Tp. Hồ Chí Minh tìm giải pháp hạn chế sử dụng xe cá nhân

19:10' - 20/04/2017
BNEWS TP Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với Viện Chiến lược và phát triển giao thông của Bộ Giao thông Vận tải trong tháng 10/2017 sẽ xây dựng xong chương trình kiểm soát xe cá nhân vận hành khách công cộng.
Ùn tắc đường vào sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại hội thảo “Kiểm soát nhu cầu sử dụng xe cá nhân trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh – thực trạng và giải pháp”, tổ chức ngày 20/4, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Sở sẽ phối hợp với Viện Chiến lược và phát triển giao thông của Bộ Giao thông Vận tải trong tháng 10/2017 sẽ xây dựng xong chương trình kiểm soát xe cá nhân vận hành khách công cộng để trình UBND thành phố báo cáo.

“Các sở ngành liên quan của thành phố sẽ kiến nghị Lãnh đạo UBND Tp. Hồ Chí Minh chính sách kiên quyết hạn chế lưu thông của xe gắn máy theo các nhóm giải pháp quản lý việc đăng ký xe gắn máy mới, ban hành khung giá dịch vụ phí gửi xe ô tô vào khu vực trung tâm; rà soát các phương tiện xe gắn máy không đảm bảo an toàn kỹ thuật để thu hồi và xử lý đồng thời ban hành lộ tình thực hiện đến năm 2030 quy định về hạn chế xe gắn máy vào khu vực trung tâm.

Cùng với đó, thành phố sẽ tăng cường năng lực của loại hình vận tải hành khách công cộng, đáp ứng 60% nhu cầu đi lại cảu người dân”, ông Bùi Xuân Cường cho biết thêm.

PGS.TS Phạm Xuân Mai, Trường ĐH Bách Khoa Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, xe máy là nguyên nhân chính gây ùn tắc, tai nạn giao thông nên cần hạn chế và sớm loại bỏ phương tiện này khỏi hệ thống giao thông.

Ông Phạm Xuân Mai nêu ý kiến, Tp. Hồ Chí Minh là địa phương có lượng xe máy cao nhất thế giới, khi trung bình có 910 xe máy/1.000 dân, trong khi con số này ở Hà Nội là 653, Bangkok (Thái Lan) là 265 xe, Dehli (Ấn Độ) 175 và Jakarta (Indonesia) là 160.

Hiện trung bình mỗi năm xe máy tại thành phố tăng từ 400.000 đến 450.000 xe, chưa kể có khoảng 1 triệu xe được người dân nhập cư đưa vào hoạt động trong khi quỹ mặt đường hiện chỉ khoảng 26 triệu m2 nên để chứa đủ 75% - 80% lượng xe máy hiện có hoạt động đúng tốc độ thì diện tích mặt đường phải nâng lên 91,2 triệu m2.

Trong khi đó, quỹ mặt đường hiện nay của thành phố chỉ ở khoảng 26 triệu m2, không đủ khả năng chứa 75 - 80% lượng xe gắn máy hoạt động với tốc độ cho phép. Tắc nghẽn giao thông là điều tất yếu. “Không nên và không xem xe gắn máy là một phương tiện giao thông ở Việt Nam.

Ngay cả Nhật Bản là nước sản xuất xe gắn máy nhưng cũng không sử dụng loại xe này để đi lại mà bán cho các nước lạc hậu hoặc đang phát triển ở Châu Á, PGS. TS Phạm Xuân Mai nêu quan điểm.

Còn theo quan điểm của ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng Tp. Hồ Chí Minh, muốn thực hiện việc hạn chế xe cá nhân thì thành phố và cả nước phải có chính sách rõ ràng về hạn chế xe cá nhân, có lộ trình hợp lý, phát triển giao thông công cộng và nhất thiết được sự đồng tình hưởng ứng của người dân.

Theo đề xuất của PGS. TS Phạm Xuân Mai, Tp. Hồ Chí Minh nên đi theo các quan điểm của các nước phát triển, khi xem xe gắn máy không là loại hình giao thông cá nhân và cần phải được hạn chế sao cho tỷ lệ tham gia giao thông trong giao thông hỗn hợp xuống dưới mức 40% và từ đó loại dần ra khỏi hệ thống giao thông ở thành phố và Việt Nam.

Muốn thế phải tổ chức quản lý xe máy đăng ký mới thông qua giấy chứng nhận quyền mua xe, quy định phí lưu hành, phí kẹt xe, phí ô nhiễm môi trường đối với xe gắn máy.

Bên cạnh đó, cần hạn chế hay cấm xe gắn máy lưu thông trên các tuyến đường đã có hệ thống giao thông công cộng hoạt động tốt như: xe buýt, BRT, giảm hoặc ngưng nguồn sản xuất xe máy đồng thời hỗ trợ phí đi xe công cộng từ doanh nghiệp cho người lao động.

Mặt khác với giải pháp giao thông công cộng, thành phố cần sớm có quy hoạch Vùng Tp. Hồ Chí Minh xác lập phạm vi 5 tỉnh xung quanh bằng hệ thống giao thông hiện đại như đường sắt nhanh, tàu điện mặt đất.

Đặc biêt cần phát triển hệ thống xe buýt với khoảng 21.000 xe bao gồm 25 tuyến xe buýt nhanh BRT và các xe buýt nhỏ để “gom khách” từ các hẻm nhỏ ra đường lớn.

Tại hội thảo, ông Phạm Đình Đức, Trưởng Phòng vận tải – Sở Giao thông Vận tải cho biết, trong thời gian tới, thành phố sẽ quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng và rà soát mạng lưới tuyến xe buýt; đầu tư phương tiện xe buýt và đẩy nhanh thực hiện các dự án xe buýt nhanh, metro (sức chở lớn).

Cùng với đó là phát triển cơ sở hạ tầng dành cho quỹ đất hợp lý cho sự phát triển vận tải hành khách công cộng; nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng; vận động người dân hưởng ứng đi xe buýt; xây dựng cơ chế phát triển vận tải hành khách công cộng và quản lý, sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân…

Báo cáo của Sở Giao thông Vận tải thành phố cho thấy, tính đến ngày 15/3/2017, thành phố đang quản lý khoảng 8 triệu phương tiện, trong đó hơn 600.000 xe ô tô (tăng 11% so với năm 2016), chưa kể khoảng 1 triệu phương tiện đang lưu thông.

Đối với mạng lưới vận tải hành khách công cộng, hiện thành phố có 142 tuyến xe buýt, 54 tuyến vận chuyển công nhân.

Tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra vào giờ cao điểm trên nhiều tuyến đường hướng tâm thành phố, các trục ra vào cảng hàng không, cảng biển khiến tốc độ lưu thông trung bình giờ cao điểm tại một số khu vực đều bị ảnh hưởng.../.

>>>

37 điểm
37 điểm "đen" ùn tắc giao thông tại Tp. Hồ Chí Minh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục