Tp. Hồ Chí Minh xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch động vật

13:21' - 12/04/2020
BNEWS TP HCM sẽ xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không khai báo kịp thời dẫn đến dịch bệnh lây lan diện rộng, gây thiệt hại kinh tế, bức xúc cho người dân và cộng đồng.

UBND Tp. Hồ Chí Minh vừa chỉ đạo UBND các quận, huyện chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch động vật, không để lây lan, kéo dài; trường hợp các ổ dịch có nguy cơ phát sinh, lây lan diện rộng, cần công bố dịch và tổ chức chống dịch triệt để.

Theo đó, UBND các quận, huyện cần tăng cường giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao; xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không khai báo kịp thời dẫn đến dịch bệnh lây lan diện rộng, gây thiệt hại kinh tế, bức xúc cho người dân và cộng đồng.

Đồng thời, tổ chức tiêm vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm đối với các bệnh bắt buộc phải tiêm phòng; thành lập các đoàn kiểm tra xử lý dứt điểm các điểm kinh doanh, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm trái phép trên địa bàn thành phố; bố trí lực lượng chốt chặn, kiểm tra thường xuyên khu vực tập trung các hộ kinh doanh gia cầm sống trái phép.

Cùng đó, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng dịch; áp dụng nghiêm các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động vệ sinh, tiêu độc sát trùng... nhất là tại các khu vực có ổ dịch cũ, các địa bàn có nguy cơ cao.

Ngoài ra, các sở, ngành chức năng cũng được giao hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các quận, huyện trong việc triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi, tai xanh, bệnh dại...

Các đơn vị cung ứng bảo đảm các nguồn vắc xin đủ và kịp thời cho công tác tiêm phòng; hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi thực hiện các biện pháp vệ sinh, tiêu độc khử trùng; không nhập con giống không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch của cơ quan thú y.

Song song đó, vận động người dân chỉ kinh doanh động vật, sản phẩm động vật đã qua kiểm dịch; xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh, mua bán gia cầm không rõ nguồn gốc, không có kiểm dịch; tăng cường giám sát phát hiện sớm những trường hợp nghi nhiễm cúm A/H5N1, A/H5N6 và các loại cúm gia cầm khác; khuyến cáo người dân về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người...

Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tp. Hồ Chí Minh cho biết, thành phố ghi nhận trường hợp hộ chăn nuôi có lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi cuối cùng vào ngày 10/12/2019, trong khi đó đối với dịch cúm gia cầm từ đầu năm 2020 đến nay trên địa bàn thành phố chưa ghi nhận ổ dịch nào.

Tuy nhiên, trước tình hình một số tỉnh, thành phía bắc đã xuất hiện các ổ dịch cúm gia cầm lớn trong khi các tỉnh phía Nam đang bước vào giai đoạn chuyển mùa, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố đã chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch.

Cụ thể, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố phối hợp các đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ tình hình dịch tễ trên địa bàn, nhất là khu vực giáp ranh với các tỉnh; tình hình chấp hành các quy định trong vận chuyển, giết mổ, kinh doanh tại các Trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông, các cơ sở giết mổ, chợ và điểm kinh doanh sản phẩm gia cầm; giám sát việc chấp hành các biện pháp an toàn sinh học, tiêu độc sát trùng tại các cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung và các phương tiện vận chuyển gia cầm vào thành phố.

Chủ động phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành thành phố và quận, huyện kiểm soát chặt chẽ các hoạt động vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia cầm trên địa bàn thành phố. Kiên quyết xử lý triệt để các trường hợp vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia cầm sống tại các chợ và trong khu vực dân cư; kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không đúng quy định.

Tăng cường lấy mẫu xét nghiệm đánh giá tình hình lưu hành vi rút cúm gia cầm tại các hộ chăn nuôi, kể cả hộ nuôi chim yến, cơ sở giết mổ, khu vui chơi giải trí… nhằm đảm bảo tình hình dịch tễ và nguồn thực phẩm an toàn cho người dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục