Trà Vinh đặt mục tiêu mỗi năm có thêm từ 40 sản phẩm OCOP

17:20' - 04/10/2022
BNEWS Tỉnh Trà Vinh đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025, mỗi năm có thêm từ 40 sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) trở lên; trong đó, ít nhất 10% sản phẩm đạt hạng 4 sao và 5% sản phẩm đạt 5 sao.

Ngày 4/10, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh) phối hợp với Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Công ty TNHH Thương mại Du lịch Vĩnh Bình khai trương Cửa hàng giới thiệu và kinh doanh sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đặc sản của tỉnh Trà Vinh tại Khu di tích Ao Bà Om, phường 8, thành phố Trà Vinh.

 

Ông Huỳnh Ngọc Xuân, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Trà Vinh cho biết, đây là cửa hàng giới thiệu và kinh doanh sản phẩm OCOP thứ 3 trên địa bàn tỉnh được đơn vị hỗ trợ kinh phí xây dựng với mức hỗ trợ 50 triệu đồng/cửa hàng.

Trước đó, Trung tâm đã hỗ trợ xây dựng Cửa hàng Đặc sản quê - Hai Ửng tại ấp Cồn Chim, xã Hoà Minh, huyện Châu Thành vào tháng 4/2022 với mức doanh thu hiện đạt 20-30 triệu đồng/tháng.

Cùng đó, Cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP - công nghiệp nông thôn tiêu biểu tại Khu du lịch Biển Ba Động đi vào hoạt động từ tháng 7/2022 cho doanh thu 40-50 triệu đồng/tháng.

Việc xây dựng cửa hàng giới thiệu và kinh doanh sản phẩm OCOP tại các điểm du lịch của tỉnh giúp du khách dễ dàng chọn mua những loại đặc sản uy tín, chất lượng có thương hiệu của địa phương về làm quà biếu hoặc lưu niệm.

Qua đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đặc sản Trà Vinh có thêm kênh quảng bá; tạo thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững, tăng lợi nhuận, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Quỳnh Thiện, từ năm 2019 đến nay, UBND tỉnh Trà Vinh đã quyết định công nhận 108 sản phẩm OCOP.

Hiện Trà Vinh đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ các cơ sở tham gia chương trình OCOP như: hỗ trợ 100% kinh phí thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm và xây dựng câu chuyện sản phẩm, mức hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/sản phẩm; hỗ trợ kinh phí thuê hoặc xây dựng mới cửa hàng kinh doanh sản phẩm OCOP với diện tích tối thiểu là 20 m2 (mức hỗ trợ tối đa 50 triệu đồng/cửa hàng).

Tỉnh cũng hỗ trợ 50% kinh phí mua máy móc và trang thiết bị, dây chuyền sản xuất cho cơ sở ngành nghề nông thôn có sản phẩm đạt OCOP, tối đa không quá 300 triệu đồng/cơ sở…

Ngoài ra, tỉnh cũng hỗ trợ các cơ sở tham gia Chương trình OCOP nâng hạng sao cùng nhiều khóa học, tập huấn về Chương trình OCOP; hỗ trợ các hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP tại hội chợ sản phẩm OCOP do bộ, ngành Trung ương, tỉnh thành trong cả nước tổ chức.

Tỉnh Trà Vinh đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025, mỗi năm có thêm từ 40 sản phẩm OCOP trở lên; trong đó, ít nhất 10% sản phẩm đạt hạng 4 sao và 5% sản phẩm đạt 5 sao. Đồng thời, trên 50% sản phẩm OCOP được tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc, trên 70% sản phẩm OCOP được tham gia các sàn giao dịch điện tử./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục