Tín hiệu lạc quan từ các mũi “chủ công” trong chiến lược vaccine phòng COVID-19

16:06' - 08/07/2021
BNEWS Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước, Chính phủ cùng với các bộ, ngành, địa phương nỗ lực triển khai nhiều biện pháp trước mắt và lâu dài để phòng, chống dịch.

Theo đó, cùng với thực hiện nghiêm thông điệp 5K, Việt Nam triển khai chiến lược vaccine với nhiều mũi "chủ công": Ngoại giao vaccine để tiếp cận các nguồn vaccine trên thế giới và đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước. Cả hệ thống chính trị đang vào cuộc quyết liệt, khẩn trương để nhanh chóng đạt được miễn dịch cộng đồng, đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường.

* Mũi chủ công ngoại giao vaccine

Ngay từ tháng 2/2021, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành kết luận về chủ trương mua, sử dụng vaccine phòng COVID-19, trong đó nêu quyết tâm huy động tối đa các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, các nguồn lực hợp pháp khác để tiếp cận sớm nguồn vaccine phòng COVID-19 để tiêm miễn phí, bao phủ trên toàn dân.

Do đó, ngay từ rất sớm, Thường trực Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt 12.100 tỷ đồng nguồn tiết kiệm chi năm 2020 để mua vaccine phòng dịch COVID-19, đảm bảo hiệu quả, an toàn cho người dân và toàn xã hội.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lây lan mạnh ở nước ta, nguồn kinh phí này là nguồn lực rất quan trọng để thực hiện Chiến lược vaccine của Việt Nam phòng, chống dịch COVID-19 theo chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Trên tinh thần xác định chiến lược vaccine phải đi đường dài, Quỹ vaccine phòng COVID-19 chính thức được thành lập, là chủ trương của Đảng, Nhà nước thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị nhằm huy động nguồn lực xã hội để chia sẻ với ngân sách Nhà nước, thêm sức mạnh, tăng tiềm năng chống dịch để cuộc sống sớm trở lại bình thường.

Tại phiên họp về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội, ngày 11/6, Bộ Chính trị kết luận, tập trung chỉ đạo, tháo gỡ những vướng mắc về mặt pháp lý, huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, phát triển Quỹ vaccine phòng COVID-19.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, đến thời điểm này, Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã nhận được hơn 8.000 tỷ đồng; kỳ vọng sẽ tiếp nhận được 10.000-11.000 tỷ đồng, cùng với nguồn ngân sách nhà nước, để mua vaccine tiêm cho toàn dân.

Song song với sự sẵn sàng về nguồn tài chính là những nỗ lực không ngừng nghỉ trên mặt trận ngoại giao để Việt Nam có thể nhanh chóng tiếp cận các nguồn vaccine trên thế giới. Hoạt động ngoại giao vaccine phòng COVID-19 được thực hiện rất quyết liệt, nhất quán và hiệu quả, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước tích cực đề cập trong các cuộc tiếp xúc, điện đàm với lãnh đạo các nước.

Thông điệp chung lãnh đạo Việt Nam chia sẻ và mong muốn các quốc gia tạo thuận lợi để Việt Nam tiếp cận nguồn cung cũng như công nghệ sản xuất vaccine phòng COVID-19.

Dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Đảng ta tham dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các chính đảng trên thế giới vào tối 6/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh nhiệm vụ cấp bách hiện nay của các quốc gia, chính đảng và tổ chức chính trị - xã hội là nhằm bảo vệ hạnh phúc của nhân dân, sớm đẩy lùi đại dịch COVID-19, nhanh chóng phục hồi phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, nỗ lực và sự đồng lòng của các chính phủ, chính đảng, tổ chức và người dân là yếu tố then chốt nhưng hợp tác quốc tế hiệu quả có ý nghĩa rất quan trọng, trong đó có việc đảm bảo nguồn cung, tiếp cận bình đẳng, kịp thời với vaccine phòng, chống dịch bệnh.

Trước đó, trong Cuộc điện đàm giữa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide ngày 11/5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Nhật Bản hợp tác, hỗ trợ về vaccine COVID-19 để phục vụ tiêm chủng cho nhân dân Việt Nam và hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Nhật Bản.

Tại cuộc điện đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 4/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị hai bên tăng cường hợp tác trong phòng, chống dịch COVID-19, mong muốn và tìm các giải pháp phù hợp, hiệu quả để Trung Quốc hợp tác, hỗ trợ thực hiện chiến lược vaccine của Việt Nam.

Hay trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Hạ Viện Australia Tony Smith, ngày 7/6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị hai bên tiếp tục ủng hộ việc tiếp cận vaccine công bằng và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng COVID-19 cho các quốc gia khó khăn, trong đó có Việt Nam.

Cùng với sự nỗ lực của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thực hiện Nghị quyết của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, từ giữa năm 2020, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan đã liên tục có hàng chục cuộc tiếp xúc, đàm phán với các nhà sản xuất vaccine cũng như cơ quan y tế, đại diện ngoại giao các nước có sản xuất vaccine nhằm tranh thủ mọi khả năng, nguồn lực để có vaccine sớm nhất.

Kết quả, đến nay, Việt Nam đã có gần 5 triệu liều vaccine phòng COVID-19, trong đó: COVAX đã cung cấp 2,5 triệu liều vaccine AstraZeneca; Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ 1,4 triệu liều (600 nghìn liều dự kiến sẽ về trong tuần này), Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ 500 nghìn liều, Hệ thống tiêm chủng VNVC cung cấp hơn 400 nghìn liều và hơn 97 nghìn liều vaccine Pfizer/BioNtech.

Trong tuần này, dự kiến Việt Nam sẽ nhận được 2 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Moderna do Chính phủ Hoa Kỳ viện trợ thông qua Chương trình Covax… Trong bối cảnh nguồn cung vaccine phòng COVID-19 khan hiếm trên phạm vi toàn cầu, Chính phủ và các bộ, ngành đang rất tích cực để triển khai chiến lược chủ công ngoại giao vaccine để có vaccine nhiều nhất, nhanh nhất để tiêm chủng cho người dân.

Sau khi có vaccine, việc tổ chức tiêm chủng hiệu quả an toàn và đúng tiến độ là một trong những nhiệm vụ quan trọng để hoàn thiện những mũi chủ công trong chiến lược vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam.

Theo đó, trong chiến dịch tiêm chủng lịch sử tới đây, dự kiến sẽ có khoảng gần 20 nghìn điểm được triển khai trên toàn quốc và mỗi ngày sẽ có khoảng 1 triệu người được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: "Tất cả các liều vaccine về đến Việt Nam phải được sử dụng hiệu quả, không được phép lãng phí một liều nào. Phải tuyệt đối thực hiện nguyên tắc tiêm đến đâu an toàn đến đó".

* Chủ động nguồn vaccine trong nước

Mũi chủ công chiến lược ngoại giao vaccine đã có những tín hiệu lạc quan bước đầu. Thế nhưng, số lượng vaccine này chưa thể giúp cho chiến lược vaccine của Việt Nam "cán đích".

Theo tính toán, Việt Nam cần tới 150 triệu liều vaccine để tiêm cho 70% dân số. Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế thế giới, nguồn cung vaccine hiện đang thiếu hụt nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tiếp cận vaccine của Việt Nam, do đó, đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển vaccine trong nước được coi là mũi chủ công quan trọng, là giải pháp căn cơ lâu dài.

Ngay từ khi dịch COVID-19 bùng phát, trên tinh thần khuyến khích các đơn vị trong nước nghiên cứu, phát triển vaccine phòng COVID-19, Chính phủ đã có các chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine phòng COVID-19 trong nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu "phải thần tốc hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trên mặt trận vaccine phòng COVID-19". Bởi đây là mũi chủ công then chốt trong cuộc chiến chống dịch, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường và phát triển kinh tế của đất nước.

Trong thời gian qua, liên tục kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại những điểm nóng như Bắc Giang, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, làm việc với nhà khoa học, thị sát tại các đơn vị nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để sớm có được nguồn vaccine sản xuất trong nước.

Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính đang cản trở chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine để có được sản phẩm trong nước nhanh nhất, sớm nhất có thể.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các nhà khoa học, doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển vaccine "made in Vietnam" nỗ lực không kể ngày đêm. Công nghiệp sản xuất vaccine của Việt Nam đang trải qua những tháng ngày lịch sử khi quy trình nghiên cứu, thử nghiệm vaccine được rút ngắn, "vừa chạy, vừa xếp hàng" để sớm có vaccine cho người dân.

Trong đó, vaccine Nano Covax được Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen phát triển từ tháng 5/2020, dựa trên công nghệ protein tái tổ hợp, đang thử nghiệm giai đoạn 3 trên 13.000 người để đánh giá yếu tố hiệu lực bảo vệ của vaccine đối với cộng đồng. Qua 2 giai đoạn đầu, kết quả thử nghiệm cho thấy, 100% tình nguyện viên đều sinh miễn dịch tốt. Tỷ lệ chuyển đổi huyết thanh đạt trên 99%.

Cùng với Nano Covax, Covivac (Viện Vaccine và sinh phẩm y tế nghiên cứu, phát triển) là ứng viên vaccine phòng COVID-19 thứ hai do Việt Nam sản xuất, đã hoàn thành giai đoạn đầu tiên thử nghiệm lâm sàng trên người.

Trong tháng 7/2021, Covivax dự kiến sẽ được tiêm thử với cỡ mẫu lớn hơn và giai đoạn 3 sẽ được thực hiện vào cuối năm nay. Ngoài ra, sau nhiều lần đàm phán, Công ty Vắc xin và sinh phẩm số 1 - Vabiotech đã chính thức gia công đóng ống vaccine Sputnik V. Với những nỗ lực của các nhà khoa học, hy vọng vào cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có những lô vaccine đầu tiên phục vụ công tác phòng, chống dịch trong nước.

Thực hiện thành công chiến lược vaccine có vai trò quan trọng để Việt Nam có thể đạt được miễn dịch cộng đồng, sớm đưa đất nước trở về trạng thái bình thường. Ngăn chặn và đẩy lùi dịch COVID-19 hiệu quả, Việt Nam không chỉ duy trì được đà phát triển kinh tế -xã hội trong những năm qua mà còn tận dụng được cơ hội mới, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục