Tin tức tổng hợp mới nhất về COVID-19 sáng 29/9

08:43' - 29/09/2020
BNEWS Thế giới đã ghi nhận tổng cộng 33.541.703 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.006.072 ca tử vong.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 7h30 ngày 29/9 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 33.541.703 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.006.072 ca tử vong. Số bệnh nhân bình phục hiện nay là 24.868.567 người.

Mỹ là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới với 7.361.186 ca nhiễm và 209.774 ca tử vong do COVID-19. Xếp sau Mỹ là Ấn Độ  (6.143.019 ca nhiễm, 96.351 ca tử vong) và Brazil (4.748.327 ca nhiễm và 142.161 ca tử vong).

Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump công bố kế hoạch phân phối 100 triệu bộ xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2 cho các bang trong tuần này, đồng thời, kêu gọi thống đốc các bang sử dụng chúng để mở cửa trở lại các trường học. Theo Tổng thống Trump, các bộ kiểm tra của hãng Abbott rẻ hơn và nhanh hơn so với các bộ kiểm tra trong phòng thí nghiệm bởi có thể đưa ra kết quả trong khoảng 15 phút.

Bộ kiểm tra này đã được sử dụng rộng rãi tại các viện dưỡng lão. Với các xét nghiệm này, chính quyền Tổng thống Trump nỗ lực thúc đẩy các trường học tại Mỹ mở cửa trở lại. Thông báo từ Nhà Trắng được đưa ra trong bối cảnh các chuyên gia cảnh báo về sự gia tăng các trường hợp nhiễm mới COVID-19 vào mùa Thu và mùa Đông.

Trong khi đó, Thủ hiến tỉnh Ontario đông dân nhất Canada ngày 28/9 thông báo địa phương này đang phải gánh chịu làn sóng lây nhiễm thứ hai của dịch COVID-19 và tuyên bố mọi giải pháp đều sẽ được cân nhắc để chiến đấu với dịch bệnh.

Ontario ngày 28/9 đã ghi nhận 700 ca nhiễm mới, mức cao kỷ lục trong 1 ngày kể từ khi đại dịch khởi phát ở quốc gia Bắc Mỹ này. Thủ hiến Ontario cảnh báo làn sóng lây nhiễm thứ hai có nguy cơ tồi tệ hơn đợt dịch hồi mùa Xuân và đề nghị người dân tuân thủ các quy định về y tế công cộng.

Trong khi đó, chính quyền tỉnh Quebec (Canada) vừa quyết định đưa 3 khu vực (đại đô thị Montreal, Quebec City và Chaudiere-Appalaches) lên mức cảnh báo cao nhất về dịch COVID-19, áp dụng các biện pháp mới đối với người dân và doanh nghiệp. Thủ hiến Quebec, François Legault cho biết các biện pháp mới này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10 và kéo dài trong 28 ngày.

Theo đó, các quán bar, phòng hòa nhạc, rạp chiếu phim, bảo tàng và thư viện tại các khu vực bị ảnh hưởng sẽ đóng cửa, các quán ăn sẽ hạn chế ở hình thức bán thức ăn mua mang về. Các cửa hàng và trường học vẫn mở cửa. Biện pháp mới cũng cấm tụ tập cá nhân ở không gian trong nhà và ngoài trời, không cho phép đón tiếp khách tại nhà, trừ nhân viên chăm sóc y tế hoặc người cung cấp dịch vụ.

Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Canada hiện đã lên tới 153.125 ca, trong đó có 9.268 ca tử vong. Trong tuần qua, tính trên quy mô toàn quốc, Canada đã tiến hành xét nghiệm COVID-19 cho khoảng trung bình 70.000 người mỗi ngày, với tỷ lệ dương tính là 1,4%.

Tại châu Âu, chính quyền vùng Brussels (Bỉ) đã đề ra các biện pháp nghiêm ngặt hơn nhằm ngăn chặn các ca nhiễm đang gia tăng nhanh chóng tại vùng này, vốn cao hơn mức trung bình của cả nước. Hiện số ca nhiễm mới trung bình mỗi ngày tại Bỉ là 1.528,7 ca thì tại Brussels trung bình lên tới 2.305 ca.

Theo đó, việc đeo khẩu trang là bắt buộc tại các trường học, cũng như ở những nơi đông người; các quán bar phải đóng cửa vào lúc 23h đêm thay vì 1h sáng; không được tổ chức tụ tập quá 6 người từ 23h đêm tới 6h sáng,; các cửa hàng bán thức ăn và đồ uống cần đóng cửa vào lúc 22h.

Trước đó, ngày 23/9, Chính phủ Bỉ thông báo nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19 như bãi bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang ngoài trời kể từ ngày 1/10, linh hoạt hơn về số người được tiếp xúc gần của một người… Tính tới thời điểm hiện nay, tại Bỉ có tổng cộng 114.179 ca mắc COVID-19, trong đó có tới 9.980 ca tử vong và 19.275 người khỏi bệnh.

Tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh cuộc chiến với đại dịch vẫn tiếp tục, đồng thời kêu gọi người dân không được mất cảnh giác, ngược lại, cần thể hiện trách nhiệm tối đa đối với bản thân và tất cả những người xung quanh.

Nhà lãnh đạo Nga đưa ra lời kêu gọi trên trong bối cảnh số ca  nhiễm mới tại LB Nga trong những ngày gần đây đã tăng mạnh. Tính đến sáng 28/9, LB Nga ghi nhận thêm 8.135 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca mắc COVID-19 lên 1.159.573 ca. Cùng với đó, Nga cũng ghi nhận thêm 61 ca tử vong, đưa tổng số ca tử vong lên 20.385 ca.

Tại châu Á, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố các quy định hạn chế một phần trong và xung quanh khu vực thủ đô Manila sẽ được kéo dài thêm một tháng, tới ngày 31/10, để kiểm soát tình trạng lây lan của đại dịch COVID-19.

Tổng thống Duterte cũng kêu gọi các công ty viễn thông hàng đầu của Philippines phối hợp tốt với các trường công để đảm bảo mở lại những lớp học trực tuyến vào ngày 5/10. Các công tác chuẩn bị cho quyết định nối lại chương trình học trực tuyến đã bị ảnh hưởng tiêu cực từ những vấn đề như khả năng truy cập, tình trạng sẵn sàng và tốc độ của các dịch vụ dữ liệu.

Cùng ngày, Philippines đã xác nhận thêm 3.073 ca mắc COVID-19 và 37 ca tử vong. Đến nay, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận tổng cộng 307.288 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.381 ca tử vong.

Tại Thái Lan, Trung tâm Xử lý Tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 (CCSA) cho biết sẽ mở rộng các trường hợp người nước ngoài được phép nhập cảnh vào quốc gia Đông Nam Á này kể từ tháng 10.

Theo đó, những người không có thị thực nhập cư, chẳng hạn như các doanh nhân không có giấy phép lao động, hiện nay cũng sẽ được phép nhập cảnh vào Thái Lan, song phải chứng minh được khoản tiền tiết kiệm tối thiểu là 500.000 baht (khoảng 15.782 USD) trong 6 tháng trước đó.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cũng đã bật đèn xanh cho chương trình Thị thực Du lịch Đặc biệt (STV), chủ yếu nhằm mục đích phục vụ các du khách nước ngoài có ý định ở lại Thái Lan trong khoảng thời gian dài, lên tới 9 tháng.

Trước đó cùng ngày, Chính phủ Thái Lan thông báo nước này sẽ cho phép người nước ngoài mắc kẹt tiếp tục lưu trú đến ngày 31/10 tới, trong bối cảnh hoạt động đi lại trên toàn cầu vẫn bị hạn chế do thế giới đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới./.

>>Softbank giới thiệu người máy Servi để giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục