"Tiếp sức" cho các hợp tác xã nông sản an toàn
Trước tình trạng đầu ra cho sản phẩm nông sản an toàn luôn “ùn ứ’, cùng với Tp. Hồ Chí Minh, mới đây, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã triển khai thí điểm mô hình Liên hiệp hợp tác xã cung ứng nông sản an toàn tại Hà Nội.
Tuy nhiên, để mô hình này được nhân rộng và phát triển bền vững, vẫn cần nhiều hơn nữa những chính sách “mồi” giúp các hợp tác xã tham gia chuỗi cung ứng tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn, nhất là về hạ tầng sản xuất, địa điểm mở cửa hàng, ưu tiên cho vay vốn đầu tư.
Vươn lên từ nội lực
Trong nhiều chuyến đi khảo sát thực tế với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, khó khăn nhất đối với các hợp tác xã nông nghiệp vẫn là vốn và tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm. Chính vì vậy, chuyển đổi theo mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị gia tăng đang được xem là hướng đi đúng đắn nhất trong khu vực kinh tế tập thể.
Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc hợp tác xã rau an toàn Đạo Đức (Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội) Đỗ Thị Liên cho biết: Mặc dù có lợi thế ngay cửa ngõ Thủ đô và chỉ mất khoảng mười phút là rau an toàn Vân Nội đã có thể tới tay người tiêu dùng nhưng hợp tác xã rau an toàn Đạo Đức và nhiều hợp tác xã khác ở đây đều bế tắc đầu ra khiến việc kiểm soát các hộ thành viên rất khó khăn.
Cùng với đó, các hợp tác xã sản xuất rau hiện quy mô hoạt động còn rất manh mún, chưa có bàn tay quản lý đúng tầm của cơ quan Nhà nước, thậm chí không thể chi phối quy trình sản xuất và tiêu thụ ở các hộ trồng rau thành viên.
Trong khi hợp tác xã cũng có ý thức và nỗ lực quan tâm sản xuất kinh doanh rau an toàn, nhưng việc giám sát chặt chẽ mức độ sản phẩm rau an toàn đang vượt quá tầm tay.
Không chỉ riêng với Đông Anh mà tại nhiều địa phương khác như Hải Phòng, Thái Bình... có thể thấy, hầu hết các hợp tác xã nông nghiệp ở đây chủ yếu làm dịch vụ đầu vào cho nông nghiệp.
Điều này có nghĩa các hợp tác xã chỉ dừng lại ở việc phối hợp các công ty phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cung cấp hàng hóa trả chậm cho nông dân, chứ chưa khẳng định được vai trò định hướng sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm do người nông dân làm ra đến với thị trường.
Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Võ Kim Cự, sản xuất nông nghiệp có 3 công đoạn, gồm sản phẩm, dịch vụ đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ khoa học - kỹ thuật…); sản xuất trực tiếp ra nông sản; và dịch vụ đầu ra (thu hoạch, thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm…).
Công đoạn đầu tiên và công đoạn cuối cùng của chuỗi giá trị nông sản này hiện nay chủ yếu do doanh nghiệp kiểm soát.
Tuy nhiên, nếu các hợp tác xã vận hành theo mô hình chuỗi giá trị gia tăng gắn kết với nhau trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quy mô tỉnh và liên hiệp hợp tác xã quy mô vùng, người nông dân sẽ làm chủ cả 3 công đoạn trong chuỗi giá trị. Ngoài ra, thông qua hợp tác xã, liên minh hợp tác xã, sự hỗ trợ của Nhà nước cho sản xuất nông nghiệp sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.
Đánh giá cao việc liên kết chuỗi giá trị trong các hợp tác xã, ông Nguyễn Công Thừa- Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào, Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh: Liên minh Hợp tác xã Việt Nam là tổ chức đầu tiên thực hiện chuỗi giá trị sản phẩm, ra đời Liên hiệp Hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam, giúp các hợp tác xã liên kết lại với nhau, người lao động có việc làm, giải quyết được đầu ra cho sản phẩm, nâng cao được chất lượng và mang lại giá trị cốt lõi cho sản xuất.
Phát huy sức mạnh tập thể
Để đạt tới cái đích cuối cùng vì lợi ích người dân trồng rau và lợi ích to lớn của toàn xã hội đang nói không với thực phẩm bẩn, ông Nguyễn Công Thừa đề nghị Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nên có một Ban hỗ trợ, tư vấn cho Liên hiệp Hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam, trong các hoạt động, giúp các hợp tác xã liên kết chặt chẽ, tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm cho người lao động. Ông cho biết sẵn sàng tham gia góp vốn với Liên hiệp Hợp tác xã để làm công việc này.
Giám đốc Mai Đức Bắc - Hợp tác xã Nga Yên, Nga Sơn Thanh Hóa bày tỏ: "Chúng tôi rất phấn khởi bởi Liên hiệp Hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam được ví như một ngôi nhà chung của các hợp tác xã trong cả nước. Tuy nhiên, cần có sự chung tay mang tính trí tuệ của các hợp tác xã và để chuỗi này phát triển bền vững, nên xây dựng một chuỗi liên kết từ trung ương đến địa phương."
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đánh giá cao việc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho ra đời mẫu hình thí điểm chuỗi cung ứng nông sản an toàn, làm cơ sở nhân rộng và trở thành hệ thống toàn quốc.
Thông qua mô hình này, Thứ trưởng mong muốn Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tới đây phối hợp chặt chẽ hơn với Bộ Công Thương để tổ chức kết nối hệ thống bán lẻ Hợp tác xã, các gian hàng Liên minh Hợp tác xã… với các kênh tiêu thụ hàng Việt trên cả nước, nhất là chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Theo ông Võ Kim Cự, từ nay cho tới hết năm 2016, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ phấn đấu mở khoảng 50-100 mô hình cung ứng nông sản an toàn, trước mắt là tại 2 đô thị lớn gồm: Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó sẽ tiếp tục nhân rộng ra các tỉnh, thành phố khác trên cả nước tiến hành xây dựng các hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã quy mô tỉnh, vùng và liên vùng.
Cùng với đó, trong hai năm 2016 - 2017, các hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã sẽ cung ứng nông sản an toàn tại một số vùng, liên vùng, trung tâm các đô thị lớn, đông dân cư, tại những nơi đã hình thành các sản phẩm hàng hóa rõ và quy mô tương đối lớn gắn với các sản phẩm rau, hoa quả, thực phẩm chủ yếu như thịt lợn, thịt bò và thịt gà.
Đặc biệt, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ hỗ trợ 100% kinh phí bồi dưỡng cán bộ hợp tác xã, xây dựng website, chỉ dẫn địa lý, chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, quảng bá sản phẩm trên website và sàn giao dịch điện tử…
Ngoài ra, các hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã cũng được hỗ trợ tối đa 60% kinh phí xây dựng công trình phục vụ sản xuất kinh doanh, ưu tiên xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác nước ngoài - ôg Võ Kim Cự khẳng định./.
Tin liên quan
-
Xe & Công nghệ
Xoài Việt Nam sẽ có mặt tại thị trường Australia trong tháng Chín này
07:24' - 16/09/2016
Sau 9 năm đàm phán, Australia vừa chính thức cấp phép nhập khẩu trái xoài tươi Việt Nam vào thị trường nước này.
-
Xe & Công nghệ
Ra mắt mẫu hình thí điểm Siêu thị nông sản thực phẩm an toàn
20:50' - 13/09/2016
Chiều 13/9, Liên hiệp HTX tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam (UCA) đã tổ chức Lễ ra mắt mẫu hình thí điểm Siêu thị nông sản thực phẩm an toàn tại số 14, phố Mạc Thái Tông, Hà Nội.
-
Kinh tế Việt Nam
Cơ hội mới cho ngành nuôi tôm Việt Nam xâm nhập thị trường Australia
20:18' - 11/09/2016
Trong nhóm các giải pháp thị trường thì Việt Nam chọn Australia bởi đây là thị trường rất tiềm năng và có nhu cầu rất lớn về tôm tươi nguyên con mà hiện Việt Nam chưa xuất khẩu được.
-
Kinh tế Việt Nam
Khai mạc Tuần lễ nhận diện nông sản thực phẩm an toàn và đặc sản Bắc bộ
16:49' - 09/09/2016
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức Tuần lễ nhận diện nông sản thực phẩm an toàn và đặc sản Bắc bộ, tại Khu Hội chợ triển lãm giao dịch kinh tế và thương mại (Hà Nội).
Tin cùng chuyên mục
-
Xe & Công nghệ
Nhu cầu xe điện cũ tăng mạnh tại Hàn Quốc
11:23' - 18/11/2024
Trong khi nhu cầu về xe điện đang giảm trên thị trường ô tô mới, doanh số bán ô tô điện đã qua sử dụng lại ngày càng tăng.