Tín dụng chính sách đồng hành cùng người dân Bến Tre

09:57' - 06/06/2024
BNEWS Từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bến Tre, đã có hàng nghìn người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn được "tiếp sức", ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của người dân, trong đó có sự chung sức, đồng lòng của hệ thống ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Bến Tre, diện mạo nông thôn mới cũng như công cuộc phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân trên địa bàn thay đổi rõ rệt sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội". Từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bến Tre, đã có hàng nghìn người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn được "tiếp sức", ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

 

Đưa tín dụng chính sách đến gần dân

Toàn tỉnh Bến Tre hiện có 157 điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn. Có thể nói, đây là sáng kiến mang tính đột phá riêng của Ngân hàng Chính sách xã hội, bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính để đưa tín dụng chính sách đến người dân.

Những ngày cuối tháng 5/2024, chúng tôi có dịp tham gia một buổi giao dịch cố định hàng tháng của phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mỏ Cày Bắc tại điểm giao dịch xã Tân Thành Bình. Dù chưa đến giờ làm việc nhưng các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn cùng nhiều hộ dân đã có mặt tại hội trường UBND xã.

Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mỏ Cày Bắc Huỳnh Hiếu Trung cho biết, trên địa bàn huyện có 1 điểm giao dịch trung tâm và 13 điểm giao dịch xã. Tại các điểm giao dịch xã, có niêm yết công khai về các chính sách, các chương trình tín dụng chính sách, các quy trình, thủ tục giải quyết công việc của ngân hàng chính sách, nội quy giao dịch,… để chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân cùng biết, cùng giám sát hoạt động tín dụng chính sách. Qua hoạt động điểm giao dịch xã đã thực hiện cải cách nhiều thủ tục hành chính, huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị thực hiện chương trình tín dụng chính sách cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Theo ông Huỳnh Hiếu Trung, các điểm giao dịch xã được bố trí phiên giao dịch vào ngày cố định trong tháng (kể cả ngày thứ 7, Chủ nhật). Hàng tháng, đơn vị đều cử nhân viên tín dụng đến từng điểm giao dịch để giải ngân trực tiếp cho người vay vốn, trực tiếp thu nợ từ người vay, thu lãi, nhận tiền gửi của các hộ vay do Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn được ủy nhiệm nộp, họp giao ban với các đoàn thể nhận ủy thác cấp xã và Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn giải quyết các trường hợp đặc biệt để tìm giải pháp phát huy tốt nhất hiệu quả nguồn vốn chính sách...

Ðây cũng là dịp để nhân viên ngân hàng tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn những chủ trương, chính sách của các chương trình cho vay ưu đãi đến mọi người dân. Vì thế, thời gian, chi phí đi lại của người dân được tiết giảm, nhất là đối với những địa bàn nằm cách xa trung tâm huyện; tạo thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận với dịch vụ tài chính tín dụng và sử dụng vốn vay hiệu quả đúng mục đích nâng cao thu nhập…

Ông Nguyễn Văn Hữu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc cho biết, địa phương đang quản lý 30 Tổ tiết kiệm và vay vốn, thực hiện 8 chương trình tín dụng ưu đãi, tổng dư nợ hơn 39,9 tỷ đồng, với hơn 1.103 hộ vay. Giao dịch tại xã được định kỳ thực hiện vào ngày 23 hàng tháng. Các buổi giao dịch có sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền, các hội, đoàn thể và lực lượng an ninh xã nên luôn bảo đảm an toàn về người và tài sản trong quá trình giao dịch.

"Qua các buổi giao dịch, người dân, hệ thống tổ tiết kiệm và vay vốn, các tổ chức hội, đoàn thể, cán bộ xã có dịp ngồi lại để giải quyết tồn tại, rút kinh nghiệm trong quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay, giải ngân vốn. Các vướng mắc, sai sót của người dân trong quá trình làm hồ sơ, thủ tục sẽ được nhân viên ngân hàng giải đáp. Từ đây, những hạn chế từ cơ sở sẽ được ngân hàng khắc phục kịp thời, từng bước nâng cao chất lượng tín dụng" ông Nguyễn Văn Hữu nói.

Tháng 2/2024, vợ chồng anh Lê Hồng Phúc và chị Võ Thị Loan ngụ ấp Tân Thiện, xã Tân Thành Bình đã được giải ngân 90 triệu đồng nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội để mở rộng nghề sản xuất chậu kiểng và làm cây cảnh bonsai.

Anh Phúc chia sẻ, những năm trước do ảnh hưởng dịch COVID-19, nên đầu ra sản phẩm ảnh hưởng lớn, kèm theo đó là giá vật liệu tăng nên kinh tế gặp khó. Hiện, nhu cầu thị trường tăng trở lại nên gia đình anh cần vốn để mua cây giống, hoa kiểng, vật liệu sản xuất để mở rộng sản xuất. Nhờ có nguồn tín dụng chính sách được giải ngân, nên vợ chồng anh giảm nỗi lo phải "vay nóng" bên ngoài để làm ăn.

Anh Phúc cho hay, các giao dịch về hồ sơ, nhận vốn, đóng lãi, trả nợ đều được thực hiện ở điểm giao dịch tại Ủy ban nhân dân xã Tân Thành Bình vào ngày cố định hàng tháng, ngay cả cuối tuần hay nghỉ lễ. Khoảng cách gần, thủ tục đơn giản, minh bạch, lãi suất thấp lại được giao dịch trực tiếp với các giao dịch viên giúp người dân tiết kiệm về thời gian và an tâm hơn.

Luôn sát cánh cùng người dân

Tính đến cuối tháng 5/2024, Bến Tre có 2.887 tổ tiết kiệm và vay vốn. Các cán bộ ngành Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Bến Tre đều nhận định, tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động hiệu quả không chỉ là cánh tay nối dài của Ngân hàng Chính sách xã hội, giúp chuyển tải nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, mà còn giúp bà con tính toán, trao đổi kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, cách sử dụng vốn vay hiệu quả, hỗ trợ nhau lúc khó khăn, thực hành tiết kiệm, cam kết sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng thời hạn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn tín dụng chính sách.

Hơn 20 năm, với vai trò Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Tân Hòa Trong, bà Đoàn Thị Phượng đã giúp nhiều người dân tiếp cận vốn chính sách. Bà Phượng nói, trước khi tiến hành làm hồ sơ để các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn, điều kiện đầu tiên phải là hộ gia đình chí thú làm ăn. Sau đó, tổ tiết kiệm và vay vốn họp bình xét cho vay có sự tham dự của cán bộ Hội đoàn thể cấp xã, Trưởng ấp đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, dân chủ và đúng đối tượng.

Ngoài việc luôn hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, các thành viên trong tổ luôn tương trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống, nâng cao thu nhập. Song song đó, ban quản lý tổ cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn vay của hộ vay, đôn đốc hộ vay tuân thủ theo các quy ước của tổ như trả nợ, trả lãi đúng hạn, hướng tới việc phấn đấu không phát sinh nợ quá hạn, không có nợ quá hạn và lãi tồn.

Mặt khác, tổ cũng tích cực vận động hộ vay tiết kiệm chi tiêu, hình thành thói quen gửi tiết kiệm, tạo nguồn vốn tích lũy cho gia đình. Hiện, các thành viên trong tổ đều tham gia gửi tiết kiệm qua tổ tiết kiệm và vay vốn cố định hàng tháng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Bé Mười cho biết, nguồn vốn tín dụng chính sách đã đầu tư đến 100% các ấp, khu phố trên địa bàn toàn tỉnh, đã tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi và kịp thời. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Đến nay toàn tỉnh Bến Tre có 102 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trong thời gian tới, Bến Tre sẽ tập trung rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội nhằm huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tín dụng chính sách xã hội phù hợp từng giai đoạn; tạo điều kiện cho Ngân hàng Chính sách xã hội mở rộng huy động nguồn lực từ các cá nhân, tổ chức và xã hội; từng bước mở rộng đối tượng chính sách xã hội được vay vốn, nâng mức cho vay, thời hạn cho vay phù hợp với mục tiêu các chương trình mục tiêu quốc gia và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Đồng thời, cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương (bao gồm vốn đầu tư công, vốn đầu tư phát triển khác, kinh phí thường xuyên) ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm bổ sung nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng chính sách xã hội, phấn đấu đến năm 2030, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chiếm 15%/tổng nguồn vốn.

Bên cạnh đó, Bến Tre sẽ nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ Tiết kiệm và vay vốn và năng lực cho đội ngũ Ban quản lý Tổ Tiết kiệm và vay vốn, có uy tín, biết sử dụng công nghệ ngân hàng, thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện các nội dung công việc được Ngân hàng Chính sách xã hội ủy nhiệm. Mặt khác, chú trọng kiểm tra, giám sát, hỗ trợ hộ vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả với phương châm "thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ"; thường xuyên phối hợp với hội đoàn thể, các địa phương rà soát, sắp xếp Tổ Tiết kiệm và vay vốn theo cụm dân cư liền kề...

"Tập trung phối hợp giữa các cấp, các ngành để rà soát, xử lý thu hồi nợ của khách hàng đi khỏi nơi cư trú, nợ quá hạn, lãi tồn đọng. Duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động giao dịch tại Điểm giao dịch xã, tập trung nhân lực, trang thiết bị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đảm bảo giao dịch an toàn, hiệu quả", bà Nguyễn Thị Bé Mười nói.

Theo thống kê, giai đoạn 2014 - 2024, tín dụng chính sách xã hội đã cho vay 339.564 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với số tiền 9.356,5 tỷ đồng. Vốn tín dụng chính sách góp phần đáng kể vào giảm tỷ lệ hộ nghèo trong từng giai đoạn. Cụ thể; giai đoạn 2011-2015 giảm từ 11,58% xuống 5,5%, giai đoạn 2016-2020 theo tiêu chí nghèo đa chiều giảm từ 12,11% cuối năm 2015 xuống còn 3,58% vào cuối năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 theo tiêu chí nghèo đa chiều giảm từ 4,26% cuối năm 2021 xuống còn 2,63% vào cuối năm 2023 (cuối năm 2024 dự kiến còn 2,25%).

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục