Trà Vinh công nhận thêm 28 sản phẩm OCOP

09:39' - 25/08/2022
BNEWS UBND tỉnh Trà Vinh vừa quyết định công nhận thêm 28 sản phẩm OCOP năm 2022 (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của 13 hộ kinh doanh, 5 công ty, 5 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác và 1 doanh nghiệp ở tỉnh.

Trong đó, 7 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 21 sản phẩm hạng 3 sao. Các sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao đợt này gồm: thảm xơ dừa và nước cốt dừa cấp đông của Công ty cổ phần Trà Bắc (thành phố Trà Vinh); giấm mật hoa dừa và mật hoa dừa lên men của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trà Vinh Farm (huyện Tiểu Cần); yến sào của Cơ sở Yến sào Phú Hòa- Trà Vinh (thành phố Trà Vinh); gạo hữu cơ Long Hòa- Hòa Minh của Hợp tác xã Tiến Thành (huyện Châu Thành); gạo hạt ngọc Quê Hương của Hợp tác xã nông nghiệp Phú Mỹ Châu (huyện Châu Thành).

 

Trước đó, tỉnh Trà Vinh có 80 sản phẩm OCOP của 49 chủ thể, gồm 8 hợp tác xã, 9 công ty, 2 doanh nghiệp và 30 hộ kinh doanh; trong đó, 5 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 9 sản phẩm đạt 4 sao và 66 sản phẩm 3 sao.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Quỳnh Thiện, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng phát triển sản phẩm OCOP, thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và phát triển thương mại điện tử tỉnh cho biết, tỉnh Trà Vinh xác định chương trình mỗi xã một sản phẩm là nội dung quan trọng của tiêu chí phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Mới đây, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 13/4/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, ngành chức năng địa phương sẽ nâng cao nhận thức cho người dân về sản phẩm OCOP, tầm quan trong của việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Đồng thời, tỉnh cũng hỗ trợ các chủ thể  tham gia chương trình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đổi mới công nghệ thiết bị nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh các sản phẩm ngành hàng chủ lực của tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương; rà soát, nghiên cứu ban hành thêm các chính sách khuyến khích, ưu tiên hỗ trợ phát triển sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, quy mô sản xuất lớn, hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm.

Từ nay đến năm 2025, tỉnh Trà Vinh đặt mục tiêu hàng năm có thêm từ 40-50 sản phẩm OCOP; trong đó, ít nhất 10% sản phẩm đạt hạng 4 sao và 5% sản phẩm đạt 5 sao.

Tỉnh cũng thực hiện tối thiểu 15 nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển tài sản trí tuệ, đăng kí bảo hộ 13 nhãn hiệu chứng nhận, 2 chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và sản phẩm OCOP của tỉnh; hỗ trợ bảo hộ tài sản trí tuệ 10 nhãn hiệu tập thể, 50 nhãn hiệu thông thường, 10 kiểu dáng công nghệ, 5 sáng chế, giải pháp hữu ích./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục