Tìm bản sắc thương hiệu cho ngành thủ công mỹ nghệ

13:16' - 27/10/2016
BNEWS Thủ công mỹ nghệ của Việt Nam hiện xuất khẩu sang hơn 163 quốc gia, với tổng kim ngạch đạt 1,9 tỷ USD vào năm 2015.
Ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

"Nâng cao giá trị thương hiệu ngành thủ công mỹ nghệ thông qua năng lực thiết kế" là nội dung Hội thảo do Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ tổ chức sáng 27/10 tại Hà Nội nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành này trong khuôn khổ Chương trình Thương hiệu Quốc gia.

Ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại khẳng định: Đối với ngành hàng thủ công mỹ nghệ việc tập trung xây dựng thương hiệu ngành hàng thông qua các hoạt động thiết kế đóng vai trò ngày càng quan trọng, nhất là thời điểm này trong tăng cường năng lực cạnh tranh và vị thế cho các doanh nghiệp, đặc biệt trên thị trường xuất khẩu.

Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, thủ công mỹ nghệ là một trong những ngành có tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam.

Mặc dù chỉ chiếm 1,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, với kim ngạch năm 2015 đạt 1,9 tỷ USD, xuất khẩu sang hơn 163 quốc gia trên thế giới, nhưng ngành này lại có ý nghĩa xã hội lớn khi giải quyết hơn 11 triệu việc làm trên cả nước.

Sự khác biệt của hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam chính là dựa trên các yếu tố sản xuất bền vững trên toàn bộ chuỗi giá trị sản phẩm hàng thủ công, về chất lượng cũng như yếu tố giá thành.

Chia sẻ cách thức xây dựng và phát triển thương hiệu gắn với Thương hiệu Quốc gia, bà Đặng Thanh Vân, Giám đốc Công ty tư vấn thương hiệu và truyền thông Thanhs Brand cho rằng: Bất cập lớn nhất của ngành hàng thủ công mỹ nghệ hiện nay vẫn là thiết kế mẫu mã sản phẩm. Vì thế việc tìm chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước đối với mặt hàng này vẫn còn khá chật vật.

Có tới 90% sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam dựa trên thiết kế của khách hàng nước ngoài và sử dụng nhãn mác của khách hàng lý do là vì thiếu sáng tạo trong mẫu mã sản phẩm.

Cũng xuất phát từ việc các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam chưa coi trọng đầu tư khâu thiết kế mẫu mã sản phẩm nên dẫn đến tồn tại là quá lệ thuộc vào truyền thống, cầu kỳ, chưa chú trọng đến công năng....

Bên cạnh đó, nhiều làng nghề còn bắt chước, sao chép mẫu mã làm mất đi tính đa dạng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đây là nguyên nhân chính gây nên việc khó cạnh tranh với hàng nước ngoài.

Do vậy, theo bà Đặng Thanh Vân, để chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu khó tính các doanh nghiệp cần tập trung sản xuất những sản phẩm chất lượng tốt và phải có giá trị sử dụng cao trong cuộc sống hằng ngày, không nên sản xuất đại trà vì sẽ vấp phải sự cạnh tranh của các sản phẩm đến từ Trung Quốc.

Hơn nữa, để đạt được thương hiệu Vietnam Value, các doanh nghiệp phải đáp ứng được các giá trị bền vững của ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam và qua đây cũng có cơ hội tiếp cận tốt hơn với các thị trường lớn nhất là thị trường châu Âu.

Theo ông Lê Bá Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng Thủ công mỹ nghệ Việt Nam, trong kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ khách hàng càng ngày càng muốn cắt tối đa khâu trung gian.

Trước đây từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng phải qua 4 khâu nhưng nay chỉ còn từ 2-3 khâu nên vai trò của công ty thương mại sẽ giảm dần và tiến tới các nhà nhập khẩu sẽ làm việc trực tiếp với nhà sản xuất.

Bên cạnh đó, khách hàng quan tâm hơn về sản xuất bền vững nên đây sẽ là xu hướng của thị trường thủ công mỹ nghệ.

Do vậy, nhằm tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, Hiệp hội xuất khẩu hàng Thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã có chương trình đào tạo, cung cấp thông tin, kỹ thuật sản xuất, cung cấp thông tin thị trường.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục