Tp Hồ Chí Minh: Sẽ tính toán điều chỉnh quy hoạch theo chu kỳ 10 năm

15:21' - 30/10/2018
BNEWS Sắp tới thành phố sẽ tính toán để ít điều chỉnh bổ sung quy hoạch, ít nhất chu kỳ 10 năm thay vì 5 năm như hiện nay.
Các phương tiện lưu thông bình thường qua hầm Thủ Thiêm hướng ra đường Mai Chí Thọ, Quận 2. Ảnh: Xuân Dự-TTXVN

Tại hội thảo “Quy hoạch đô thị Tp. Hồ Chí Minh – Thực tiễn và cơ hội đầu tư” do Sở Quy hoạch và Kiến trúc Tp. Hồ Chí Minh phối hợp với VTV tổ chức ngày 30/10, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cho biết, trong quá trình phát triển với tốc độ đô thị hoá nhanh, thành phố đang đứng trước nhiều thách thức về giao thông, vệ sinh môi trường, ngập nước do yếu kém về quy hoạch ở cả khâu xây dựng, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch.

“Sắp tới thành phố sẽ tính toán để ít điều chỉnh bổ sung quy hoạch, ít nhất chu kỳ 10 năm thay vì 5 năm như hiện nay. Thành phố sẽ nâng cao chất lượng quy hoạch đảm bảo phù hợp với sự phát triển chung, tiếp tục hoàn thiện phát triển quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, phát triển đô thị thông minh ở quận 1, quận 12, Khu đô thị sáng tạo phía Đông, Khu đô thị du lịch sinh thái Cần Giờ, phát triển đô thị cảng ở quận 2, 9 và huyện Nhà Bè, phát triển khu đô thị ven sông…”, ông Trần Vĩnh Tuyến thông tin.

Theo ông Lý Khánh Tâm Thảo, Quyền Trưởng phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Tp. Hồ Chí Minh, thành phố đang điều chỉnh quy hoạch chung để đáp ứng nhu cầu phát triển trong thực tiễn, cũng như thích ứng với tình trạng nước biển dâng.

Hiện tại, cấu trúc đô thị của thành phố vẫn là lan toả, mở rộng từ trung tâm với mô hình nhà ở riêng lẻ, dẫn tới cấu trúc sử dụng đất chưa hiệu quả, gây áp lực về giao thông, nhu cầu đầu tư hạ tầng kỹ thuật, ngập lụt, ô nhiễm môi trường và chưa thể hiện được mô hình đa cực theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.

“Việc điều chỉnh quy hoạch chung thành phố gắn với bản sắc và sẽ bám chặt các kịch bản, chủ trương lớn như nước biển dâng, đô thị thông minh, Khu đô thị sáng tạo phía Đông (quận 2, 9, Thủ Đức), phát triển Khu đô thị du lịch Cần Giờ (quy mô hơn 2.800ha). Thành phố sẽ không điều chỉnh hết mà xác định mục tiêu ưu tiên, có giá trị cho từng giai đoạn; trong đó tiếp tục chỉnh trang khu đô thị hiện hữu, gắn với Khu đô thị mới Thủ Thiêm điều tiết phân bổ lại dân cư”, ông Lý Khánh Tâm Thảo thông tin.

Chia sẻ kinh nghiệm về quy hoạch đô thị của Pháp, ông Michel Fanni - Giám đốc Phát triển và cải tiến đô thị cho đô thị mới Marne la Vallee (Pháp) cho rằng, cấu trúc đô thị theo vết dầu loang sẽ gây ra khó khăn cho việc di chuyển của người dân, trong khi nhà ở khu vực ngoại ô còn các hoạt động kinh tế, giải trí lại tập trung ở nội đô.

Để giải quyết vấn đề này, Pháp đã xây dựng một số thành phố mới xung quanh Thủ đô Paris. Đây là những thành phố có tính cân đối, giải quyết việc làm cho lao động, có tính tự chủ từ đó hạn chế việc người dân dịch chuyển vào Paris làm việc.

Cùng với đó, Pháp đã thành lập cơ quan chuyên về quy hoạch với sự tham gia của nhiều ban ngành, từ đó rút ngắn thời gian đưa ra quyết định khi có vấn đề phải giải quyết.

Ông Michel Fanni gợi ý, Việt Nam cần có quy hoạch tổng thể mang tính chiến lược, tầm nhìn dài hạn và phải chủ động đi trước một bước, dự trù các khó khăn sẽ xuất hiện trong tương lai để đưa ra giải pháp phù hợp cũng như kịp thời điều chỉnh chiến lược.

Giải pháp quy hoạch đô thị không đến từ một cá nhân hay một công ty tư vấn mà là trí tuệ tập thể, là yếu tố quan trọng cho sự phát triển tương lai của Tp. Hồ Chí Minh.

Về định hướng quy hoạch, Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh có tính chất bổ sung cho nhau, vì thế Tp. Hồ Chí Minh có thể lấy Hà Nội để bổ sung cho định hướng phát triển của mình và ngược lại, nhằm xây dựng một thành phố sinh thái, chống chọi với biến đổi khí hậu, ông Michel Fanni nêu quan điểm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục