TKV hiện thực mục tiêu thông minh hóa sản xuất

14:02' - 09/11/2018
BNEWS Cơ giới hoá, tự động hóa trong khai thác là giải pháp cho “bài toán” nâng cao sản lượng và là mục tiêu để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của Tập đoàn.

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) hiện có chủ trương triển khai ứng dụng công nghệ hiện đại vào tất cả các khâu sản xuất từ khai thác đến chế biến và vận chuyển. Theo đó, cơ giới hoá, tự động hóa trong khai thác là giải pháp cho “bài toán” nâng cao sản lượng và là mục tiêu để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của Tập đoàn.

Máy xúc gầu dung tích 12m3 trên khai trường Công ty than Cọc Sáu. Ảnh: TKV

Các ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa đã và đang được TKV triển khai áp dụng trên tất cả các khối ngành sản xuất và đã đạt được nhiều kết quả. Có thể kể đến một số công trình tự động hóa gần đây đã được đưa vào vận hành, mang lại hiệu quả cao. Điều này giúp nâng cao năng suất lao động, tiết giảm nhân công lao động trực tiếp như: hệ thống băng tải giếng chính Mạo Khê (giảm 70% nhân lực vận hành); tự động hóa tuyến băng tải lò XVmức -300 Hà Lầm (giảm 40% nhân lực)…

Nhiều công trình, sản phẩm cơ giới hóa, tự động hóa được ra đời từ phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật qua thực tế sản xuất. Chẳng hạn như máy xúc lật hông mini ML – 01 – 0,15 do Công ty Than Uông Bí phối hợp với Công ty cổ phần Cơ khí Uông Bí phối hợp nghiên cứu, cải hoán từ Máy xúc KOMASU PC10 cho phù hợp với điều kiện khai thác, đào lò trong phân khúc đường lò nhỏ.

Ông Lê Quang Hà, Phó giám đốc Cơ điện Vận tải, Công ty Than Uông Bí cho hay, với những thiết bị mà công ty đã sáng kiến rồi cải hoán để đưa vào phục vụ công tác đào lò thì máy này là đang ưu việt nhất. Kích thước rất nhỏ gọn cho phép đào được những gương lò bé đến mức khoảng 5m2. Đặc biệt, máy xúc này linh hoạt trong quá trình lắp ghép và tháo rời khi chuyển diện, rất hiệu quả trong việc tăng năng suất đào lò.

Nếu như so sánh với trước đây, ở lò phân tầng, thì 1 gương than sẽ cần 10 công nhân, nhưng với sản phẩm này thì chỉ cần từ 3 – 4 người, giảm mạnh được nhân công tham gia trực tiếp và tăng nhanh về năng suất, tạo môi trường làm việc an toàn.

Theo lãnh đạo Công ty Than Uông Bí tới đây, công ty sẽ thành lập những phân xưởng cơ giới hóa đào lò và đưa các thiết bị này xuống vị trí sản xuất sớm nhất. Qua đó, giúp giảm tối đa sức lao động cho công nhân, đồng thời tăng năng suất, tốc độ đào lò, góp phần giúp đơn vị hoàn thành chỉ tiêu đào lò mà Tập đoàn giao.

Tại Công ty cổ phần Công nghiệp Ô tô - Vinacomin thời gian gần đây cũng đã chế tạo được nhiều sản phẩm cơ khí mới, đặc biệt là các sản phẩm cơ khí phục vụ sản xuất hầm lò. Do tự sản xuất được nên giá thành các sản phẩm của công ty đều giảm từ 5-10% so với sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Sản phẩm mới nhất của công ty chế tạo năm nay là bộ cốp pha máng trượt đổ bê tông trong hầm lò. Kết cấu cốp pha hầm được bố trí 18 đầm rung, 16 xi lanh thủy lực… sẽ được ứng dụng để đổ bê tông trong các công trình hầm cầu, hệ thống giao thông.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó phòng Kế hoạch vật tư của công ty bày tỏ, bộ cốp pha này hoạt động bằng thủy lực nên nó thay thế cho được rất nhiều cho việc đổ bê tông băng thủ công như bây giờ, đặc biệt là đổ trong hệ thống hầm lò. Từ đó, giúp cho việc sử dụng nhân công lao động giảm, thao tác vận hành đơn giản dễ dàng, tăng mức độ an toàn, tiết kiệm thời gian, chi phí tăng hiệu quả kinh tế

Trước đó, Công ty cổ phần Công nghiệp Ô tô Vinacomin đã đưa vào vận hành rô bốt hàn công nghệ Nhật Bản. Chỉ cần 1 kĩ sư cài đặt, 1 rô bốt hàn có thể thay thế cho 10 công nhân làm việc trực tiếp với hiệu suất cao gấp 5 lần, tiết giảm 30% vật tư và cho ra những sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã đồng đều. Ngoài ra, công ty còn sản xuất ra hệ thống con lăn tự động, các máy gia công đứng tiến tiến như CNC tích hợp phay, tiện khoan trên cùng 1 máy, nâng cao năng xuất lao động từ 5 đến 8 lần so với trước, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc cho cán bộ công nhân sản xuất trực tiếp.

Theo TKV, hiện thực hóa mục tiêu thông minh hóa sản xuất trong thời đại công nghệ 4.0, TKV đã xây dựng chương trình, kế hoạch chi tiết, thực hiện chỉ đạo từ Tập đoàn đến các đơn vị để bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp với thực tế. Tập đoàn sẽ tiếp tục có cơ chế chính sách ưu tiên đầu tư tự động hóa cũng như đẩy mạnh ứng dụng tự động hóa vào sản xuất và quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như mang lại hiệu quả cao nhất trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục