắn hạn, song khi xét về dài hạn, nước Anh sẽ phát triển mạnh mẽ hơn và thậm chí mục tiêu hội nhập châu Âu cũng sẽ được đẩy mạnh hơn khi không có một thành viên đầy do dự như London./.

Xem thêm:

>>Thủ tướng Anh được đảm bảo pháp lý từ EU trước bỏ phiếu thỏa thuận Brexit

>>Brexit bên mép vực thẳm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục