Tìm kiếm giải pháp công nghệ phát triển đô thị thông minh

07:12' - 27/11/2024
BNEWS Ngày nay, thành phố thông minh (smart city) đã trở thành chiến lược phát triển đô thị toàn cầu, với trọng tâm là chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ tiên tiến.

Ngày 26/11, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam (VINASA) cho biết sẽ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2024, với chủ đề: "Đô thị thông minh - Kinh tế số - Phát triển bền vững" trong 2 ngày 2-3/12 tại Hà Nội. Hội nghị hướng đến việc đưa ra các giải pháp công nghệ, chiến lược quản lý giúp các thành phố hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, phát triển các dịch vụ thông minh và bền vững cho cư dân.

Ngày nay, thành phố thông minh (smart city) đã trở thành chiến lược phát triển đô thị toàn cầu, với trọng tâm là chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ tiên tiến, như: Trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data) để giải quyết các thách thức về quản lý đô thị, cải thiện tích cực điều kiện sống của dân cư, tăng mức độ hạnh phúc phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Thành phố thông minh không chỉ là mô hình phát triển đô thị, còn là chiến lược thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống. Tại châu Á, nhiều quốc gia như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore đã xây dựng những đô thị thông minh kiểu mẫu, tập trung vào ứng dụng công nghệ AI, IoT và năng lượng tái tạo để giải quyết các vấn đề đô thị hóa, biến đổi khí hậu.

 

Đô thị thông minh đã và đang được lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành quan tâm sát sao. Ngày 1/8/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Mục tiêu cụ thể đến 2030 sẽ hình thành các chuỗi đô thị thông minh khu vực phía Bắc, miền Trung, phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, lấy Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ là hạt nhân, hình thành mạng lưới liên kết các đô thị thông minh.

Đến nay, 48/63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam đã triển khai các đề án thành phố thông minh. Tuy các thành phố tại Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ song vẫn tồn tại thách thức về tài chính, nguồn lực và sự đồng bộ trong hạ tầng. Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2024 là dịp để chia sẻ kinh nghiệm từ các thành phố trong khu vực, đồng thời kết nối các nhà đầu tư, đối tác chiến lược để đưa ra các giải pháp phát triển đô thị thông minh bền vững.

Thành phố Hà Nội nói riêng, với tốc độ phát triển nhanh về công nghệ đang có tiềm năng rất lớn để cải thiện, đẩy nhanh tốc độ thông minh hóa các đô thị. Nhiều dự án thành phố thông minh, khu đô thị thông minh, khu công nghệ - công nghiệp thông minh đang trở thành biểu tượng cho sự đột phá và tiến bộ.

Năm nay, Hội nghị được tổ chức gồm 8 phiên toàn thể và chuyên đề: Đô thị Thông minh - Kinh tế số - Phát triển bền vững; Thành phố thông minh - Quản trị, điều hành thành phố linh hoạt dựa trên dữ liệu; giải pháp, hạ tầng, nền tảng số thúc đẩy kinh tế số và phát triển bền vững; chiến lược công nghiệp bán dẫn: động lực mới cho Việt Nam và Hà Nội; giải pháp công nghệ xuất sắc thúc đẩy thành phố xanh, thông minh; di chuyển xanh, thông minh cho đô thị thông minh phát triển bền vững; NetZero - Môi trường và Năng lượng hướng tới đô thị không phát thải 2050; Nhà thông minh cho sức khỏe và tiện ích…

Trong khuôn khổ Hội nghị sẽ diễn ra Lễ trao Giải thưởng Thành phố thông minh, Lễ trao Giải thưởng Sáng tạo tương lai (VietFuture) – Giải thưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dành cho sinh viên và Ngày Công nghệ thông tin Nhật Bản (Japan ICT Day). Bên lề hội nghị là triển lãm và các hoạt động kết nối giao thương nhằm xúc tiến hợp tác ở nhiều cấp độ, mở ra cơ hội kết nối tốt giữa các doanh nghiệp với nhà nước, các doanh nghiệp trong nước với các tổ chức quốc tế. Đồng thời, Hội nghị còn là nơi trao đổi, phổ cập kiến thức, thúc đẩy phát triển thành phố thông minh, sẵn sàng đóng góp cho sự phát triển đột phát của Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số tại Việt Nam.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục