Triển vọng chính sách của Fed nhìn từ cuộc họp tháng Bảy

12:20' - 01/08/2022
BNEWS Tại cuộc họp chính sách tháng Bảy vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, đánh dấu lần tăng lãi suất thứ tư của ngân hàng này chỉ trong 5 tháng qua.

Thoạt nhìn, quyết định nâng lãi suất nói trên của Fed rất phù hợp với những dự đoán trước đó. Nhưng thông báo kèm theo của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, lại nói lên nhiều điều hơn thế về lập trường và triển vọng chính sách của ngân hàng này.

* Lập trường chính sách "diều hâu" hơn

Thông báo của FOMC phát đi nhiều tín hiệu cho thấy một ngân hàng trung ương Mỹ với lập trường "diều hâu" hơn - tức Fed sẽ sẵng sàng hành động mạnh mẽ hơn để kiềm chế lạm phát – so với cuộc họp tháng Sáu

Tại cuộc họp tháng Sáu, quyết định nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản của Fed không nhận được sự đồng thuận 100%. Trong khi Chủ tịch Fed chi nhánh Kansas Esther George lựa chọn mức tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, các nhà hoạch định chính sách khác với mong muốn một mức tăng mạnh hơn để kiềm chế lạm phát.

Nhưng quyết định tăng 75 điểm cơ bản trong cuộc họp lần này lại được tất cả các quan chức Fed đồng thuận, qua đó cho thấy Fed cho rằng cần phải hành động quyết liệt hơn trước đà tăng dai dẳng của chi phí sinh hoạt.

Một thay đổi đáng chú ý trong thông báo chính sách của FOMC là không còn nhắc đến tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng do tình hình dịch COVID-19 tại Trung Quốc như trong thông báo hồi tháng Sáu. Việc lược bỏ cụm từ này có thể là dấu hiệu cho thấy các vấn đề về chuỗi cung ứng, vốn là một trong những yếu tố khiến lạm phát tăng lên mức cao nhất 40 năm qua, đã dịu xuống.

Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell vẫn phải thừa nhận trong buổi họp báo sau cuộc họp vừa qua rằng việc Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Sáu chạm mức 9,1% là "tệ hơn dự đoán".

* Tín hiệu nâng lãi suất rõ ràng vào tháng Chín

Hiện đã có tín hiệu rõ ràng rằng FOMC sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong cuộc họp vào tháng Chín tới. Ông Powell cho biết mức tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng Chín "có thể phù hợp".

Cùng lúc đó, ông thừa nhận rằng với đợt tăng lãi suất vừa rồi, lãi suất của Fed đang nằm trong khoảng mà các chuyên gia kinh tế gọi là mức lãi suất "trung lập", tức là mức lãi suất không kích thích kinh tế cũng không kìm hãm kinh tế. Lãi suất "trung lập" được cho là vào khoảng 2,5%, trong khi sau đợt tăng vừa rồi, lãi suất chính sách của Fed đã được nâng lên khoảng 2,25-2,5%.

Nhưng Fed cho rằng lãi suất cần phải cao hơn nữa mới có thể tác động đến lạm phát, có thể vào khoảng 3,5-4%, theo ông Powell. Theo ước tính mới nhất của Fed, đến cuối năm nay, lãi suất chính sách của ngân hàng này sẽ nằm trong khoảng 3,25-3,50%.

Vậy, nếu Fed tiếp tục nâng mạnh lãi suất vào tháng Chín tới, lãi suất của ngân hàng này sẽ ở trên mức trung lập và có thể kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế. Và một lần nữa, đây là một dấu hiệu cho thấy Fed đang có xu hướng "diều hâu" hơn về chính sách tiền tệ.

Ông Powell có đề cập đến khả năng Fed sẽ đưa ra một mức lãi suất ôn hòa hơn vào tháng Chín, nhưng điều này có thể còn phụ thuộc vào số liệu kinh tế cho thấy giá cả bình ổn hơn và thị trường lao động bớt thắt chặt hơn. Thị trường việc làm đã tăng trưởng mạnh suốt thời gian qua, với số việc làm tăng đều mỗi tháng. Trong khi đó, Fed đang tìm kiếm dấu hiệu cho thấy sự suy giảm trong số việc làm còn trống hiện đang ở mức cao, cùng với mức tăng tiền lương thấp hơn trước khi cân nhắc việc giảm tốc độ tăng lãi suất.

* Nền kinh tế đang giảm tốc, nhưng chưa suy thoái

Trong thông báo chính sách của FOMC, Fed lưu ý rằng các số liệu gần đây cho thấy hoạt động chi tiêu và sản xuất đã suy giảm. Ông cũng cho biết đầu tư cố định của doanh nghiệp - tức khoản đầu tư và các doanh nghiệp chi cho máy móc, nhà xưởng – cũng đã giảm xuống.

Sự thừa nhận này không xuất hiện trong thông báo hồi tháng Sáu và là dấu hiệu rõ ràng cho thấy các quan chức của Fed tin rằng nền kinh tế đang giảm tốc, điều mà ông Powell cũng công nhận. Nhưng cùng lúc đó, người đứng đầu Fed cho biết "thể trạng" của thị trường lao động cho thấy nhu cầu nhìn chung vẫn mạnh mẽ. Như vậy, ông Powell không cho rằng kinh tế Mỹ đang hướng đến một đợt suy thoái, nhưng nền kinh tế lớn nhất thế giới này có thể sẽ giảm tốc phần nào trong nửa cuối năm nay.

Nhưng thị trường và giới chuyên gia lại không nghĩ như vậy. Theo kết quả khảo sát của CNBC, nỗ lực kiềm chế lạm phát của Fed bằng cách nâng lãi suất rất có khả năng sẽ khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu suy giảm trong năm nay. 30 người tham gia khảo sát mới đây của CNBC - bao gồm các nhà quản lý quỹ, các nhà phân tích và chuyên gia kinh tế - cho rằng khả năng xảy ra suy thoái trong 12 tháng tới là 55%, tăng 20 điểm so với kết quả khảo sát hồi tháng Năm.

Ông Roberto Perli, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chính sách toàn cầu của ngân hàng đầu tư Piper Sandler, cho rằng chắc chắn vẫn còn khả năng "hạ cánh mềm", nhưng rất thấp, và trên thực tế, nhiều chỉ báo cho thấy kinh tế Mỹ có thể đang trong suy thoái hoặc gần rơi vào suy thoái.

Bất chấp những lo ngại ngày càng gia tăng về khả năng suy thoái, Fed được dự đoán sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến một thời điểm nào đó trong năm sau. Trung bình, lãi suất của Fed được dự đoán sẽ đạt đỉnh 3,8% vào tháng 3/2023, sau đó giảm xuống 3,1% vào cuối năm 2023 và ở mức 2,9% vào cuối năm 2024.

Ông Thomas Costerg, chuyên gia cấp cao của công ty quản lý tài sản Pictet Wealth Management, dự đoán Fed sẽ cân nhắc nhiều hơn đến nguy cơ suy thoái và bắt đầu tăng lãi suất chậm lại từ tháng Chín. Ông cho rằng Fed sẽ không thể tiếp tục tăng lãi suất sau tháng 12 năm nay, vì tỷ lệ lao động có việc làm sẽ giảm mạnh và đây có thể là một cảnh báo lớn với Fed./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục