TP.HCM sẵn sàng cho kịch bản 60.000 ca mắc COVID-19

08:30' - 20/07/2021
BNEWS Thành phố Hồ Chí Minh hiện mới có khoảng 30.000 giường điều trị cho các ca mắc COVID-19 và đang triển khai thêm nhiều khu tiếp nhận, điều trị F0, dự trù cho con số 60.000 ca nhiễm.

Nhiều bệnh viện dã chiến đang trong thời gian xây dựng mới ở huyện Bình Chánh với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp và đang từng bước hoàn thiện, đưa vào sử dụng.

Đây là thông tin được Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hoài Nam thông tin tại cuộc họp báo do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào chiều tối 19/7.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, các khu điều trị F0 hiện nay của Thành phố còn khá rộng với nhiều giường bệnh điều trị cùng nhiều khu tái định cư rộng rãi sẵn sàng được dùng làm bệnh viện dã chiến khi cần thiết nên năng lực tiếp nhận F0 vẫn đang nằm trong khả năng.

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Thành phố cũng có những giải pháp căn cơ chuẩn bị cho các tình huống dịch phức tạp sắp tới.

Thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng mô hình tháp 4 tầng để điều trị bệnh nhân F0, trong đó “tầng 4” là để chỉ các cơ sở y tế điều trị cho bệnh nhân rất nặng đang thực hiện tại Bệnh viện Hồi sức (Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2) với 1.000 giường hồi sức, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy....

Mới đây, Bệnh viện 175 cũng đã thành lập khu điều trị bệnh nhân COVID-19. Đối với các bệnh nhân F0 không có triệu chứng sẽ thuộc nhóm “tầng 3”, được cách ly điều trị ở các bệnh viện dã chiến với quy mô khoảng 5.000-6.000 giường.

Về việc trang bị thiết bị y tế cho các cơ sở điều trị COVID-19, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh cơ bản có đủ máy thở và thiết bị ECMO hỗ trợ công tác điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.

Tuy nhiên, Thành phố vẫn đang tiếp tục đầu tư mua mới để trang bị thêm cho các bệnh viện với sự tài trợ từ các doanh nghiệp nhằm chuẩn bị trước cho mọi tình huống, không đợi “nước đến chân mới nhảy”.

Việc nhiều bệnh viện xin hỗ trợ trang thiết bị, máy thở trong thời gian qua cũng là vì nguyên nhân này chứ không phải do đang thiếu máy thở.

Liên quan đến việc cung cấp oxy cho các cơ sở điều trị, ông Nguyễn Hoài Nam cho hay, ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã trang bị đầy đủ cho mỗi bệnh viện dã chiến trên địa bàn 4 bình oxy cao áp với 12 tấn oxy/bình, đồng thời phân bổ 180 bình oxy về các cơ sở y tế quận, huyện; đảm bảo những đơn vị này có oxy đầy đủ để hỗ trợ bệnh nhân khi cần thiết; còn máy thở sẽ tập trung ở bệnh viện tuyến cuối để điều trị.

Do đó, việc có thông tin bệnh viện dã chiến ở Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu trang bị máy thở là không chính xác.

Về việc chậm tiếp nhận các ca F0 vào các khu cách ly điều trị, ông Nguyễn Hoài Nam chia sẻ, giai đoạn đầu có sự chưa đồng bộ trong việc thực hiện do số ca nhiễm tăng quá nhanh. Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã giao Trung tâm cấp cứu 115 Thành phố chịu trách nhiệm điều phối việc chuyển F0 không triệu chứng đến bệnh viện dã chiến thu dung điều trị và F0 đang chuyển nặng, nguy kịch đến bệnh viện điều trị COVID-19 bằng xe khách 30 chỗ hoặc 45 chỗ có gắn hệ thống GPS; tuyệt đối không được từ chối bệnh nhân nếu vẫn còn khả năng tiếp nhận điều trị.

Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC) cho biết, trong 24 giờ qua, Thành phố có 3.139 ca mắc mới, trong đó 90% được phát hiện trong khu cách ly tập trung và khu phong tỏa trong ngày thứ nhất thực hiện cách ly. Đa số do diễn biến tự nhiên của bệnh, từ F1 thành F0 chứ không có cơ sở nói là lây nhiễm trong khu cách ly như một số thông tin không chính xác trước đó.

Ông Nguyễn Hồng Tâm cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 2.140 trường hợp F1 đang được cách ly tại nhà ở 8 quận, huyện triển khai; còn lại 7 quận, huyện khác đã triển khai nhưng chưa báo cáo. Ngoài ra, còn có 7 quận chưa triển khai.

Một tín hiệu tích cực được ông Nguyễn Hồng Tâm công bố tại cuộc họp là trong 24 giờ qua chỉ ghi nhận 6 ca dương tính trong các khu công nghiệp (gồm các khu công nghiệp Linh Trung, Tân Bình, Vĩnh Lộc và Linh Xuân), thấp hơn nhiều so với những ngày trước.

Đây là tín hiệu đáng mừng cho công tác phòng, chống dịch của Thành phố bởi các khu vực này rất phức tạp, khi có ca nhiễm thường lây lan rất nhanh, từ một ca có thể phát hiện cả trăm ca sau đó. Về tổng thể, hiện Thành phố có 173 doanh nghiệp trên địa bàn có ca mắc COVID-19.

Liên quan đến phương án vừa bảo đảm phòng dịch COVID-19 vừa sản xuất, ông Nguyễn Hồng Tâm cho hay, đến ngày 19/7, có 277 doanh nghiệp đăng ký và đang thực hiện sản xuất an toàn theo phương án 3 tại chỗ (ăn uống tại chỗ, sinh hoạt tại chỗ và sản xuất tại chỗ) hoặc “1 cung đường 2 điểm đến” của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, hướng đến mục tiêu giúp hoạt động kinh doanh sản xuất của các doanh nghiệp ổn định trở lại mà vẫn đảm bảo hạn chế lây nhiễm từ cộng đồng vào doanh nghiệp và ngược lại./.

>>Tổ chức chuyến bay đưa người dân từ TP.HCM và khu vực phía Nam về các địa phương

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục