Trà Rooibos của Nam Phi được EU bảo hộ xuất xứ: Tác động về kinh tế và chính sách

06:30' - 12/07/2021
BNEWS Đây là lần đầu tiên một loại trà mang tính biểu tượng của châu Phi nhận được vị thế như vậy ở EU và là sản phẩm thứ 40 từ một quốc gia không thuộc EU.

Trang theconversation.com mới đây đăng bài viết của chuyên gia về Luật Sở hữu trí tuệ (Đại học London) Enrico Bonadio và nghiên cứu sinh về luật sở hữu trí tuệ thuộc Đại học Alicante (Tây Ban Nha) Magali Contardi về hàm ý từ quyết định của Liên minh châu Âu (EU) công nhận độc quyền thương hiệu đối với trà Rooibos (trà cây bụi đỏ) của Nam Phi.

Theo các tác giả bài viết, EU gần đây đã thêm trà Rooibos vào danh sách các sản phẩm của khối này với chỉ định bảo hộ xuất xứ. Loại trà mang tính biểu tượng này là sản phẩm đầu tiên của châu Phi nhận được vị thế như vậy ở EU và là sản phẩm thứ 40 từ một quốc gia không thuộc EU.

* “Không chỉ châu Âu mà trên toàn thế giới”

Rooibos đang có sự phát triển thuận lợi – với mức bảo vệ tương tự đã được dành cho rượu champagne, prosciutto di Parma, feta và nhiều loại thực phẩm mang tính biểu tượng khác. Chỉ định này góp phần vào vị thế toàn cầu của sản phẩm trà Rooibos và có khả năng mang lại lợi ích kinh tế và hơn thế nữa cho khu vực. Việc bảo hộ được dành cho các sản phẩm có chất lượng, liên hệ chặt chẽ với khu vực địa phương và kỹ thuật sản xuất đặc biệt.

Rooibos có nguồn nguyên liệu từ lá hoặc thân khô của Aspalathus linearis. Loại cây này mọc ở Cederberg, một vùng núi có đất màu mỡ ở phía Bắc Cape Town, và phát triển trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt với mùa Hè khô nóng và mùa Đông ẩm ướt. Sau khi thu hoạch, cây bụi đỏ được chế biến theo một quy trình đặc biệt để tạo ra một loại trà có hương vị trái cây, mùi gỗ, vị cay và không chứa caffeine tự nhiên.

Trước đó, Café de Colombia là sản phẩm đầu tiên không thuộc EU được bảo hộ theo chương trình này vào năm 2007. Tiếp theo vào năm 2011 là các sản phẩm khác như trà Ấn Độ Darjeeling và trà xanh Long Tỉnh trà của Trung Quốc.

Các sản phẩm được EU bảo hộ sẽ có uy tín vững chắc trong lòng người tiêu dùng. Khí hậu thuận lợi và kỹ thuật sản xuất hàng thế kỷ bắt nguồn từ các khu vực được chỉ định của sản phẩm đã góp phần tạo nên danh tiếng này.

Sự bảo vệ xuất xứ cũng xác định “sản phẩm có câu chuyện” riêng để trao đổi với người tiêu dùng. Trà Rooibos hiện là một trong số đó. Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Western Cape Ivan Meyer (Nam Phi) cho biết vị thế mới EU dành tặng Rooibos sẽ “báo hiệu chất lượng độc đáo của loại trà này đối với người tiêu dùng, không chỉ ở châu Âu mà trên toàn thế giới”.

* “Lực đẩy” đối với kinh tế châu Phi

Việc bảo vệ giá trị thương hiệu có ý nghĩa quan trọng, bởi đã từng có những nỗ lực nhằm chiếm đoạt thương hiệu Rooibos xảy ra trong quá khứ. Năm 2013, một công ty của Pháp đã cố gắng đăng ký nhãn hiệu “Rooibos” cho các sản phẩm chăm sóc da ở Pháp (một trong những lợi ích sức khỏe của loại trà này là hàm lượng chất chống oxy hóa phong phú có thể cải thiện sức khỏe làn da).

Trong bối cảnh đó, chỉ định mới của EU có khả năng mang lại cho các nhà sản xuất Rooibos và nông dân một lợi thế thị trường có giá trị, bởi vì chỉ những nguyên liệu và chiết xuất được sản xuất ở khu vực địa phương phía Bắc Cape Town và theo các quy tắc cụ thể mới có thể được dán nhãn “Rooibos”. 

Điều này đảm bảo rằng trà sản xuất ở các khu vực khác không thể được bán ở EU – một trong những thị trường lớn nhất trên thế giới – với tên gọi Rooibos/cây bụi đỏ. Việc “nhái” sử dụng các chỉ định như vậy của các bên thứ ba (ví dụ: “loại Rooibos”, “loại cây bụi đỏ”, “kiểu Rooibos” hoặc “giống cây bụi đỏ”) cũng bị cấm. Chẳng hạn, rượu champagne không đến từ vùng Champagne của Pháp chỉ được gọi là rượu vang sủi.

Việc Rooibos được bảo hộ độc quyền thương hiệu ở EU được cho là sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Western Cape và toàn bộ Nam Phi. Khu vực này đã sản xuất trung bình 14.000 tấn Rooibos/năm và trong giai đoạn 2019-2020, nhu cầu toàn cầu mở rộng dẫn đến tăng sản lượng lên khoảng 20.000 tấn.

Hội đồng Rooibos Nam Phi (SARC) ước tính tổng doanh số bán Rooibos vào năm 2020 bằng 6 tỷ cốc trà – gần bằng 1 cốc cho mỗi người trên Trái Đất. SARC cũng cho biết một nửa số sản lượng được tiêu thụ trong nước, trong khi nửa còn lại được xuất khẩu sang hơn 60 quốc gia. Năm 2019, các thị trường xuất khẩu lớn nhất là Đức (28%), Nhật Bản (22%), Hà Lan (9%) và Anh (8%).

Thị trường trà thảo mộc toàn cầu đang tăng trưởng 7% mỗi năm. Với vị thế EU mới của Rooibos, không chỉ nhu cầu toàn cầu về sản phẩm này dự kiến sẽ tăng lên mà các lĩnh vực liên quan, chẳng hạn như du lịch nông nghiệp, cũng có khả năng được hưởng lợi. 

Chẳng hạn, từ thực tế của trà Darjeeling cho thấy việc được định giá là cao cấp, đi cùng với mức doanh thu mạnh mẽ, là kết quả của sự công nhận từ người tiêu dùng về chất lượng của sản phẩm sau khi được bảo hộ xuất xứ. Đây chính là điều mà người nông dân và tổ chức quản lý thương hiệu Rooibos (Hội đồng Rooibos Nam Phi) mong đợi hiện nay.

* Những tác động khác

Việc bảo hộ đối với sản phẩm Rooibos của EU cũng có thể góp phần thúc đẩy hơn nữa di sản ẩm thực và nguồn gen của Nam Phi. Chuyên gia về nông nghiệp của tỉnh Western Cape Mogale Sebopetsa cho rằng quyết định của EU sẽ giúp ngành nông nghiệp tỉnh bảo vệ di sản cho hậu thế.

Việc sử dụng lá và thân khô của cây Rooibos làm trà lần đầu tiên được ghi nhận vào năm 1772, mặc dù người bản địa Khoisan từ miền Tây Nam Phi đã tiêu thụ thức uống được làm từ cây Rooibos trong nhiều thế kỷ trước đó. Bản thân cái tên này bắt nguồn từ tiếng Afrikaans, có nghĩa là “cây bụi đỏ” và dùng để chỉ những chiếc lá màu nâu đỏ của cây.

Ngoài ra, việc ghi nhận của EU cũng có thể thúc đẩy tạo việc làm. Theo Hội đồng Rooibos Nam Phi, ngành công nghiệp Rooibos đã trở thành nhà tuyển dụng lớn nhất của những người đến từ các tỉnh nông thôn của Nam Phi, chi trả thu nhập trực tiếp và cung cấp việc làm cho hơn 8.000 lao động nông trại và nhiều người khác trong chuỗi cung ứng (chế biến, đóng gói và bán lẻ). Với việc sản xuất nhiều hơn và doanh số bán hàng quốc tế tăng, xu hướng này có thể sẽ tăng lên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục