Triển khai thi công dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa

13:38' - 18/11/2023
BNEWS Dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn Chơn Thành - Đức Hoà có tổng chiều dài gần 73km, đi qua các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, và Long An.

Ngày 18/11, tại xã An Lập, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa được khởi công trở lại. Tham dự chương trình có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, ông Nguyễn Văn Lợi Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương và nhiều lãnh đạo cấp cao khác.

Dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn Chơn Thành - Đức Hoà có tổng chiều dài gần 73km (không bao gồm cầu vượt và nút giao với Quốc lộ 22 đã được đầu tư giai đoạn trước), đi qua các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, và Long An. Đây là 4 trong 8 tỉnh và thành phố của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. 

 
Dự án này bắt đầu triển khai thi công từ năm 2009 đến tháng 3/2011 thì tạm dừng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Đến nay, dự án mới hoàn thành được khoảng 10km đầu tuyến, các đoạn còn lại thi công đến điểm dừng kỹ thuật.

Dự án do Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh thuộc Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư phối hợp cùng Bình Dương, Tây Ninh và Long An thực hiện.

Riêng đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương dài gần 32km, đã được giải phóng mặt bằng, Tập đoàn Đèo Cả là nhà thầu được lựa chọn thi công đoạn Km10+000-Km41+150 (bao gồm cầu Kênh Phước Hòa, cầu Cây Trường, cầu Bà Tứ, cầu Thị Tính, cầu Suối Tre, cầu Thanh An) trong gói thầu XL1 trị giá hơn 680 tỷ đồng, loại hợp đồng đơn giá điều chỉnh và thời gian thực hiện hợp đồng là 730 ngày.

Ông Nguyễn Lộc Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành Đức Hòa khởi động lại trên nền tảng dự án đã triển khai trước đây, đáp ứng mong mỏi của bà con trên địa bàn các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh và Long An, giúp việc kết nối giao thông từ các tỉnh miền Tây Nam bộ, miền Đông Nam bộ với các tỉnh Tây Nguyên thêm phần thuận lợi, hoàn thiện hệ thống giao thông trong khu vực, giúp phát triển kinh tế xã hội các tỉnh có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua.

Đối với tỉnh Bình Dương, tuyến đường giúp hoàn thiện hệ thống đường phía Tây Bắc của tỉnh, mở ra hướng kết nối mới để tỉnh Bình Dương với các tỉnh xung quanh, đặc biệt là kết nối các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh với vùng nguyên liệu ở Tây Nguyên và Tây Nam bộ. Đồng thời, đẩy nhanh việc hình thành, phát triển các khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng, khu công nghiệp Cây Trường sớm trở thành khu công nghệ cao, vùng đổi mới sáng tạo theo định hướng quy hoạch kinh tế xã hội của Bình Dương đến năm 2040, định hướng đến năm 2050.

Ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ  Giao thông vận tải đề nghị, để dự án được triển khai xây dựng đảm bảo tiến độ, chất lượng, yêu cầu Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh (chủ đầu tư), các đơn vị tư vấn, nhà thầu với trách nhiệm cao nhất, phát huy tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể, phương án tổ chức thi công phù hợp, huy động đầy đủ nhân lực, máy móc, thiết bị để tập trung triển khai thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn và vệ sinh môi trường; tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật, chỉ dẫn kỹ thuật của dự án, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, sai phạm.

Thứ trưởng Bộ giao thông vận tải cũng đề nghị các tỉnh Long An, Tây Ninh và Bình Dương tiếp tục quan tâm chỉ đạo sớm hoàn thành toàn bộ giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các khu tái định cư và di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật; bố trí bãi đổ thải, ưu tiên cung cấp đủ nguồn nguyên vật liệu cho dự án. Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho Ban QLDA Đường Hồ Chí Minh, các đơn vị thi công trong suốt qua trình triển khai xây dựng công trình; tăng cường kiểm tra, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông tại khu vực triển khai dự án.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục