Triển lãm Hàng không Singapore 2024: Cơ hội "trình làng" những sản phẩm mới

14:23' - 20/02/2024
BNEWS Sáng 20/2, Triển lãm Hàng không Singapore (Singapore Airshow) 2024 đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Triển lãm Changi của Singapore.

Phát biểu khai mạc triển lãm, đại diện Ban tổ chức - ông Ravinder Singh cho biết hơn 1.000 công ty hàng không và quốc phòng đến từ hơn 50 quốc gia đã tham gia sự kiện năm nay, trong đó bao gồm Airbus, Boeing và Lockheed Martin.

 

Đây là lần đầu tiên sau 4 năm Singapore Airshow mở cửa cho công chúng tham dự. Lần gần đây nhất, triển lãm năm 2022 không mở cửa cho công chúng do đại dịch COVID-19. Năm nay, người dân có thể tham quan triển lãm trong hai ngày 24 và 25/2.

Singapore Airshow diễn ra 2 năm/lần và là triển lãm hàng không lớn nhất châu Á. Triển lãm năm nay diễn ra trong 6 ngày.

Trong khi đó, Bộ Giao thông Singapore cho biết nước này có kế hoạch yêu cầu tất cả chuyến bay khởi hành từ Singapore đều sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) từ năm 2026. Bộ trưởng Giao thông Chee Hong Tat nêu rõ kế hoạch trên đặt mục tiêu các chuyến bay sử dụng 1% SAF từ năm 2026 và nâng dần mức này lên 3%-5% vào năm 2030, tùy theo sự phát triển cũng như việc sự áp dụng rộng rãi của SAF trên toàn cầu.

Ông Chee Hong Tat nhấn mạnh việc ứng dụng SAF là bước đi quan trọng đối với lộ trình giảm phát thải carbon trong ngành hàng không và được kỳ vọng đóng góp vào việc giảm 65% lượng khí carbon phát thải, qua đó tiến tới mục tiêu giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống gần bằng 0 vào năm 2050. Kế hoạch sử dụng SAF do Cơ quan quản lý hàng không dân dụng Sangapore (CAAS) xây dựng và có sự tư vấn của một số đối tác khác.

Theo CAAS, để đạt mục tiêu 1% SAF đến năm 2026, cơ quan này cũng sẽ đưa ra mức thuế cố định nhằm hỗ trợ cho các hãng hàng không và điều này sẽ khiến giá vé các chuyến bay khởi hành từ Singapore tăng lên. Mức tăng giá của vé máy bay sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khoảng cách hành trình bay và hạng vé máy bay. Cụ thể, giá vé hạng phổ thông trong các chuyến bay thẳng từ Singapore đi Bangkok, Tokyo và London lần lượt có thể tăng thêm 3 SGD (2,23 USD), 6 SGD và 16 SGD. Du khách đi hạng thương gia sẽ phải trả thuế cao hơn.

Hiện tại, nhiên liệu hàng không bền vững hiện chiếm 0,2% thị trường nhiên liệu máy bay. Theo tính toán, tỷ lệ này sẽ tăng lên 65% vào năm 2050 như một phần trong kế hoạch đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào cùng thời điểm. Chi phí thực hiện kế hoạch này ước tính ở mức 1.450 tỷ USD - 3.200 tỷ USD. Hiện giá của nhiên liệu hàng không bền vững có giá cao gấp 5 lần so với nhiên liệu máy bay truyền thống.

Theo hai chuyên gia kinh tế Catharine và Ke Ji Kho của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), Singapore đang phải đối mặt với nhu cầu cấp thiết nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu và đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Là một quốc gia nhỏ bé, có nhiều hạn chế về không gian và phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, Singapore vẫn đạt được những thành tựu lớn về chuyển đổi xanh. Quốc gia này đã tự tạo ra những cơ hội cho sự đổi mới và dẫn đầu khu vực về tài chính bền vững, bất chấp những bất ổn của thị trường toàn cầu cản trở.

Những hạn chế về mặt vật lý và địa lý đã gây khó khăn cho khả năng áp dụng năng lượng thay thế ở Singapore. Diện tích đất nhỏ khiến việc triển khai cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo trên quy mô lớn, chẳng hạn như các trang trại năng lượng Mặt Trời hoặc gió, là rất phức tạp. Do đó, việc sản xuất năng lượng ở Singapore vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch. Trong số các loại năng lượng truyền thống, Sigapore nỗ lực sử dụng khí đốt tự nhiên - loại nhiên liệu hóa thạch sạch nhất- là nguồn năng lượng chủ yếu.

Mặc dù, nhập khẩu điện có hàm lượng carbon thấp là một trong những cách để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước nhưng biện pháp này có thể bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn nguồn cung ở các quốc gia nguồn. Singapore đang có kế hoạch nhập khẩu tới 4GW điện có hàm lượng carbon thấp vào năm 2035, chiếm khoảng 30% tổng nguồn cung cấp điện của cả nước. Tháng 6/2022, Singapore bắt đầu nhập khẩu điện từ các nhà máy thủy điện ở Lào, thuộc Dự án Tích hợp điện lực Lào - Thái Lan – Malaysia - Singapore (LTMS-PIP). Điều này đánh dấu hoạt động mua bán điện xuyên biên giới đa phương đầu tiên có sự tham gia của 4 nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Thuế carbon là một giải pháp bổ sung cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch, bằng cách nhằm vào lượng khí thải carbon. Nhưng việc áp dụng thuế carbon có thể gây ra lạm phát. Tại Singapore, chính phủ đã thực thi thuế carbon từ tháng 1/2019 ở mức 5 SGD (3,75 USD)/tấn CO2 và thuế này sẽ được tăng dần lên ngưỡng 50-80 SGD/tấn vào năm 2030.

Tuy có mức tăng dần nhanh, nhưng thuế carbon được đề xuất ở Singapore vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình 200 USD/tấn (268 SGD) do Mạng lưới Ngân hàng Trung ương và Cơ quan giám sát xanh hóa hệ thống tài chính (NGFS) khuyến nghị, nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng 0 trên toàn cầu vào năm 2050. Nhưng cần lưu ý rằng việc tăng thuế carbon từ 80 SGD lên 268 SGD/tấn có thể làm tăng giá điện ở Singapore lên 38%. Điều này cũng có thể đẩy chi phí sản xuất của nhiều hàng hóa và dịch vụ lên cao.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục