Tổng điều tra dân số và nhà ở làm căn cứ phát triển KT-XH của Đồng Tháp

21:22' - 14/04/2019
BNEWS Kết quả của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là một trong những cơ sở quan trọng để tỉnh hoạch định chính sách kinh tế xã hội, việc làm phù hợp cho Đồng Tháp.

Thông tin chung về dân số, tình trạng dân cư, tình trạng lao động, việc làm, tình trạng nhà ở… là một trong những nội dung được tiến hành điều tra trong cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.

Ông Ngô Bá Mừng, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Thúy Hiền/TTXVN

Ông Ngô Bá Mừng, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Đồng Tháp- Vựa lúa lớn nhất của cả nước- cho biết, đặc thù của Đồng Tháp là lao động ở khu vực nông thôn còn chiếm tỷ lệ khá cao.

Tuy nhiên, lực lượng lao động nhiều nhưng tạo ra sản phẩm xã hội còn thấp. Do vậy, kết quả của Tổng điều tra sẽ là một trong những cơ sở quan trọng để tỉnh hoạch định chính sách kinh tế xã hội, việc làm phù hợp...  Để hiểu rõ hơn, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Bá Mừng xung quanh nội dung này.

Phóng viên: Xin ông cho biết những thành tựu nổi bật của Đồng Tháp trong những tháng đầu năm 2019 ?

Cục trưởng Ngô Bá Mừng: Tỉnh Đồng Tháp bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 với nhiều thuận lợi, đó là đà tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh năm 2018 đạt khá cao 6,91%, mức tăng cao nhất kể từ năm 2012 đến nay.

Bên cạnh đó, kết quả chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI do Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam vừa công bố, năm 2018 tỉnh Đồng Tháp xếp thứ 2 toàn quốc với 70,19 điểm và là năm thứ 11 liên tục nằm trong nhóm 5 tỉnh dẫn đầu cả nước.

Tỉnh cũng đã tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư (có 19 tập đoàn và doanh nghiệp được trao quyết định chủ trương đầu tư thực hiện 21 dự án và trao giấy chứng nhận cam kết đầu tư cho 24 doanh nghiệp với tổng vốn đầu tư là 24 nghìn tỷ đồng), cùng với việc khánh thành và đưa vào sử dụng cầu Cao Lãnh kết nối Đồng Tháp với vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh,… là những cú “hích” để kinh tế năm 2019 của tỉnh phát triển.

Với những thuận lợi làm tiền đề đó, quý I năm 2019, Tỉnh đã đạt được một số chỉ tiêu quan trọng như: sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản duy trì sự phát triển ổn định với diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân 216.651 ha; trong đó, cây lúa 205.211 ha, năng suất lúa ước đạt 69,98 tạ/ha, sản lượng lúa ước đạt 1.436 ngàn tấn; sản xuất công nghiệp phát triển khá, chỉ số sản xuất công nghiệp quý I tăng 6,06%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 22.154 tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2018; tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 302 triệu USD, tăng 37,9% so với cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt, hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc, trong quý I đã thu hút trên 1,3 triệu lượt du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, có 20 nghìn khách quốc tế.

Phóng viên: Xin ông cho biết thực trạng về tình hình lao động, nhà ở hiện nay trên địa bàn tỉnh?

Cục trưởng Ngô Bá Mừng: Dân số trung bình năm 2018, toàn tỉnh có trên 443.700 hộ dân cư với 1.693.313 người; trong đó, nữ là 850.142 người, chiếm 50,21%; dân số khu vực thành thị 300.826 người, chiếm 17,7%; dân số khu vực nông thôn 1.392.487 người, chiếm 82, 2%. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của tỉnh ước tính 1.128.847 người, chiếm 66,2% dân số; trong đó, có 1.093.401 người có việc làm, chiếm 96,86% lực lượng lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 64,1%.

Đối với nhà ở, kể từ sau cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 đến nay thông tin về nhà ở của dân cơ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp được tổ chức khảo sát với hiện trạng: có 422.055 căn nhà; trong đó, nhà kiên cố chiếm tỷ lệ 67,4%, nhà bán kiên cố chiếm 21,56% còn lại là nhà thiếu kiên cố và nhà tạm.

Tôi cho rằng, hiện nay, tình hình lao động, tình hình nhà ở trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số bất cập do sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại dịch vụ ngày càng phát triển trên địa bàn tỉnh nhưng lao động ở khu vực nông thôn còn chiếm tỷ lệ khá cao; năng suất lao động thấp (lực lượng lao động nhiều nhưng tạo ra sản phẩm xã hội còn thấp). Hàng năm, số lao động được đào tạo nghề khá lớn nhưng chủ yếu là nghề nông thôn nên chưa đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, tỷ lệ đô thị hóa, tình hình phát triển nhà ở ngày càng tăng (tăng 3,3% so với năm 2010) nhưng số hộ gia đình thiếu nhà ở còn cao; quy mô hộ gia đình nhiều người ngày càng giảm nguyên nhân do thế hệ trẻ lập gia đình chuyển ra ở riêng; truyền thống người dân sống trong những căn nhà riêng lẻ (không thích sống trong khu chung cư, khu dân cư tập trung), một bộ phận dân cư xây dựng nhà ở trên đất sản xuất,… đã gây áp lực lên chính sách phát triển nhà ở, chính sách quy hoạch sử dụng đất đai.

Phóng viên: Thưa ông, với chủ trương thu hút đầu tư của Tỉnh đã có rất nhiều doanh nghiệp ngoài tỉnh đến đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Vậy, có tạo nên sức ép về hạ tầng kỹ thuật như: nhà ở, cơ sở giáo dục, y tế… của Tỉnh?

Cục trưởng Ngô Bá Mừng: Tỉnh Đồng Tháp, những năm trước 1995 là một tỉnh thuần nông, sản xuất công nghiệp và thương mại, dịch vụ kém phát triển. Tuy nhiên, đến nay, với chủ trương thu hút đầu tư của Tỉnh đã có rất nhiều doanh nghiệp ngoài tỉnh đến đầu tư sản xuất kinh doanh. Tỉnh đã đầu tư xây dựng 03 khu công nghiệp với diện tích 326 ha.

Đến nay, đã có 63 dự án đầu tư và hoạt động trong các khu công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy là 96,15%, có 14 cụm công nghiệp nằm trên địa bàn các huyện, thị trong tỉnh đã thu hút 62 dự án (có 41 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động). Các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh đã giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trên địa bàn tỉnh và các vùng phụ cận. Tuy nhiên, các doanh nghiệp mới đầu tư hoạt động cũng không thể giải quyết hết việc làm cho lao động trong tỉnh.

Do đó, trong nhiều năm gần đây lực lượng lao động của địa phương chủ yếu là xuất cư đi ra ngoài tỉnh (tập trung là đi làm việc ở các khu công nghiệp, khu chế xuất ở Tp Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ). Đối với tỉnh Đồng Tháp các dự án đầu tư chủ yếu là vừa và nhỏ, mức thu hút lao động ngoài tỉnh là rất thấp nên không bị áp lực về hạ tầng kỹ thuật như nhà ở, cơ sở giáo dục, y tế … do lao động nhập cư.

Phóng viên: Nhằm góp phần tích cực vào sự phát triển của vùng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh (thành phố), Ông có kiến nghị để Trung ương tiếp tục hỗ trợ địa phương trong thời gian tới?

Cục trưởng Ngô Bá Mừng: Đồng Tháp là một tỉnh giàu tiềm năng, có thế mạnh về đất đai, lao động, các điều kiện tự nhiên khác để phát triển kinh tế - xã hội, nhưng thời gian qua chưa được khai thác để phát huy thế mạnh. Hàng năm, tỉnh sản xuất trên 3,3 triệu tấn lương thực; trên 264 ngàn tấn rau, củ, quả, 341 ngàn tấn trái cây, chế biến 281,9 ngàn tấn cá philê đông lạnh xuất khẩu, … trên 50% số sản lượng nông sản trên và 100% lượng thủy sản được chế biến để xuất khẩu hoặc sơ chế để xuất ra ngoài tỉnh.

Tuy nhiên, hạ tầng về giao thông trên địa bàn tỉnh được cho là “điểm nghẽn” của sự phát triển, tỉnh Đồng Tháp từ trước đến nay được coi là một tỉnh “khuất nẻo”, giao thông đi lại khó khăn đó là một rào cản lớn để Tỉnh thu hút các doanh nghiệp quy mô lớn đến đầu tư trên địa bàn.

Để cho tỉnh Đồng Tháp phát triển, phát huy hết tiềm năng và lợi thế vốn có, tỉnh kiến nghị Trung ương quan tâm đầu tư nâng cấp mở rộng các tuyến đường quốc lộ như quốc lộ 30 và quốc lộ 80 và tuyến N2 để kết nối vùng Đồng bằng Sông Cửu Long với Tp Hồ Chí Minh khi cầu Cao Lãnh (đã hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 5 năm 2018) và cầu Vàm Cống (dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong tháng 6/2019) đi vào vận hành khai thác, nhằm thu hút các doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn, các doanh nghiệp có ngành hàng, sản phẩm mới có hàm lượng giá trị gia tăng cao, ngành dịch vụ logistic… nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp và các tỉnh trong vùng.

Phóng viên: Trước những dự báo kinh tế trong năm 2019 sẽ còn nhiều khó khăn và thách thức, xin Ông cho biết, tỉnh sẽ tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp nào để đạt được những mục tiêu đã đề ra?

Cục trưởng Ngô Bá Mừng: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 7,5% trong năm 2019, ngay từ đầu năm, Tỉnh đã và đang tập trung vào các giải pháp như: tiếp tục nâng cao hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới; từng bước phát triển nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp thông minh; phát triển kinh tế nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, chú trọng giải pháp về vùng sản xuất gắn với thị trường; đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới…

Bên cạnh đó, tiếp tục tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp, phát triển kinh tế tập thể, xem doanh nghiệp là động lực để phát triển; đồng thời, thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng gắn với sản phẩm đặc trưng và tạo dựng hình ảnh địa phương; liên kết, giới thiệu tiềm năng, sản phẩm du lịch; đào tạo nhân lực, đổi mới phương thức quản lý, xây dựng thêm các sản phẩm, dịch vụ phục vụ du lịch với nét đặc trưng của Đồng Tháp…

Tôi cho rằng, nâng cao hiệu quả và cơ cấu lại quản lý tài chính công; duy trì tăng trưởng tín dụng gắn với phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công kết hợp nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hạ tầng và cung ứng dịch vụ công; phát triển đô thị theo lộ trình; chủ động triển khai liên kết phát triển vùng gắn với đổi mới công tác quy hoạch; ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường… cũng là những giải pháp được Tỉnh chú trọng.

Phóng viên: Xin cám ơn Ông!

Xem thêm:

>>Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019: Nguồn thông tin quan trọng

>>Số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở sẽ được sử dụng rộng rãi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục