Tp.Hồ Chí Minh tạo đòn bẩy vững chắc cho tăng trưởng kinh tế - Bài cuối: Chú trọng những khâu đột phá

08:42' - 15/01/2023
BNEWS Tp. Hồ Chí Minh đã xác định tập trung triển khai có hiệu quả các lĩnh vực trọng tâm như đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, hoàn thành và triển khai các dự án giao thông.

Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023, Tp. Hồ Chí Minh cũng xác định tập trung triển khai có hiệu quả các lĩnh vực trọng tâm như đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, hoàn thành và triển khai các dự án giao thông, đặc biệt là các dự án trọng điểm góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối đồng bộ.

*Phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư công

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh, dự kiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của thành phố đạt khoảng 86% tổng số vốn giao. Kết quả này tuy chưa đạt được như kỳ vọng với các nỗ lực và giải pháp quyết liệt của thành phố đã triển khai nhưng so với năm 2021 thì số vốn đã giải ngân trong năm 2022 cao hơn gấp 1,6 lần năm 2021 (năm 2022 là 32.218,759 tỷ đồng, năm 2021 là 19.721,157 tỷ đồng) và tỷ lệ giải ngân tăng 24,9% so với năm 2021 (năm 2022 tỷ lệ 80%, năm 2021 tỷ lệ 61,1%).

Kết quả trên là một điểm tích cực, tiền đề để thành phố quản lý và điều hành Kế hoạch đầu tư công năm 2023 hiệu quả hơn kể từ khi chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và các tác động của xung đột chính trị các nước trên thế giới.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh, cho biết, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý kế hoạch đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ giải ngân năm 2023, thành phố quyết tâm phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển Tp. Hồ Chí Minh (thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội); trong đó có đề xuất nhiều cơ chế mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả đầu tư công và xã hội hóa đầu tư.

Cụ thể như cho phép Hội đồng nhân dân Thành phố được chủ động bố trí ngân sách địa phương nguồn chi đầu tư phát triển, qua đó phân bổ cho các dự án đầu tư công trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm trên cơ sở khả năng thu ngân sách thực tế; cho phép thành phố được tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án đầu tư công độc lập đối với các dự án nhóm B.

Cùng với vấn đề về cơ chế, bà Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, thành phố sẽ quyết liệt thực hiện các giải pháp như tiếp tục ban hành Chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Đó là cụ thể hóa các nhiệm vụ mang tính đặc thù của công tác quản lý, điều hành và giải ngân vốn đầu tư công của thành phố phù hợp với tình hình thực tiễn, đồng thời hạn chế tối đa việc vốn giải ngân chủ yếu dồn vào các tháng cuối năm; đồng thời duy trì đều đặn việc thực hiện giao ban giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công hằng tháng, thực hiện linh hoạt trong điều hành kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, điều hòa nội bộ, bổ sung vốn cho các dự án có tiến độ triển khai nhanh, hấp thụ vốn tốt, cho các dự án đã hoàn tất thủ tục đầu tư.

Về vấn đề bồi thường, giải phóng mặt bằng, bà Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, thành phố bố trí toàn bộ vốn cho cấu phần bồi thường của tất cả các dự án đã có trong danh mục dự án của kế hoạch trung hạn và đã đủ điều kiện bố trí hằng năm, làm cơ sở để các chủ đầu tư và các sở, ngành hoàn thành thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng và thực hiện chi trả cho người dân. Việc hoàn tất bồi thường trong năm 2023 không chỉ có ý nghĩa về kết quả giải ngân, mà còn là nền tảng để các dự án xây lắp có thể triển khai và hoàn thành trong năm 2024 và năm 2025 nhằm hoàn thành kế hoạch trung hạn đã đề ra.

Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, qua 2 năm triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, trong bối cảnh thành phố cần tận dụng tối đa tiềm lực về vốn đầu tư công để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau khi chịu tác động của đại dịch COVID-19, thành phố đã thực hiện rà soát lại các nguồn lực, nguồn thu hợp pháp của thành phố để kiến nghị nâng trần đầu tư công trung hạn 2023 - 2025 cho Thành phố thông qua việc huy động các nguồn lực tài chính hợp pháp của thành phố gồm nguồn thu từ thuế, thu phí, lệ phí, nguồn thu từ sử dụng đất, bán đấu giá tài sản công và đặc biệt là nguồn thu từ thu phí cảng biển được thành phố bắt đầu áp dụng từ tháng 4/2022...

Với định hướng và các giải pháp nêu trên, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cho rằng, mức vốn kế hoạch đầu tư công của thành phố được kỳ vọng phân bổ trong năm 2023 là hơn 70.000 tỷ đồng, cao gần gấp 2 lần so với mức vốn đầu tư công được thành phố đã triển khai trong năm 2022.

Nguồn vốn đầu tư công năm 2023 sẽ được thực hiện giải ngân có hiệu quả, cao hơn nhiều lần về giá trị tuyệt đối và cải thiện hơn về tỷ lệ giải ngân vốn so với năm 2022. Nguồn vốn đầu tư công của thành phố sẽ phát huy hiệu quả vai trò là động lực giúp thành phố phát triển, dẫn dắt, thu hút và tăng trưởng mọi nguồn lực đầu tư trong xã hội.

 

*Tập trung đẩy mạnh các công trình, dự án trọng điểm

Năm 2022, UBND Tp.Hồ Chí Minh đã ban hành danh mục các công trình, dự án giao thông với 29 dự án với tổng mức đầu tư hơn 243.000 tỷ đồng, với nhiều nguồn vốn khác nhau như ngân sách thành phố, PPP, ODA.

Đây là các công trình có tính chiến lược, quan trọng nhằm triển khai đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ, tính kết nối cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố theo từng giai đoạn trong thời gian tới.

Trong đó, trên địa bàn thành phố có 5 dự án, công trình với tổng mức đầu tư gần 145.000 tỷ đồng, thuộc danh mục các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải trên địa bàn Thành phố. Cụ thể, dự án thành phần 1 và dự án thành phần 2 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh; dự án tuyến đường sắt đô thị số 1, Bến Thành - Suối Tiên; dự án tuyến đường sắt đô thị số 2, Bến Thành – Tham Lương; dự án đầu tư xây dựng đường nối đường Trần Quôc Hoàn – đường Cộng Hòa kết nối vào nhà ga T3 - cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Theo Sở Giao thông Vận tải Tp.Hồ Chí Minh, tổng mức đầu tư 2 dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh là 48.022 tỷ đồng (dự án thành phần 1: 22.412 tỷ đồng, dự án thành phần 2: 25.610 tỷ đồng). Đến nay các dự án thành phần 1, 2 cơ bản đáp ứng yêu cầu về tiến độ phê duyệt. UBND Thành phố đã phê duyệt 2 dự án thành phần vào ngày 6/12/2022. Đây là pháp lý rất quan trọng của dự án, là cơ sở để triển khai các công việc tiếp theo trong thời gian tới, đặc biệt trong năm 2023.

Đối với dự án tuyến đường sắt đô thị số 1, Bến Thành - Suối Tiên hiện đã triển khai 4/5 gói thầu xây lắp và thiết bị với tổng khối lượng thực hiện của dự án đạt 93,07%; đang triển khai các gói thầu còn lại như gói thầu Xây dựng văn phòng Công ty O&M, xây dựng cầu bộ hành các nhà ga trên cao; tư vấn chứng nhận an toàn hệ thống… Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2, Bến Thành – Tham Lương hiện giải phóng mặt bằng đến nay đạt 85,67%; chủ đầu tư đang phối hợp các cơ quan liên quan của thành phố thực hiện di dời hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng bởi dự án.

Dự án đầu tư xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn – đường Cộng Hòa kết nối vào nhà ga T3 - cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với tổng kinh phí đầu tư 4.848 tỷ đồng đã được khởi công cuối tháng 12/2022 vừa qua, dự kiến thi công hoàn thành công trình, đưa vào khai thác vào tháng 8/2024.

Cùng với các dự án trọng điểm trên, ông Trần Quang Lâm, cho biết, thành phố cũng tập trung đẩy nhanh thủ tục đầu tư như Vành đai 2, Vành đai 4, cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Mộc Bài, triển khai các dự án như cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, cầu đường Bình Tiên… Đây là những dự án mang tính kết nối vùng giữa Tp.Hồ Chí Minh với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như kết nối các quận huyện ngoại thành với trung tâm thành phố.

Xác định các giải pháp để triển khai có hiệu quả các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải trên địa bàn Thành phố, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tp.Hồ Chí Minh cho biết, thành phố chủ động phối hợp hiệu quả với Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan Trung ương trong quá trình triển khai; cùng với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến chính quyền cấp cơ sở. Thành phố xác định chuẩn bị dự án (lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư) phải được rà soát chặt chẽ, kỹ lưỡng ngay từ đầu, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng; xác định hướng tuyến, quy mô công trình, quy mô giải phóng mặt bằng và các cơ chế chính sách triển khai dự án.

Từ kinh nghiệm Dự án đường Vành đai 3 Tp.Hồ Chí Minh, dự án kiểu mẫu trong giai đoạn chuẩn bị dự án, Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh cho biết, ngay sau khi dự án được Quốc hội thông qua chủ trương, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai chi tiết thực hiện dự án; trong đó đã cụ thể hóa các đầu việc từ khi có chủ trương đầu tư dự án đến thời điểm công trình đưa vào khai thác, sử dụng với tiến độ, trách nhiệm cơ quan chủ trì, phối hợp rõ ràng. Đây là cơ sở để kiểm soát tiến độ, chỉ đạo điều hành, kiểm tra, giám sát. Do đó, trong thời gian tới, các dự án chuẩn bị triển khai cần nghiên cứu áp dụng.

Nhấn mạnh đến việc phải đặc biệt quan tâm việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Sở Giao thông Vận tải Thành phố cho rằng, giải phóng mặt bằng là khâu quan trọng và then chốt quyết định tiến độ thực hiện dự án. Việc này cần được quan tâm từ sớm, ngay từ bước chuẩn bị dự án.

Bài học từ dự án đường Vành đai 3 đang triển khai; việc rà soát, thống kê, kiểm kê, thu thập pháp lý, xác định nguồn gốc đất cần được triển khai ngay sau khi dự án được cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; mạnh dạn đề xuất cơ chế, chính sách, cách làm sáng tạo và quan trọng nhất là sự quan tâm chỉ đạo và huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục