Thái Lan gia hạn lưu trú cho người nước ngoài mắc kẹt do dịch COVID-19

20:09' - 28/09/2020
BNEWS Thái Lan sẽ cho phép người nước ngoài mắc kẹt do dịch COVID-19 được lưu trú đến ngày 31/10 tới, trong bối cảnh hoạt động đi lại trên toàn cầu vẫn bị hạn chế.

Chiều 28/9, Trung tâm Xử lý Tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan đã quyết định gia hạn lần thứ 6 sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp nhằm ngăn chặn dịch bệnh này.

Các quan chức chính phủ cho biết với quyết định trên, sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp phòng chống dịch COVID-19 sẽ tiếp tục được thực thi trên cả nước đến ngày 31/10 tới. 

Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp được Chính phủ Thái Lan ban bố từ tháng 3 vừa qua nhằm hạn chế dịch COVID-19 lây lan. Sau 5 lần gia hạn, sắc lệnh sẽ hết hiệu lực vào ngày 30/9 này.

Cùng ngày, người phát ngôn CCSA Taweesin Wisanuyothin thông báo Chính phủ Thái Lan sẽ cho phép người nước ngoài mắc kẹt tại đây tiếp tục lưu trú đến ngày 31/10 tới, trong bối cảnh hoạt động đi lại trên toàn cầu vẫn bị hạn chế do thế giới đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới.

Thái Lan đã tạm dừng các chuyến bay thương mại từ tháng 4 năm nay nhằm ngăn chặn đại dịch lây lan, do đó các chuyến bay hồi hương là phương tiện duy nhất để đưa người nước ngoài rời khỏi nước này.

Tháng 7 vừa qua, nhà chức trách Thái Lan đã cho phép tự động gia hạn thị thực từ cuối tháng 3 đến 26/9 đối với tất cả người nước ngoài.

Kể từ tháng 10 trở đi, quốc gia này sẽ áp dụng luật di trú mới cho phép người nước ngoài xin gia hạn lưu trú thêm 60 ngày nếu không thể xuất cảnh do không có chuyến bay hoặc các nguyên nhân khác.

Trước đó, để xin kéo dài thời hạn lưu trú, các công dân nước khác phải có giấy tờ hợp lệ do Đại sứ quán nước đó cấp và chỉ được ở lại Thái Lan trong vòng 30 ngày.

Trong tháng này, Chính phủ Thái Lan cũng cho phép cấp thị thực có thời hạn lên tới 270 ngày cho khách lưu trú dài ngày và đang cân nhắc cho phép công dân của một số quốc gia được nhập cảnh từ tháng 10 tới.

Thái Lan dự báo lượng du khách quốc tế sẽ giảm từ 39,8 triệu lượt năm 2019 xuống còn 6,7 triệu lượt trong năm nay, sau đó hồi phục lên 20,5 triệu lượt vào năm 2021.

*Cùng ngày, Malaysia thông báo nước này sẽ áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt tại 4 huyện thuộc bang Sabah - vùng sản xuất dầu cọ lớn nhất Malaysia - sau khi ghi nhận hơn 1.000 ca mắc COVID-19 tại dây trong tháng 9 này. 

Bộ trưởng Quốc phòng Ismail Sabri Yaakob nêu rõ trong khuôn khổ các nỗ lực nhằm ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, các cơ sở kinh doanh không thiết yếu tại 4 huyện gồm Lahad Datu, Tawau, Kunak và Semporna sẽ phải đóng cửa trong vòng 14 ngày kể từ 29/9. 

Lệnh phong tỏa từng phần này được đưa ra trong bối cảnh gần đây số ca nhiễm mới virus SARS-COV-2 gia tăng tại Malaysia và có nhiều ý kiến quan ngại rằng cuộc bầu cử cấp quốc gia kết thúc vào ngày 27/9 vừa qua sẽ càng khiến tình hình dịch bệnh càng trở nên nghiêm trọng.  

Tính đến hết 27/9, Malaysia ghi nhận tổng cộng 10.919 ca mắc COVID-19, trong đó có 9.835 ca đã bình phục và 134 ca tử vong. 

* Tại Nhật Bản, chính phủ nước này đang lên kế hoạch gỡ bỏ lệnh cấm đi lại đối với khoảng 10 quốc gia bắt đầu từ tháng 10 tới, với hy vọng bước đi như vậy có thể thúc đẩy chính phủ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác cũng gỡ bỏ các hạn chế đi lại đối với nước này.

Theo nhật báo kinh doanh Nikkei, 10 quốc gia mà Nhật Bản cân nhắc dỡ bỏ lệnh cấm nói trên gồm Australia, New Zealand, Việt Nam hoặc các nước có số ca mắc COVID-19 thấp. Tuy nhiên, quyết định về việc liệu có chấp nhận các du khách từ Nhật Bản hay không sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào những chính phủ đó./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục