Tổng cục Thống kê: Tăng trưởng kinh tế quý I/2022 nằm trong kịch bản của Nghị quyết 01

12:38' - 29/03/2022
BNEWS Tăng trưởng kinh tế quý I năm 2022 nằm trong kịch bản của Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, như vậy kịch bản tăng trưởng các quý còn lại và chung cả năm cũng chưa biến động nhiều...

Với mức tăng trưởng GDP đạt 5,03% trong quý I/2022, kinh tế - xã hội của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hầu hết các ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Nguyễn Thị Hương, tăng trưởng kinh tế quý I/2022 nằm trong kịch bản của Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Như vậy, kịch bản tăng trưởng các quý còn lại và chung cả năm cũng chưa biến động nhiều theo 2 kịch bản đề ra.

Để hiểu rõ hơn về bức tranh kinh tế cũng như những nội dung về lao động việc làm, mục tiêu kiểm soát lạm phát, việc triển khai các chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế…, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương xung quanh nội dung này.

Phóng viên: Tổng cục trưởng cho biết một số nét đặc trưng về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2022?

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Kinh tế - xã hội quý I/2022 của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hầu hết các ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại. Một số điểm nổi bật về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2022 của nước ta như sau: tăng trưởng kinh tế quý I năm nay so với cùng kỳ năm trước đạt mức khá 5,03%, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I/2021 và 3,66% của quý I năm 2020. Điều này tạo đà tăng trưởng cho những quý tiếp theo của năm 2022.

Đặc biệt, sản xuất công nghiệp trong quý I/2022 khởi sắc khi các doanh nghiệp đã chủ động hơn về lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn để phục hồi, mở rộng sản xuất.

Cùng với đó, hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 3 khá sôi động với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 3, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa hồi phục mạnh với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 66,73 tỷ USD, tăng 36,8% so với tháng trước và tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung quý I/2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 176,35 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, xuất khẩu tăng 12,9%; nhập khẩu tăng 15,9%. Cán cân thương mại hàng hóa quý I/2022 ước tính xuất siêu 809 triệu USD.

Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I/2022 tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 0,81%. Đây là kết quả đáng ghi nhận trong chỉ đạo, điều hành giá của Chính phủ trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang gánh chịu cơn “bão giá” chưa từng có trong vài chục năm qua. 

Phóng viên: Trong quý I/2022 giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào sản xuất ở mức cao và Chính phủ đang khẩn trương chỉ đạo thực hiện gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Vậy, tình hình này tác động thế nào đến mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay, thưa Tổng cục trưởng? 

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Thị trường hàng hóa thế giới quý I/2022 diễn biến phức tạp, áp lực lạm phát tăng cao tại nhiều nước. Giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất tăng nhanh trong bối cảnh nhiều quốc gia tích cực triển khai các gói kích thích tăng trưởng, đẩy mạnh tiến trình phục hồi kinh tế. Thị trường xăng dầu thế giới nhiều biến động, đặc biệt trước xung đột giữa Nga và Ukraine. 

Sản xuất giày xuất khẩu sang thị trường châu Âu tại Công ty TNHH Hóa dệt Hà Tây. Ảnh: Trần Việt 

Các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU đối với Nga khiến nguồn cung dầu thô và xăng dầu thành phẩm thiếu hụt trong khi dự trữ tại nhiều nước sụt giảm làm cho giá nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới tăng cao. Tính đến ngày 23/3/2022, giá dầu Brent bình quân quý I/2022 đạt 96,13 USD/thùng, tăng 28,52% so với tháng 12/2021 và tăng 56,77% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường hàng hóa trong nước diễn biến theo thị trường thế giới. Cụ thể, giá nhập khẩu một số nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trong nước quý I/2022 so với cùng kỳ năm trước tăng cao như: giá nhập khẩu sắt thép tăng 43,87%; giá nhập khẩu xăng dầu tăng 40,44% và giá nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 27,73%.

Giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào các ngành sản xuất trong nước quý I/2022 tăng từ 0,53 - 6,16% so với cùng kỳ năm 2021. Giá xuất khẩu dầu thô, hạt tiêu, sắt thép và gạo của Việt Nam tăng lần lượt 60,39%; 32,33%; 20,24% và 4,42%.

Quý I/2022, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng 6 đợt, giảm 1 đợt; trong đó, giá xăng A95 tăng 5.900 đồng/lít so với tháng 12/2021; giá xăng E5 tăng 5.780 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 6.060 đồng/lít. So với cùng kỳ năm trước, giá xăng dầu trong nước bình quân quý I/2022 tăng 48,81%.

Việc triển khai các chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế 2022-2023 để chủ động trong phòng chống dịch COVID-19 và hỗ trợ kịp thời cho phục hồi, phát triển bền vững kinh tế - xã hội là rất cần thiết trong điều kiện hiện nay nhưng cũng sẽ làm gia tăng áp lực lên lạm phát.

Chính vì vậy, theo chúng tôi các gói kích thích kinh tế này phải được triển khai một cách đồng bộ với các chính sách về tài khóa, tiền tệ và công tác quản lý, giám sát phải chặt chẽ, chính sách hỗ trợ cần sát với thực tiễn, công khai, minh bạch.

Tín dụng của nền kinh tế cũng phải đảm bảo đáp ứng được vốn cho nền kinh tế tăng trưởng; trong đó tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, cần kiểm soát chặt chẽ đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc thực hiện tốt các chính sách sẽ giúp thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế và kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Phóng viên: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình với giải pháp hỗ trợ việc làm. Tổng cục trưởng có thể đánh giá hiệu quả các giải pháp của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho khu vực doanh nghiệp và người lao động?

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Mặc dù số ca nhiễm COVID-19 gia tăng nhanh tại hầu hết các địa phương trên cả nước nhưng với chiến lược thích ứng an toàn và tăng độ phủ vaccine đã có 57/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 trên 90%; thị trường lao động quý I/2022 đã dần phục hồi trở lại.

Lực lượng lao động, số người có việc làm, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I/2022 tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, lao động trong ngành dịch vụ tăng đáng kể so với quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động đều giảm so với quý trước.

Với sự quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ngay trong quý I/2022 đã giúp một bộ phận người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động, qua đó cung ứng đủ lao động cho doanh nghiệp có thể tăng tốc trong thời gian tới.

Phóng viên: Chính phủ và các địa phương đang khẩn trương triển khai các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng đã được Quốc hội phê duyệt trong bối cảnh đứt gãy nguồn cung nguyên, nhiên vật liệu và lao động. Tổng cục Thống kê có đề xuất giải pháp gì giải quyết hai vấn đề này nhằm thúc đẩy tăng trưởng năm 2022?

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Chính phủ và các địa phương đang khẩn trương triển khai các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng đã được Quốc hội phê duyệt trong bối cảnh kinh tế nước ta sụt giảm do tác động của dịch COVID-19.

Tuy nhiên, xung đột Nga - Ukraine làm tăng giá các mặt hàng liên quan đến giá dầu, giá điện và giá lương thực thực phẩm, cũng như tác động lan toả đối với nhiều ngành rộng hơn do chi phí vận tải và giá điện tăng cao.

Do vậy, để hạn chế các tác động đứt gãy nguồn cung nguyên, nhiên vật liệu, Tổng cục Thống kê đề xuất cần theo dõi sát sao diễn biến căng thẳng Nga - Ukraine và động thái, chính sách của các quốc gia như Mỹ và phương Tây.

Từ đó, có những nhận định, đánh giá và các chính sách điều hành phù hợp, kịp thời, nhất là các chính sách đảm bảo nguồn cung nguyên vật liệu, vận chuyển và cung ứng đến nơi sản xuất, đảm bảo không để xảy ra gián đoạn quá lâu dẫn tới hủy đơn hàng của đối tác đặt hàng.

Để đảm bảo tăng trưởng ổn định, bền vững hơn, ít phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài, cần có giải pháp tổng thể đảm bảo nguồn cung xăng dầu (gồm cả trong nước và nhập khẩu); chính sách điều tiết hệ thống phân phối, tránh đứt đoạn nguồn cung, ảnh hưởng tới đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Giá cả thế giới được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới nên cần nỗ lực thực hiện các biện pháp đàm phán nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu thô thông qua tăng cường hợp tác từ cấp cao là Chính phủ đến cấp bộ, ngành, doanh nghiệp, đặc biệt đối với các nước có nguồn tài nguyên dồi dào.

Cùng đó, hỗ trợ các doanh nghiệp ký hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu dài hạn để bảo đảm nguyên liệu đầu vào, ổn định giá thành sản xuất. Qua đó, kiểm soát lạm phát và bảo đảm tối thiểu nhất ảnh hưởng của việc tăng giá nguyên liệu thế giới đến đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Phóng viên: Thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, với vai trò là cơ quan tham mưu, Tổng cục trưởng cho biết kịch bản phục hồi kinh tế của Tổng cục Thống kê trong những quý tới?

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê: Để nhanh chóng thiết lập được tình trạng bình thường mới, phục hồi các hoạt động kinh tế bị gián đoạn, bình ổn các thị trường và sớm thúc đẩy giao thương quốc tế, ngày 30/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Theo chương trình, đối tượng và phạm vi hỗ trợ được bao phủ diện rộng tập trung vào mọi người dân và người lao động bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Các nhiệm vụ và giải pháp đặt ra khá toàn diện từ các giải pháp về thể chế, chính sách, môi trường kinh doanh đến các giải pháp hỗ trợ trực tiếp và cụ thể cho từng đối tượng. Chương trình được kỳ vọng sẽ củng cố an sinh xã hội, tạo nền móng cho các hoạt động kinh tế sớm sôi động trở lại.

Tuy nhiên, kinh tế thế giới đang bị đe dọa bởi cuộc chiến Nga - Ukraine khiến giá cả thế giới leo thang, cầu thế giới cao nhưng chuỗi cung ứng toàn cầu đang khó khăn.... Trong nước, giá cả cũng tăng mạnh đặc biệt là các nhóm hàng nguyên, nhiên vật liệu chủ yếu cho sản xuất... đặt ra áp lực lạm phát cao trong năm 2022 nhưng cơ hội tăng trưởng của các quý tiếp theo hiện vẫn được đánh giá khả quan.

Động lực tăng trưởng trong thời gian tới theo tôi sẽ đến từ các ngành thế mạnh như: nông nghiệp, công nghiệp. Đặc biệt, là công nghiệp chế biến do cầu thế giới tăng và thị trường được khôi phục. Bán buôn, bán lẻ, vận tải, lưu trú, ăn uống, vui chơi, giải trí sẽ có lực tăng trưởng cao trong năm do suy giảm âm hơn 1 năm qua và chính sách mở cửa thị trường du lịch nhằm lấy lại sức hút khách du lịch như trước... Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ sớm khôi phục cầu sản xuất, đầu tư và tiêu dùng trong nước từ đó thúc sản xuất phát triển.

Tăng trưởng kinh tế quý I/2022 nằm trong kịch bản của Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ. Như vậy kịch bản tăng trưởng các quý còn lại và chung cả năm cũng chưa biến động nhiều theo 2 kịch bản Nghị quyết 01/NQ-CP là 6,0 - 6,5%. Tổng cục Thống kê sẽ tiếp tục theo dõi các diễn biến quốc tế và trong nước để cập nhật kịp thời kịch bản tăng trưởng các quý còn lại cũng như cả năm 2022 để tham mưu giúp bộ, ngành chỉ đạo nhằm đạt mục tiêu theo Nghị quyết.

Phóng viên: Xin cám ơn Tổng cục trưởng!

 

 

 

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục