Tour du lịch Địa Trung Hải đầu tiên trong "bão COVID-19"

14:26' - 17/08/2020
BNEWS MSC Grandiosa đã trở thành tàu du lịch lớn đầu tiên nối lại dịch vụ du ngoạn Địa Trung Hải, trong bối cảnh ngành du lịch biển châu Âu nỗ lực khởi động trở lại sau đại dịch COVID-19.

Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã buộc các nhà khai thác dịch vụ du lịch tàu biển thế giới phải đình chỉ hoạt động, đồng thời khiến họ đối mặt với những cáo buộc vi phạm cách thức ứng phó dịch bệnh ngay trong đoạn đầu. Chuyến đi của MSC Grandiosa được xem là một bài kiểm tra mang tính chất "được ăn cả, ngã về không" đối với lĩnh vực du lịch tàu biển không chỉ tại châu Âu, mà còn trên toàn cầu.

Các hãng cung cấp dịch vụ du lịch tàu biển bày tỏ hy vọng rằng các quy định chặt chẽ hơn sẽ cho phép họ kiểm soát tốt hơn mối đe dọa vẫn còn tiềm ẩn của COVID-19, trong khi vẫn mang lại cho du khách một chuyến đi hài lòng.

MSC Grandiosa thuộc đội tàu của công ty tư nhân MSC Cruises - được thành lập ở Naples (Italy) nhưng hiện đặt trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ). Con tàu này đã rời thành phố cảng Genoa, thuộc Tây Bắc Italy, vào khoảng 17h30 ngày 16/8. Theo hải trình kéo dài 7 ngày, tàu sẽ đi đến cảng của các thành phố Civitavecchia gần thủ đô Rome, Naples, Palermo và thủ đô Valletta của Malta.

Chuyến ra khơi đầu tiên của MSC Grandiosa sau COVID-19 chỉ giới hạn ở mức 70% công suất, phục vụ khoảng 2.500 hành khách. Tất cả những người có mặt trong chuyến đi này đều được tiến hành xét nghiệm máu để tầm soát COVID-19 trước khi khởi hành. Các du khách cho biết họ không lo ngại về virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, đồng thời tự tin rằng những chuyến du lịch trên biển hiện là sự lựa chọn an toàn hơn các hình thức du lịch khác.

Đối thủ lớn của MSC Grandiosa là tàu Costa Cruises - thuộc sở hữu của công ty Carnival - cũng dự kiến nối lại các tour du lịch Địa Trung Hải cho đến tháng 9 tới, với các chuyến khởi hành từ Trieste và Genoa. Tuy nhiên, những chuyến đi này chỉ dành cho người Italy để đảm bảo tình hình an ninh.

Theo Hiệp hội Du thuyền quốc tế (CLIA), Italy đóng góp phần lớn cho ngành công nghiệp du thuyền của châu Âu, khi mỗi năm nước này thu về 14,5 tỷ euro (tương đương 17 tỷ USD) và tạo ra gần 53.000 việc làm. Hồi tuần trước, trong một nỗ lực nhằm hồi sinh nền kinh tế sau hơn 2 tháng đóng băng do đại dịch, Chính phủ Italy đã "bật đèn xanh" cho các nhà khai thác du lịch hoạt động trở lại kể từ ngày 15/8.

Số liệu thống kê của CLIA cho thấy tính đến ngày 11/6, đã có 3.047 người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và 73 người tử vong khi tham gia du lịch tàu biển. Ước tính thiệt hại kinh tế do COVID-19 gây ra cho ngành này trên toàn châu Âu có thể lên tới khoảng 25,5 tỷ euro./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục