Tổng Giám đốc IMF: Không có gì đáng ngại về nguy cơ mất kiểm soát lạm phát

13:30' - 18/10/2021
BNEWS Tổng Giám đốc “Quỹ tiền tệ quốc tế” (IMF) Kristalina Georgieva khẳng định Không có gì đáng lo ngại về nguy cơ mất kiểm soát.

Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva ngày 17/10 cho biết các quan chức tài chính toàn cầu đang lo lắng về áp lực lạm phát gia tăng và có chút lo sợ về việc "mất kiểm soát", tuy nhiên, bà khẳng định: "Không có gì đáng lo ngại về nguy cơ mất kiểm soát".

Phát biểu tại hội nghị quốc tế ngân hàng trung ương Nhóm Tham vấn về các vấn đề kinh tế và tiền tệ quốc tế (G30), bà Georgieva cho biết: “Hiện chúng ta đang ở trong một môi trường ngày càng bất trắc hơn, tuy nhiên, ở các nền kinh tế phát triển, các nhà hoạch định chính sách "có công cụ để đối phó với lạm phát".

Khi chuỗi cung ứng ngày càng tắc nghẽn do nhu cầu tăng vọt trở lại, các nhà hoạch định chính sách đã tập trung chú ý vào việc giá cả tăng và liệu chúng sẽ kéo dài hay biến mất trong những tháng tới.

Bà Georgieva cho biết các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương tham dự các cuộc họp thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Washington tuần trước đã bày tỏ lo ngại hơn trước, rằng giá cả tăng có thể không chỉ là nhất thời. Các thị trường mới nổi lớn như Nga và Mexico đã tăng lãi suất, cho thấy "ở những nơi này, các nhà hoạch định chính sách của họ đã đủ lo lắng để hành động".

Tại nền kinh tế lớn nhất thế giới, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã phát tín hiệu rằng sẽ bắt đầu rút lại kích thích bằng cách giảm mua trái phiếu vào cuối năm, nhưng lãi suất chuẩn dự kiến sẽ vẫn ở mức 0 và không tăng cho đến cuối năm 2022.

Về phần mình, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đến nay vẫn giữ nguyên các biện pháp kích thích, nhưng đã có dấu hiệu bất đồng trong cuộc họp chính sách gần đây nhất, khi hai trong số các ủy ban thiết lập lãi suất của ngân hàng này đã bỏ phiếu ngừng kích thích mua trái phiếu càng sớm càng tốt để ngăn chặn lạm phát phi mã.

Thống đốc BOE Andrew Bailey cho biết các ngân hàng trung ương phải đối mặt với một "hành động cân bằng rất khó khăn" vì họ không thể giải quyết những cú sốc về nguồn cung cơ bản bằng chính sách tiền tệ, mà phải ứng phó với những gì đang xảy ra trong nền kinh tế.

Phát biểu tại Hội nghị G30, ông Bailey lập luận việc không hành động để kiềm chế rủi ro lạm phát làm suy giảm uy tín chống lạm phát của các ngân hàng trung ương. Ông khẳng định: "Chúng ta phải duy trì những tiến bộ to lớn mà chúng ta đã đạt được liên quan đến độ tin cậy của các chính sách tiền tệ. Điều này chắc chắn rất quan trọng"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục