Tổng cục Thống kê: Trong khó khăn, GDP cả năm 2020 có thể tăng trên 5%
Trên cơ sở dự kiến những tác động trực tiếp và gián tiếp của dịch COVID-19 tới các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, tác động của suy giảm thương mại và tăng trưởng kinh tế thế giới, với độ mở cao của nền kinh tế, Tổng cục Thống kê đã xây dựng hai kịch bản tăng trưởng với dự kiến nếu dịch COVID-19 được khống chế kịp thời trong quý II/2020, hoặc kéo dài sang quý III năm 2020.
Để hiểu rõ hơn, Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), TS. Nguyễn Bích Lâm xung quanh nội dung này. Phóng viên: Xin ông đánh giá tình hình kinh tế 3 tháng đầu năm 2020? Và những ngành, lĩnh vực nào có dấu hiệu tốt giúp cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng? Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Kinh tế - xã hội nước ta 3 tháng đầu năm 2020 diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt dịch bệnh COVID-19 liên tiếp bùng phát ở các quốc gia và vùng lãnh thổ tác động lớn tới thương mại toàn cầu, giá cả, lạm phát, xáo trộn thị trường tài chính, kinh tế và đời sống người dân ở hầu hết các nước trên thế giới… Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến phức tạp, tình trạng xâm nhập mặn diễn ra sớm và sâu ảnh hưởng lớn đến năng suất và sản lượng cây trồng; ngành chăn nuôi gặp khó khăn khi dịch bệnh tả lợn châu Phi vẫn chưa được khống chế hoàn toàn, trong khi dịch cúm gia cầm bùng phát tại một số địa phương; Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực bảo vệ tính mạng và an toàn của người dân nhưng cũng tác động đến các cơ sở sản xuất, đơn vị phân phối mặt hàng bia rượu ra thị trường; đồng thời, ảnh hưởng lớn đến các ngành dịch vụ ăn uống. Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước như đề cập ở trên, tăng trưởng kinh tế quý I năm 2020 của nước ta đạt 3,82%, đây là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 10 năm 2011-2020 với sự sụt giảm tăng trưởng ở cả ba khu vực.Cụ thể, khu vực công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng cao nhất đạt 5,15%, đóng góp 2,14 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực dịch vụ tăng 3,27%, đóng góp 1,51 điểm phần trăm; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ tăng 0,08%, giảm 2,73 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2019.
Tôi lưu ý, trong bức tranh tăng trưởng kinh tế quý I năm nay, chỉ có một số ngành thuộc khu vực dịch vụ duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định như: tài chính ngân hàng có tốc độ tăng 7,2%, thông tin truyền thông đạt 7,78%, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt 9,97%. Đây là những mảng sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế quý I năm nay. Phóng viên: Trước diễn biến dịch COVID-19 phức tạp và khó lường, nhiều ngành kinh tế đã bị ảnh hưởng nặng nề, các chuỗi cung ứng gián đoạn và hoạt động thương mại cũng như đầu tư co hẹp đáng kể, xin ông cho biết những kịch bản xây dựng tăng trưởng kinh tế được đặt ra từ nay đến cuối năm? Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Dịch COVID-19 đang diễn biến rất nhanh, phức tạp, lan ra hầu khắp các quốc gia trên thế giới; trong đó có Việt Nam. Nhiều quốc gia đã dừng các chuyến bay, thương mại quốc tế đình trệ, một số quốc gia ban bố tình trạng khẩn cấp, phong tỏa dân.Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất, nhập khẩu, đầu tư cũng như ảnh hưởng trực tiếp tới các ngành chế biến chế tạo, du lịch, vận tải, lưu trú, ăn uống, giải trí…. Ở trong nước, dịch tác động mạnh đến tăng trưởng GDP trong quý I và cả năm 2020.
Hiện toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặt ưu tiên hàng đầu là phòng chống và dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để đảm bảo tính mạng và sức khỏe của nhân dân. Trên cơ sở dự kiến những tác động trực tiếp và gián tiếp của dịch COVID-19 tới các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, tác động của suy giảm thương mại và tăng trưởng kinh tế thế giới, với độ mở cao của nền kinh tế, Tổng cục Thống kê đã xây dựng hai kịch bản tăng trưởng với dự kiến nếu dịch COVID-19 được khống chế kịp thời trong quý II/2020, hoặc kéo dài sang quý III năm 2020 thì tăng trưởng GDP cả năm đều đạt trên 5%.Đây là mức tăng trưởng cao so với các nền kinh tế khu vực và thế giới và là thắng lợi trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.
Phóng viên: Lạm phát năm 2020 dự báo sẽ chịu nhiều sức ép do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và thách thức từ các chính sách điều chỉnh giá sắp tới. Ông nhận định về tình hình lạm phát năm nay như thế nào? Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Qua diễn biến giá các mặt hàng trong quý I năm 2020, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương gây tâm lý không tốt cho người tiêu dùng; xu hướng tích trữ thực phẩm, thuốc và thiết bị y tế dùng cho phòng chống lây nhiễm dịch khiến giá các mặt hàng này tăng ở một số địa phương trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó người dân ít ra ngoài hơn nên nhu cầu sử dụng điện và nước sinh hoạt tăng cao hơn. Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến phức tạp, người dân hạn chế đi lại do lo ngại sự lây lan của dịch bệnh, nhu cầu tiêu dùng, ăn uống ngoài gia đình, du lịch, lễ hội giảm kéo theo giá các dịch vụ vui chơi giải trí, giá dịch vụ du lịch, vận tải giảm. Ngoài ra, giá xăng dầu trong nước có xu hướng giảm theo giá xăng dầu thế giới do các quốc gia đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên hạn chế đi lại. Để giữ mức CPI bình quân năm 2020 dưới 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra là khó khăn vì ba tháng đầu năm 2020, chỉ số CPI đã ở mức gần 5,6%, Tổng cục Thống kê đã xây dựng và cập nhật hai kịch bản dự báo CPI năm 2020. Với kịch bản thứ nhất, giả sử giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc chỉ tăng cao vào các dịp lễ Tết do nhu cầu tăng, sau đó trở về mức ổn định theo đúng quy luật tiêu dùng; ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài đến quý III năm 2020, chỉ số CPI sẽ giảm từ tháng 3 đến tháng 6/2020; giá xăng dầu, giá gas giảm mạnh so với năm 2019, giá thịt lợn hơi bình quân năm 2020 ở mức từ 60 – 65 nghìn đồng/kg; giá dịch vụ giáo dục tăng theo lộ trình thì CPI bình quân năm 2020 so với năm 2019 sẽ tăng trong khoảng từ 3,4-3,8%. Kịch bản thứ hai, nếu giá thực phẩm tăng thêm 2%; trong đó, giá thịt lợn hơi bình quân năm 2020 khoảng từ 75- 80 nghìn đồng/kg và ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm H5N1 tái phát; ảnh hưởng của dịch COVID-19 kết thúc trong quý II năm 2020; giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào một số ngành sản xuất tăng; giá xăng dầu, giá gas tăng trở lại từ tháng 6/2020.Yếu tố thiên tai và thời tiết bất lợi như hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước cho thủy điện có thể xảy ra, thì dự báo CPI bình quân năm 2020 so với năm 2019 sẽ tăng từ 4,2-4,5%.
Tôi tin tưởng rằng với quan điểm kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát cùng với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tưởng Chính phủ, lạm phát năm 2020 có thể đạt được mục tiêu dưới 4% của Quốc hội đề ra. Phóng viên: Nhiệm vụ để nền kinh tế đạt được mục tiêu tăng trong năm 2020 còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Với một loạt giải pháp Chính phủ đặt ra, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã giao cho từng bộ, ngành và địa phương có giải pháp chỉ đạo cụ thể. Theo ông, liệu năm nay, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,8% mà Chính phủ đặt ra có đạt được hay không? Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Để năm 2020 đạt mức tăng trưởng GDP 6,8% trong bối cảnh dịch COVID-19, dịch cúm gia cầm (H5N1, H5N6), hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra hiện nay và kinh tế thế giới suy thoái sâu là vô cùng khó khăn. Tổng cục Thống kê đã xây dựng kịch bản tăng trưởng chi tiết cho từng ngành thuộc ba khu vực của nền kinh tế để đạt mục tiêu 6,8%. Nếu dịch COVID-19 được kiểm soát và khống chế ngay trong quý II; dịch tả lợn châu Phi được khống chế hoàn toàn, tái đàn lợn thành công; các ngành công nghiệp chế biến chế tạo được cung cấp đầy đủ nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, Chính phủ có giải pháp giải ngân hết vốn đầu tư công và có các chính sách thuế, chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ khu vực doanh nghiệp, các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể; hệ thống phân phối lưu thông cung cấp đầy đủ phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại sau dịch COVID-19 thì nền kinh tế vẫn có khả năng tăng trưởng đạt mục tiêu 6,8%, tuy vậy tôi nhắc lại đây là mục tiêu rất khó khăn. Phóng viên: Tổng cục Thống kê sẽ có sự tham mưu với Chính phủ, các bộ ngành như thế nào trên cơ sở các con số thống kê góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020? Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Trong những năm qua Tổng cục Thống kê đã không ngừng nâng cao chất lượng số liệu từ khâu thu thập thông tin đầu vào, tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành để có đầy đủ thông tin phục vụ cho việc đánh giá tình hình, biên soạn các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, báo cáo kịp thời Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong chỉ đạo, điều hành kinh tế. Trong những tháng đầu năm 2020, với tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động đa chiều tới mọi hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước, Tổng cục Thống kê chủ động theo dõi, cập nhật tình hình dịch bệnh, đánh giá thiệt hại, những khó khăn các ngành kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp phải đương đầu, từ đó đưa ra những nhận định, phân tích và kiến nghị kịp thời các giải pháp phục vụ cho chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Thay vì xây dựng kịch bản phát triển kinh tế theo từng quý như trước đây, trong giai đoạn này, Tổng cục Thống kê đã phối hợp với các bộ, ngành nắm bắt tình hình dịch bệnh COVID-19, hoạt động thương mại quốc tế và trong nước, biến động giá cả trên thị trường để cập nhật kịch bản kinh tế cho từng tháng phục vụ kịp thời hơn công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong giai đoạn khó khăn này. Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê chủ động nghiên cứu các yếu tố, động lực chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam theo từng quý để có thêm cơ sở đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội ổn định và bền vững, đồng thời hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2020 của đất nước. Phóng viên: Xin cám ơn ông!Tin liên quan
-
Bất động sản
Dịch COVID-19: Doanh nghiệp bất động sản đợi chờ cơ hội
15:20' - 27/03/2020
Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trong dịch COVID-19 được doanh nghiệp bất động sản chờ đợi.
-
DN cần biết
Dịch COVID-19: Tổ công tác của Thủ tướng nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp
07:39' - 27/03/2020
Chiều 26/3, Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với các cơ quan, hiệp hội doanh nghiệp để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải, nhất là do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Bố trí vùng nuôi cá lồng bè phù hợp với quy hoạch không gian biển
13:30'
Thời gian gần đây, nghề nuôi cá lồng bè đối mặt với không ít khó khăn, hiệu quả kinh tế giảm sút, cần những giải pháp đồng bộ nhằm giúp cho ngành nghề phát triển bền vững hơn.
-
Kinh tế Việt Nam
Thu hồi số tiền hơn 26.215 tỉ đồng từ các vụ án tham nhũng, kinh tế
13:06'
Tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 26/11, Quốc hội nghe các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
-
Kinh tế Việt Nam
Việt Nam và Đan Mạch chia sẻ tầm nhìn về năng lượng sạch và bền vững
09:57'
Ngày 25/11, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu của Đan Mạch như A.P Moller-Maersk, doanh nghiệp vận tải biển, logistics, Liên đoàn Công nghiệp Đan Mạch.
-
Kinh tế Việt Nam
Metro Bến Thành - Tham Lương được đề xuất chuyển sang thực hiện bằng vốn ngân sách
09:55'
Dự án metro Bến Thành - Tham Lương có tổng mức đầu tư 47.890 tỷ đồng, với phần lớn là vốn vay ODA (khoảng 37.487 tỷ đồng). Chủ đầu tư là Ban Quản lý Đường sắt đô thị Tp. Hồ Chí Minh.
-
Kinh tế Việt Nam
Đầu tư toàn diện, tạo luồng sinh khí mới cho các vùng quê
08:20'
Dự kiến đến hết năm 2024, Vĩnh Phúc sẽ hoàn thành 100% mục tiêu kế hoạch về xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
-
Kinh tế Việt Nam
Đưa kỹ thuật mới vào khai thác tiềm năng hải sản nước mặn
08:08'
Để hỗ trợ bà con nuôi thủy sản thành công, địa phương đặc biệt chú trọng tập huấn, hội thảo, chuyển giao kỹ thuật, kết hợp với xây dựng những mô hình nuôi phù hợp, hiệu quả
-
Kinh tế Việt Nam
Chủ tịch Quốc hội chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
20:42' - 25/11/2024
Chiều tối 25/11, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Trưởng Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
-
Kinh tế Việt Nam
Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”
20:41' - 25/11/2024
Giáo sư, Tiến sỹ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
-
Kinh tế Việt Nam
Phân công thành viên Tổ công tác tháo gỡ vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai
20:27' - 25/11/2024
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 128/QĐ-TCT ngày 25/11/2024 về phân công thành viên Tổ công tác tháo gỡ vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai.