Tìm kiếm động lực tăng trưởng

09:38' - 05/10/2018
BNEWS TS. Nguyễn Đình Cung cho biết, mặc dù, chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện, cách thức tăng trưởng có thay đổi tích cực... nhưng nền kinh tế còn nhiều thách thức.

Sự phát triển kinh tế mạnh mẽ và sự thay đổi về cơ cấu kinh tế dẫn đến ngày càng xuất hiện nhiều sản phẩm mới. Ảnh minh họa: TTXVN

Việc duy trì tăng trưởng kinh tế cao và bền vững như mức tăng trưởng hiện nay là thách thức lớn nếu không có thay đổi khác biệt về tư duy, cải cách thể chế. Đó là nhận định của TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM). Ông cũng cho rằng ngoài các yếu tố trên, tái cơ cấu nền kinh tế chỉ có thể đạt được cùng với việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực Nhà nước và tận dụng cơ hội từ cách mạng công nghiệp lần thứ 4…

* Nhiệm vụ khó hoàn thành

Theo số liệu được CIEM công bố, kết quả sơ bộ về tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2018 cho thấy, trong số 16 định hướng, chính sách lớn và 120 nhóm nhiệm vụ thực hiện ở cấp bộ, ngành được Nghị quyết 27/NQ-CP về Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01 tháng 11 năm 2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đưa ra, chỉ có 25,8% nhiệm vụ đã triển khai và có kết quả rõ ràng; 57,5% nhiệm vụ đang triển khai, nhưng chưa có kết quả rõ ràng; 16,7% nhiệm vụ đã triển khai và chưa ra kết quả.

Đáng chú ý, trong số các nhiệm vụ đang triển khai chậm hoặc chưa triển khai, có những nhiệm vụ đang tiến triển chậm như: cơ cấu lại vùng kinh tế và thực hiện đô thị hóa mới triển khai được 50%, phát triển khu vực kinh tế tư nhân mới triển khai được 66,7%, phát triển và thúc đẩy chuyển giao công nghệ 66,7%, phát triển kết cấu hạ tầng 66,7%, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thực hiện 75% khối lượng mục tiêu nhiệm vụ, cơ cấu lại các ngành công nghiệp thực hiện 75%. Nhiều hạng mục tuy đang triển khai, nhưng chưa có kết quả rõ ràng.

Đánh giá chung về 16 mục tiêu, định hướng lớn, CIEM nhận định 24% mục tiêu cơ cấu lại dự kiến hoàn thành; 32% có khả năng hoàn thành và có tới 41% mục tiêu sẽ khó hoàn thành.

Trong số các mục tiêu khó hoàn thành, đáng chú ý có hạng mục cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước với tỷ lệ khó hoàn thành lên tới 67%, hạng mục dịch chuyển các nguồn lực nhân tố sản xuất với tỷ lệ khó hoàn thành là 57%, cơ cấu lại lĩnh vực nông nghiệp còn 44% khó hoàn thành, cơ cấu lại khu vực dịch vụ còn 43%, hạng mục cơ cấu lại đầu tư với trọng tâm là đầu tư công tuy khả quan hơn, song cũng còn tới 29% khó hoàn thành…

Chỉ ra một trong những mục tiêu khó hoàn thành, Luật sư Lê Văn Hà dẫn số liệu thống kê từ cơ sở dữ liệu trung tâm hành chính quốc gia có trên 7.200 thủ tục hành chính. Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính tốn kém và có xu hướng tăng. Đặc biệt lệ phí liên quan đến doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thời gian thực hiện và hoàn thành thủ tục hành chính dây dưa, kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ví dụ thủ tục đăng ký bảo hộ độc quyền Trademark thường xuyên bị kéo dài, vượt quá thời hạn quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Tính bất hợp lý của công tác “Chứng nhận của chứng nhận” trong đăng ký kinh doanh và Thủ tục công bố hợp quy với sản phẩm, biến các thủ tục này thành thủ tục “xin-cho”.

“Nếu không bỏ được nút thắt thủ tục hành chính thì cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế sẽ gặp cản trở”, ông Cung nhấn mạnh.

Đánh giá chung về tái cơ cấu nền kinh tế, TS.Nguyễn Đình Cung cho biết, mặc dù chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện, cách thức tăng trưởng có thay đổi tích cực..., nhưng nền kinh tế còn nhiều thách thức. Đó là cách thức phân bổ nguồn lực chưa thay đổi; trong đó nguồn lực về cơ bản chưa được phân bố lại theo hướng nâng cao hiệu quả. Các dòng chảy lớn trong nền kinh tế như chuyển nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ, nông thôn sang thành thị, Nhà nước sang tư nhân hay khu vực chính thức thành phi chính thức... vẫn đang diễn ra rất chậm. Bên cạnh đó, các động lực tăng trưởng hiện hành đã tới hạn và suy giảm năng lượng nội sinh cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới.

“Việc duy trì tăng trưởng cao và bền vững như mức tăng trưởng hiện tại là thách thức lớn nếu không thay đổi khác biệt về tư duy, cải cách thể chế, chỉ đạo điều hành phân bố, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực Nhà nước và tạo cực tăng trưởng động lực cho nền kinh tế”, TS. Cung nhấn mạnh.

PGS.TS Vũ Sỹ Cương, Học viện Tài chính, Bộ Tài chính cho rằng, nền kinh tế đang không chỉ diễn ra bất cập trong phân bổ nguồn lực đầu tư mà còn có câu chuyện "trên bảo dưới không nghe" khi việc phân bổ nguồn lực, sử dụng nguồn lực ngân sách công chưa minh bạch và thiếu hiệu quả…

* Thay đổi để thúc đẩy tăng trưởng

Để thúc đẩy tăng trưởng cũng như tiếp tục tìm kiếm các động lực tăng trưởng cho nền kinh tế giai đoạn 2019 - 2030 và các năm tiếp theo, CIEM đề xuất 3 nhóm giải pháp chủ yếu bên cạnh giải pháp trọng yếu là ổn định kinh tế vĩ mô. Các nhóm giải pháp này bao gồm: tiếp tục thực hiện các giải pháp hiện có (Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ về tạo môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp…), nhưng gia tăng về quy mô, tốc độ, nhất là đảm bảo tính thực chất, đầy đủ; phân bổ nguồn lực cần có sự đổi mới, khác biệt; nghiên cứu chuẩn bị cho giai đoạn 2021 - 2030 với việc vừa hoàn thành chuyển đổi sang kinh tế thị trường hội nhập vừa chuyển đổi sang kinh tế số, tận dụng cơ hội cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Người đứng đầu CIEM cho rằng, việc tiếp tục duy trì tăng trưởng cao và bền vững (ngay như mức hiện tại) là thách thức lớn. Vị chuyên gia này nhấn mạnh, việc chỉ đơn thuần là cải cách bộ máy như hiện nay vẫn chưa đủ mà cần cải cách vai trò, chức năng, cách thức quản lý của nhà nước.

“Nếu không sử dụng khoa học, công nghệ thì không thể đẩy lùi được xin - cho, không có cạnh tranh. Và không có cạnh tranh thì không có khoa học, công nghệ. Bởi nếu còn "xin-cho" thì doanh nghiệp không có động lực đầu tư cho khoa học, công nghệ mà doanh nghiệp chỉ tập trung nguồn lực đi tìm quan hệ, tìm chỗ “xin-cho”, TS. Cung nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cần phát triển và hoàn thiện thị trường các nhân tố sản xuất, nhất là thị trường tài chính (thị trường vốn, thị trường tín dụng), thị trường quyền sử dụng đất.

Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, thay vì nỗ lực tái cơ cấu dự án, doanh nghiệp thua lỗ, cần tập trung thực hiện tái cơ cấu toàn diện, tập trung đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp tốt, có tiềm năng phát triển.

“Ủy ban Quản lý vốn cần phải sớm đi vào hoạt động; giao Ủy ban quản lý vốn các mục tiêu, chỉ tiêu về hiệu quả tài chính đủ cao để tạo thay đổi có tính bước ngoặt về hiệu quả sử dụng vốn, tài sản, thay đổi cách thức quản lý, thay đổi cách thức tuyển chọn và năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ của các Tập đoàn, Tổng công ty (chứ không phải giao mục tiêu, nhiệm vụ ở mức đủ thấp để bất cứ ai làm cũng có thể hoàn thành như lâu nay)”, TS. Cung thể hiện rõ quan điểm.

"Trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ, cần rà soát danh mục dự án đầu tư, yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính ưu tiên bố trí vốn đầu tư nhà nước vào các dự án hạ tầng quy mô lớn, quan trọng thuộc các vùng động lực tăng trưởng. ”, TS. Cung đề xuất phương hướng trong thời gian tới.

Đặc biệt, theo người đứng đầu CIEM, tái cơ cấu nền kinh tế cần gắn với ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng và tăng cường vị thế vùng động lực tăng trưởng như: Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội. Bởi 2 đầu tàu này chỉ cần tăng trưởng 1% thì kinh tế cả nước có thể tăng trưởng thêm 0,5 điểm phần trăm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục