Tp. Hồ Chí Minh kết nối hỗ trợ tiêu thụ hàng nông sản

19:34' - 10/02/2020
BNEWS Tp. Hồ Chí Minh sẽ tập trung kết nối, tiêu thụ sản phẩm tươi thông qua hệ thống phân phối và ba chợ đầu mối tăng cường tổ chức thu mua mặt hàng thanh long, dưa hấu, mít, nhãn…
Người tiêu dùng hưởng ứng mua dưa hấu hỗ trợ người nông dân. Ảnh: TTXVN phát

Trước tình hình một số mặt hàng nông sản rớt giá, gặp khó khăn trong xuất khẩu do ảnh hưởng của dịch bệnh do chủng mới virus Corona gây ra, ngày 10/2, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Sở đã làm việc với Hội Lương thực, Thực phẩm Thành phố; hệ thống phân phối; ba chợ đầu mối và doanh nghiệp chế biến thực phẩm (có chức năng sấy khô nông sản) triển khai giải pháp kết nối hỗ trợ tiêu thụ hàng nông sản.

Theo đó, Tp. Hồ Chí Minh sẽ tập trung kết nối, tiêu thụ sản phẩm tươi thông qua hệ thống phân phối và ba chợ đầu mối tăng cường tổ chức thu mua mặt hàng thanh long, dưa hấu, mít, nhãn…

Đồng thời, Tp. Hồ Chí Minh kích cầu tiêu dùng bằng đa dạng hoạt động truyền thông, quảng bá, khuyến mại, tổ chức khu vực chuyên doanh các mặt hàng này…

Tính đến nay, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh đã phối hợp tỉnh Long An, Bình Thuận và một số tỉnh, thành khu vực phía Nam triển khai bước đầu hiệu quả giải pháp trên; trong đó, có thể kể đến các đơn vị tham gia như Saigon Co.op, Big C, Vinmart…

Cụ thể, từ ngày 3-9/2, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã tiêu thụ 84 tấn thanh long, 80 tấn dưa hấu (bình quân mỗi ngày 12 tấn thanh long, 11,5 tấn dưa hấu) tăng 2,5-3,5 lần so ngày thường.

Tương tự, từ ngày 6-9/2, hệ thống Vinmart tiêu thụ 85 tấn thanh long, 200 tấn dưa hấu (bình quân mỗi ngày 21,3 tấn thanh long, 50 tấn dưa hấu), tăng hơn 10 lần so ngày thường.

Hệ thống Big C tiêu thụ 141 tấn thanh long, 228 tấn dưa hấu (bình quân mỗi ngày 23,5 tấn thanh long, 38 tấn dưa hấu), tăng gấp 4-8 lần so ngày thường...

Mặt khác, để doanh nghiệp sấy khô yên tâm thu mua, chế biến, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cam kết hỗ trợ kết nối sản xuất -phân phối trên địa bàn thành phố cùng đồng hành hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đã sấy khô, chế biến.

Theo Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, Hội Lương thực, Thực phẩm Thành phố, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và các tỉnh, thành đang xây dựng kế hoạch xúc tiến, phát triển thị trường xuất khẩu cho mặt hàng nông sản.

Nông dân huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp vui mừng khi siêu thị Big C đến kết nối tiêu thụ thanh long ruột đỏ với giá thu mua tại kho là 12.000 đồng/kg, quy cách 400 gram/trái. Ảnh: Chương Đài - TTXVN

Bên cạnh đó, các đơn vị chú trọng giải pháp nâng cao và đồng bộ chất lượng nông sản, đáp ứng về tiêu chuẩn, sản lượng đối với những thị trường khó tính.

Trước tình hình một bộ phận người tiêu dùng quan ngại dịch bệnh kéo dài, lan rộng nên có hiện tượng thu gom, tích trữ các mặt hàng lương thực (mì, bún khô, gạo, nước mắm…) trong những ngày vừa qua, bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó giám đốc Sở Công Thương thành phố cho biết, Sở đã làm việc với Hội Lương thực, Thực phẩm Thành phố và các doanh nghiệp bình ổn thị trường về chuẩn bị nguồn hàng hóa các mặt hàng thiết yếu và các giải pháp cân đối cung - cầu hàng hóa phục vụ người dân khi dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Theo báo cáo của các doanh nghiệp, họ đều đã có kế hoạch ứng phó, sẵn sàng cung ứng vượt 30 - 50% kế hoạch thành phố giao.

Doanh nghiệp cũng chuẩn bị đầy đủ nguồn nguyên liệu để duy trì cung ứng, vượt kế hoạch đến hết năm 2020; trong đó một số doanh nghiệp cam kết cung ứng vượt kế hoạch đến hết năm 2021.

Mặt khác, bà Nguyễn Huỳnh Tranh cho hay, doanh nghiệp đồng tình triển khai ngay các chương trình khuyến mại, giảm giá đối với những mặt hàng thiết yếu như thịt lợn, trứng, mì gói, bún khô, nước chấm… từ 10-15% tùy theo mặt hàng.

Riêng Công ty Acecook cam kết đồng hành cùng Sở Công Thương hỗ trợ miễn phí mì, bún khô tại các điểm cách ly nếu có nhu cầu.

Về mặt hàng khẩu trang y tế, hiện doanh nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh có năng lực sản xuất đạt 2.532.000 cái/ngày. Trước khó khăn của doanh nghiệp về nguyên liệu sản xuất, Sở Công Thương đã báo cáo Bộ Công Thương và được thông tin hiện nay Bộ Công Thương đã chỉ đạo hệ thống tham tán thương mại tại các nước có nguồn nguyên liệu là vải không dệt để kết nối nhập khẩu nguyên liệu như Ấn Độ, Malaysia...

Cùng với đó, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh đã làm việc với Hội Dệt may thêu đan Thành phố về chuẩn bị nguồn khẩu trang vải kháng khuẩn nhằm bổ sung, đáp ứng nhu cầu sử dụng khẩu trang trong giai đoạn hiện nay.

Điển hình, khả năng sản xuất của Tổng Công ty X28 (Bộ Quốc phòng) có thể cung cấp 200.000 khẩu trang vải kháng khuẩn/ngày.

Sở Công Thương đã đề nghị Saigon Co.op liên hệ với Tổng Công ty X28 để ký hợp đồng phân phối, cung ứng sản phẩm khẩu trang vải kháng khuẩn cho thị trường.

Đồng thời, Saigon Co.op thực hiện đăng ký với Tập đoàn Dệt may Việt Nam sản xuất 5.000.000 khẩu trang vải kháng khuẩn để đảm bảo cung ứng cho thị trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục