Tìm hướng tăng chuỗi giá trị cung ứng nông sản Nam Trung bộ và Tây Nguyên

16:08' - 04/12/2020
BNEWS Sáng 4/12, Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai tổ chức tại thị xã An Khê (Gia Lai).

Nhiều giải pháp nâng cao chuỗi giá trị cung ứng rau, hoa, quả tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên được các chuyên gia đầu ngành và đại biểu đại diện, nông dân các địa phương tham dự đem ra thảo luận; trong đó, chú trọng việc tuyên truyền người dân tham gia hợp tác xã sản xuất.
Theo ông Hoàng Văn Hồng, Trưởng phòng Khuyến nông, trồng trọt và lâm nghiệp, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, để hướng nông dân tham gia vào mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, chính quyền và các cơ quan chức năng tập trung tuyên truyền người dân tham gia hợp tác xã để thực hiện quy trình sản xuất tập trung, quy mô lớn.
Ngoài ra, hình thức doanh nghiệp ký kết với nông dân sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo quy trình được hướng dẫn cụ thể, cũng đang được nhiều địa phương áp dụng và mang lại những kết quả nhất định.
Mô hình quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi cũng đã được xây dựng và triển khai đối với các nhóm ngành hàng ở một số địa phương và đã có những kết quả thành công bước đầu, đem lại hiệu quả và lợi ích cho người sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng. Đây được coi như là giai đoạn thử nghiệm, ứng dụng về cách tiếp cận quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi vào quá trình sản xuất ở Việt Nam.
Xây dựng và phát triển các mối liên kết giữa sản xuất an toàn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là một chủ trương đúng nhằm tăng cường sản xuất tập trung, nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu về số lượng lớn, chất lượng đảm bảo của thị trường trong nước và xuất khẩu, qua đó giúp người nông dân nâng cao thu nhập, ổn định đời sống sản xuất.
Việc tổ chức liên kết giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rõ rệt so với sản xuất truyền thống. Việc phát triển liên kết này trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ là yêu cầu cấp thiết của ngành nông nghiệp hiện nay. Mô hình này giúp tăng giá trị sản phẩm, giảm chi phí về sản xuất, vận chuyển, thời gian sản xuất sản phẩm.
Tại Diễn đàn Khuyến Nông @ Nông nghiệp, ngoài các thông tin định hướng, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ của đại biểu bàn giải pháp nâng cao chuỗi giá trị cung ứng rau, hoa, quả tại các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên, nhiều nông dân đặt ra các câu hỏi về quá trình sản xuất rau an toàn. Các thắc mắc này đều được Ban cố vấn chuyên môn của Trung tâm Khuyến nông quốc gia hỗ trợ giải đáp, hướng dẫn.
Đại biểu đến từ Trung tâm khuyến ngư, nông lâm thành phố Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng một trong những thị trường tiêu thụ lớn của nông sản Gia Lai, năm 2030, dân số Đà Nẵng sẽ tăng lên gần 1,8 triệu người, do đó, nhu cầu thị trường rau, hoa, quả địa phương cũng sẽ cần khoảng 140.000 tấn mỗi năm; trong đó, nguồn sản xuất tại địa phương chỉ khoảng 9.000 tấn, cần nhập từ các địa phương khác khoảng 131.000 tấn. Đây là một trong  những thị trường tiềm năng mà nông sản tỉnh Gia Lai có thể cung ứng.

Đại biểu Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định đã chia sẻ một số mô hình sản xuất tiên tiến trên cây hoa và cây rau màu như mô hình ứng dụng công nghệ cao sản xuất dưa lưới bằng giá thể hữu cơ theo VietGap; mô hình chuyể giao kỹ thuật trồng một số giống hoa ngắn ngày; mô hình chuyển đổi trồng sen trên vùng đất lúa kém hiệu quả.
Các thông tin chia sẻ về ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt trong canh tác cây khoai lang, sự phát triển chuỗi liên kết sản xuất - cung ứng rau của các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai, đặc biệt, quy trình đánh giá chứng nhận VietGAP được các đại biểu tại diễn đàn quan tâm thảo luận.
Về phía Gia Lai, ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, với điều kiện thuận lợi về khí hậu và thổ nhưỡng, quỹ đất sản xuất nông nghiệp trên 800 nghìn ha, tỉnh Gia Lai đã chú trọng công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển mạnh sản xuất rau, củ, quả với các Nghị quyết phát triển vùng rau, quả, cây ăn trái nhiệt đới theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo định hướng đến năm 2030, tỉnh có khoảng 45.000 ha rau củ và khoảng 55.000 ha cây ăn trái, đẩy nhanh tiến trình đưa sản phẩm rau, hoa, trái cây Gia Lai vào các siêu thị trong nước và xuất khẩu.

Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại với thị trường tiềm năng như: Đà Nẵng, Quy Nhơn, Huế, Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và các nước EU, Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục