Triển vọng lạm phát tại Mỹ giảm củng cố sự lạc quan của Fed

07:46' - 08/01/2024
BNEWS Áp lực giá cơ bản của Mỹ có thể tiếp tục giảm khi năm 2023 kết thúc, củng cố tâm lý lạc quan tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về triển vọng lạm phát trong giai đoạn tới.
Giới quan sát dự báo Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi không bao gồm thực phẩm và nhiên liệu - thước đo được cho là thể hiện sát hơn về tình hình lạm phát cơ bản tại Mỹ - sẽ tăng 3,8% trong tháng 12/2023 so với cùng kỳ một năm trước đó.

Nếu thành hiện thực, đây sẽ là mức tăng hàng năm nhỏ nhất kể từ tháng 5/2021. Đồng thời, nó cho thấy những tiến bộ mà Fed đạt được trong việc kiềm chế lạm phát vốn từng đạt tốc độ tăng nhanh nhất trong 40 năm hồi năm 2022.

 
Mặc dù tốc độ tăng giá vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Fed, nhưng cuộc họp tháng 12/2203 cho thấy các nhà hoạch định chính sách tại Fed thừa nhận rằng lãi suất có thể đã đạt đỉnh. Họ cũng phát tín hiệu sẵn sàng giảm chi phí vay trong năm nay.

Song, biên bản cuộc họp cũng cho thấy các quan chức muốn duy trì lãi suất hiện thời cho đến khi lạm phát giảm một cách bền vững.

Báo cáo CPI của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Năm (11/1). Ngay sau đó một ngày, chính phủ nước này cũng sẽ công bố báo cáo Chỉ số giá sản xuất (PPI). Theo giới quan sát, thước đo lạm phát giá bán buôn lõi này (không bao gồm giá lương thực và năng lượng) cũng đang hạ nhiệt.

Ngoài nước Mỹ, khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng sẽ có một tuần khá sôi động.

Quyết định lãi suất đầu tiên cho năm 2024 tại khu vực này cũng sẽ được công bố vào ngày 11/1, khi Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) nhóm họp.

Các nhà kinh tế không kỳ vọng Hàn Quốc thay đổi chính sách. Trọng tâm chú ý dành cho việc liệu BoK có giữ được quan điểm tăng lãi suất ngay cả khi Fed dần bắt đầu nghiêng về hướng khác hay không.

Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) cũng sẽ công bố một vài số liệu thống kê quan trọng. Vào thứ Ba (9/1), chính phủ sẽ công bố giá tiêu dùng ở khu vực Tokyo, một chỉ số hàng đầu về xu hướng giá quốc gia. Giới phân tích dự báo chỉ số này đã tăng chậm lại trong tháng 12/2203.

Báo cáo chi tiêu hộ gia đình cũng được công bố cùng ngày. Nhiều khả năng chi tiêu tại Nhật Bản lại giảm trong tháng 11/2023 và dữ liệu công bố một ngày sau đó có thể cho thấy lý do: Tiền lương tại nước này vẫn tăng vẫn chậm hơn mức tăng chi phí sinh hoạt.

Trung Quốc sẽ công bố giá tiêu dùng và giá sản xuất vào ngày 12/1, bên cạnh số liệu lạm phát tiêu dùng tháng 12/2023 và sản xuất công nghiệp tháng 11/2023 của Ấn Độ.

Ngoài ra, thị trường sẽ dành nhiều chú ý cho Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tuần tới, khi khối này công bố báo cáo công nghiệp tại các nền kinh tế hàng đầu.

Đáng chú ý nhất sẽ là các số liệu của Đức. Nền kinh tế lớn nhất Eurozone sẽ công bố số lượng đơn đặt hàng nhà máy vào thứ Hai (8/1) và sản lượng sản xuất vào thứ Ba (9/1).

Tại Vương quốc Anh, Thống đốc Ngân hàng trung ương Andrew Bailey và các đồng nghiệp sẽ điều trần trước Quốc hội về tình hình ổn định của hệ thống tài chính vào thứ Tư (10/1). Hai ngày sau, nước này sẽ công bố Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tháng 11/2023. Các nhà kinh tế đã dự đoán về một sự phục hồi khiêm tốn sau đợt sụt giảm trong tháng Mười trước đó.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục