Toyota Việt Nam hợp tác với Bộ Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ô tô

16:43' - 04/07/2023
BNEWS Chiều 4/7, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam và Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương ký kết Biên bản ghi nhớ Dự án Hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ô tô.

Qua đó, nhằm nâng cao năng lực và tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp hỗ trợ trong nước với các nhà lắp ráp ô tô. 

 

Đây là năm thứ tư Toyota Việt Nam và Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương ký kết thỏa thuận hợp tác hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, hỗ trợ các nhà cung cấp Việt, cam kết đồng hành cùng sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô và ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Cụ thể, Dự án hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ gồm 5 hoạt động chính.

Đó là sàng lọc các doanh nghiệp sản xuất và lập danh sách nhà cung cấp tiềm năng về phụ tùng, linh kiện ô tô để kết nối với các nhà sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam.

Bên cạnh đó là tổ chức các chuyến thăm thực tế tại nhà máy Toyota Việt Nam và nhà cung cấp nội địa của Toyota. Cùng với đó là tham gia đào tạo theo một số chương trình phát triển nhà cung cấp Việt Nam.

Song song đó là thực hiện chương trình hỗ trợ tư vấn cải tiến cho một số doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô theo chiều sâu bằng cách cử chuyên gia tới làm việc cụ thể và định kỳ tại doanh nghiệp, qua đó giúp nâng cao hiệu quả hoạt động cải tiến. Ngoài các doanh nghiệp được lựa chọn chính thức, năm nay chương trình sẽ lựa chọn thêm một số doanh nghiệp với vai trò quan sát viên. 

Các doanh nghiệp này sẽ được tham gia vào các lớp đào tạo cũng như quan sát quá trình tư vấn của các chuyên gia Toyota, qua đó nâng cao hiệu quả hỗ trợ khi được lựa chọn là doanh nghiệp nhận hỗ trợ chính thức trong năm tiếp theo.

Đặc biệt, trong năm nay, Toyota Việt Nam và Cục Công nghiệp mở rộng chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cho các nhà cung cấp thuần Việt. Theo đó, các nhà cung cấp đã được hỗ trợ trước đó sẽ đóng vai trò là doanh nghiệp nòng cốt, hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia của Toyota để tiếp tục triển khai nhân rộng những kiến thức đã được Toyota đào tạo để lan tỏa sự hỗ trợ tích cực tới các doanh nghiệp mới.

Sau ba năm triển khai, Dự án đã đạt nhiều kết quả đáng kể như tổ chức được các khóa đào tạo về nâng cao hiệu quả công việc cho hơn 60 nhà cung cấp mới; Tổ chức các chuyến đi đến nhà cung cấp của Toyota và các buổi tọa đàm nhằm chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc phát triển nhà cung cấp; Hỗ trợ thành công 2 nhà cung cấp đạt tiêu chuẩn 5S mức 3 và từng bước hỗ trợ họ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thông qua các hoạt động hợp tác với Bộ Công Thương, Toyota Việt Nam cũng đã tuyển dụng được 1 nhà cung cấp và lựa chọn thêm 7 nhà cung cấp tiềm năng.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá: "Các chương trình hợp tác này đã và đang nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng các doanh nghiệp trong nước và sự hưởng ứng, học tập kinh nghiệm từ các doanh nghiệp quốc tế khác." 

Phó Giám đốc điều hành Toyota khu vực châu Á – ông Tiền Quốc Hào cũng chia sẻ: "Toyota nhận thức rõ tầm quan trọng của ngành công nghiệp hỗ trợ. Vì vậy, chúng tôi xây dựng mối quan hệ dựa trên nguyên tắc đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế sở tại thông qua tăng cường hoạt động nội địa hóa." 

Với định hướng đó, Toyota Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ô tô tại Việt Nam.

Trước đó, ngày 28/6/2023, trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ cải tiến nhà cung cấp hợp tác với Bộ Công Thương, Toyota đã tổ chức gặp mặt lãnh đạo của 8 nhà cung cấp đăng kí tham gia chương trình nhằm trao đổi, tìm hiểu mong muốn của các nhà cung cấp và đề xuất các hoạt động hỗ trợ tư vấn cải tiến tương ứng đối với từng nhà cung cấp. 

Theo Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, việc hợp tác giữa Cục Công nghiệp và Toyota Việt Nam thông qua việc ký kết Biên bản ghi nhớ được kỳ vọng sẽ góp phần tăng cường năng lực và khả năng cạnh tranh về sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng nội địa, từ đó giúp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có chỗ đứng vững chắc trong chuỗi sản xuất giá trị toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục