Tổng thống Mỹ quyết không dừng thuế quan bất chấp thị trường bán tháo

11:32' - 08/04/2025
BNEWS Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đảo lộn kinh tế thế giới vào tuần trước với các biện pháp thuế quan diện rộng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 7/4 cảnh báo áp thêm thuế 50% lên Trung Quốc và bác bỏ mọi khả năng tạm dừng chính sách thương mại toàn cầu mới đầy quyết liệt của mình, bất chấp đợt bán tháo nghiêm trọng trên thị trường.

Ông Trump đã đảo lộn kinh tế thế giới vào tuần trước với các biện pháp thuế quan diện rộng, làm dấy lên lo ngại về suy thoái toàn cầu và vấp phải chỉ trích ngay cả trong nội bộ đảng Cộng hòa.

Khi cuộc chiến thương mại leo thang, Trung Quốc đã công bố mức thuế 34% đối với hàng hóa Mỹ. Dự kiến các mức thuế này sẽ có hiệu lực vào ngày 10/4 (giờ địa phương).

Tổng thống Mỹ đã "phàn nàn" Trung Quốc vì bỏ qua cảnh báo rằng các nước bị nhắm mục tiêu không nên trả đũa. Ông nói nếu Bắc Kinh không lùi bước ngay lập tức, Mỹ sẽ áp thêm thuế 50% lên Trung Quốc từ ngày 11/4 (giờ địa phương).

Nhà Trắng thông báo với mức thuế 34% sắp tới và mối đe dọa mới về mức bổ sung 50%, tổng thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc trong năm nay có thể tăng lên 104%.

Sáng 8/4, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, nếu Mỹ tiếp tục tăng thuế quan đối với Trung Quốc, nước này kiên quyết phản đối và sẽ kiên quyết thực hiện các biện pháp đáp trả để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng việc Mỹ áp đặt cái gọi là “thuế quan đối ứng” đối với Trung Quốc là vô căn cứ và là hành vi bắt nạt đơn phương điển hình. Các biện pháp đối phó mà Trung Quốc thực hiện nhằm bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của nước này cũng như duy trì trật tự thương mại quốc tế bình thường, điều này hoàn toàn hợp pháp. Nếu Mỹ cố ý theo đuổi cách riêng của mình, Trung Quốc sẽ đáp trả đến cùng.
 
Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định, không có bên nào chiến thắng trong cuộc chiến thương mại và không có lối thoát khỏi chủ nghĩa bảo hộ.

Sau những thông tin trên, thị trường chứng khoán thế giới hiên 7/4 tiếp tục sụt giảm. Phố Wall kết thúc trong sắc đỏ sau một phiên biến động. Nhưng chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) đã trượt dốc tới 13,2% và đánh dấu ngày giao dịch tồi tệ nhất trong gần ba thập kỷ. Chứng khoán Nhật Bản cũng đóng cửa giảm gần 8%. Tại châu Âu, chứng khoán Đức có lúc giảm tới 10%.

Hôm 7/4, ông Trump nhấn mạnh rằng "không xem xét" bất kỳ sự tạm dừng nào trong việc thực thi thuế quan. Ông cũng hủy bỏ mọi cuộc họp với Trung Quốc về thuế quan, nhưng cho biết Mỹ sẵn sàng đàm phán với bất kỳ quốc gia nào muốn thương lượng. Tổng thống Mỹ nói rằng "có thể có thuế quan vĩnh viễn, và cũng có thể có đàm phán".

Mức thuế "cơ bản" 10% đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ từ khắp thế giới đã có hiệu lực vào ngày 5/4. Một loạt quốc gia khác sẽ bị áp thuế cao hơn từ ngày 9/4, bao gồm 34% đối với hàng Trung Quốc và 20% đối với sản phẩm từ Liên minh châu Âu (EU).

Trong khi đó, các nhà đầu tư tại Phố Wall đang cố gắng đánh giá Tổng thống Trump có thể chịu đựng các tổn thất trên thị trường chứng khoán đến mức nào, sau khi những chính sách thuế quan mới nhất của ông gây ra đợt bán tháo. 

Cái gọi là "Trump put" – được hiểu tương đương như một cơ chế hỗ trợ ngầm từ tổng thống dành cho cổ phiếu trên thị trường quyền chọn - đã nâng đỡ tâm lý nhà đầu tư trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump. Khi đó, ông thường xuyên viện dẫn sức mạnh của thị trường chứng khoán làm bằng chứng cho thấy các chính sách đang phát huy hiệu quả.

Nhưng lần này, dường như sự hỗ trợ đó đang tan biến. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq lần lượt đã giảm hơn 15% và 20% kể từ khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1/2025.

Ông Michael Rosen, Giám đốc đầu tư tại công ty quản lý đầu tư Angeles Investments, cho rằng vẫn còn rất xa thì mức độ suy giảm trên thị trường chứng khoán mới có thể khiến ông Trump thay đổi quan điểm về chính sách thương mại. Tương tự, ông Bob Elliott, Giám đốc điều hành (CEO) của quỹ Unlimited Funds, nhận định đợt bán tháo vẫn còn tiếp tục và thị trường phải giảm 20-30% mới có thể khiến chính sách thay đổi.

Tuy nhiên, ông Kevin Philip, đối tác tại công ty tư vấn đầu tư Bel Air Investment Advisors, lại lạc quan hơn. Ông cho rằng Tổng thống Trump sẽ không chấp nhận sự sụt giảm lớn của thị trường chứng khoán vì nó sẽ ảnh hưởng đến mức độ ủng hộ dành cho ông.

Đợt sụt giảm lớn nhất của thị trường kể từ đầu đại dịch COVID-19 thậm chí còn gây ra đồn đoán rằng ông Trump cố tình "làm sập" thị trường để buộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất. Ông Trump đã phủ nhận việc cố ý gây ra tình trạng bán tháo, nói rằng đây là "liều thuốc" cần thiết để khắc phục thâm hụt thương mại của Mỹ.

Tuy nhiên, giới kinh tế học cảnh báo về những hậu quả tiêu cực. CEO của ngân hàng JPMorgan Chase, ông Jamie Dimon cảnh báo về khả năng lạm phát leo thang và tăng trưởng chậm lại. Nhà kinh tế Brian Bethune tại trường đại học Boston College cho rằng những tác động gián đoạn từ thuế quan là quá bất ngờ, khiến doanh nghiệp Mỹ khó có thể nhanh chóng giảm thiểu tác động.

Những hy vọng vào sự can thiệp của Fed cũng giảm sút. Ông Trump kêu gọi Chủ tịch Fed Jerome Powell cắt giảm lãi suất, nhưng ông Powell cảnh báo thuế quan mới có thể sẽ đẩy lạm phát lên cao hơn và làm chậm tăng trưởng. Điều này cho thấy Fed khó có thể vội vàng hành động.

Chiến lược gia Ryan Detrick tại công ty tư vấn tài chính Carson Group đặt câu hỏi ai sẽ chịu nhượng bộ trước, Fed hay Tổng thống Trump. Fed đã nói rõ rằng với tình hình lạm phát và thất nghiệp hiện tại, họ cảm thấy không cần làm gì ngay lúc này. Do đó, ông đang nghiêng về khả năng Washington sẽ phải hành động trước để giúp thị trường ổn định trở lại.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục