Tp. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu hút 550 triệu USD đầu tư vào khu công nghiệp

17:01' - 21/01/2021
BNEWS Năm 2021, Tp. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu thu hút 550 triệu USD vốn đầu tư vào các khu chế xuất và công nghiệp thành phố, tập trung ở 4 ngành công nghiệp trọng yếu và công nghiệp hỗ trợ.

Thông tin trên được ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ tại buổi gặp gỡ báo chí vào ngày 21/1.

Theo Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thành phố (HEPZA), đơn vị cũng đặt mục tiêu phấn đấu trong năm 2021 là  tham mưu UBND thành phố các thủ tục pháp lý theo thẩm quyền tiến tới thành lập và từng bước đưa vào khai thác khu công nghiệp Phạm Văn Hai theo định hướng kỹ thuật cao và khu công nghiệp Hiệp Phước (giai đoạn 3) chuyên ngành dịch vụ cảng – logistic.

Ngoài ra, HEPZA sẽ triển khai xây dựng 20.000 m2 nhà xưởng cao tầng; đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính; trong đó, phấn đấu thực hiện cấp giấy phép lao động qua mạng điện tử cấp độ 3 đạt 20%; 100% số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết (của HEPZA) đủ điều kiện được thực hiện dịch vụ công cấp độ 3, 4.

Ông Hứa Quốc Hưng cho biết, năm 2021, HEPZA cũng đặt trọng tâm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu đầu tư trong khu chế xuất, khu công nghiệp thu hút đầu tư vào những ngành, lĩnh vực, những công đoạn có hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng cao dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số.

Nhất là ngành cơ khí theo hướng tự động hóa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo ngành công nghệ thông tin như thiết bị điện tử, thông tin, phần mềm, vi mạch, robot...

Đồng thời, phát triển công nghiệp thời trang ngành dệt may, da giày, công nghiệp thiết kế; khuyến khích phát triển các dịch vụ hỗ trợ công nghiệp; trong đó, chú trọng vào việc xây dựng nhà xưởng tiêu chuẩn và nhà xưởng cao tầng nhằm đáp ứng việc thu hút đầu tư trong bối cảnh quỹ đất khu công nghiệp ngày càng hạn hẹp.

“Đặc biệt, HEPZA tăng cường phối hợp với các sở ban ngành chức năng hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, giảm thâm dụng lao động; chuyển từ hoạt động gia công lắp ráp sang hoạt động thiết kế, sản xuất, xuất khẩu; từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng trong và ngoài nước để bảo vệ môi trường bền vững, phù hợp với sử dụng lao động có chuyên môn kỹ thuật ngày càng cao, thông qua chương trình kích cầu đầu tư, hỗ trợ lãi vay đối với doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ”, ông Hứa Quốc Hưng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, HEPZA cũng tăng cường công tác tạo quỹ đất để sẵn sàng thu hút đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh; bảo vệ môi trường bền vững, xây dựng các khu chế xuất, khu công nghiệp sạch, xanh, thân thiện với môi trường; tăng cường công tác quản lý quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng...

Theo HEPZA, dự báo năm 2021 phát triển bền vững, tăng trưởng xanh trở thành xu thế bao trùm thế giới; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn biến nhanh, sâu rộng, tác động đa chiều; tình hình dịch bệnh COVID – 19 tiếp tục diễn biến phức tạp và sự biến đổi khí hậu, hạn hán, nước biển dâng, bão lụt… là những yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế chung của cả nước.

Tuy nhiên, cùng với những thách thức, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới, nhiều hiệp định thương mại tự do đã được ký kết và có hiệu lực, mở ra các cơ hội để nước ta tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài.

Ông Hứa Quốc Hưng cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay của HEPZA là quỹ đất thu hút đầu tư vào khu chế xuất, khu công nghiệp ngày càng thu hẹp, trong khi các khu công nghiệp mới chậm triển khai do vướng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất triển khai dự án.

Các khu công nghiệp hiện hữu đang hoạt động dần lấp đầy, một số khu công nghiệp đang hoạt động đang gặp khó khăn trong lĩnh vực đất đai liên quan đến xác định đơn giá thuê đất với nhà nước, giao đất, cho thuê đất đã bồi thường giải phóng mặt bằng… sẽ ảnh hưởng không nhỏ trong quá trình thu hút đầu tư của HEPZA trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục