Triển vọng khó đoán định của kinh tế Mỹ

17:48' - 27/09/2024
BNEWS Tuần trước Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định hạ lãi suất tới 50 điểm cơ bản và sang tuần này Bộ Thương mại Mỹ giữ nguyên ước tính tăng trưởng kinh tế quý II trong lần điều chỉnh thứ 3.

Trong bối cảnh đó giới quan sát đặt câu hỏi: Tại sao Chủ tịch Jerome Powell thấy cần hành động mạnh tay như vậy nếu nền kinh tế “khỏe mạnh” và thị trường lao động vẫn “vững chắc”?

Theo Bộ Thương mại Mỹ, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý II/2024 tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này không thay đổi so với ước tính trước đó và tăng mạnh từ mức 1,6% trong ba tháng đầu năm, chủ yếu nhờ chi tiêu tiêu dùng và đầu tư kinh doanh mạnh mẽ.

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở California, Mỹ ngày 10/4/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Chi tiêu tiêu dùng, động lực chính của nền kinh tế, tăng 2,8% trong quý trước, giảm nhẹ so với mức ước tính 2,9% trước đó.

Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng - đã tăng 2,5% trong quý báo cáo, giảm so với mức 3% trong quý I/2024. Không tính giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, PCE lõi đã tăng với tốc độ 2,8%, giảm so với mức 3,7% của giai đoạn tháng 1-3/2024.

Nền kinh tế lớn nhất thế giới đã thể hiện khả năng phục hồi đáng kể trước 11 lần tăng lãi suất mà Fed thực hiện vào năm 2022 và 2023 để chống lại đợt lạm phát tồi tệ nhất trong bốn thập kỷ. Kể từ khi đạt đỉnh 9,1% vào giữa năm 2022, lạm phát tại Mỹ đã giảm xuống còn 2,5%.

Dựa trên những số liệu lạc quan trên, một số nhà quan sát nhận định quyết định hạ lãi suất 50 điểm cơ bản cùng những đợt cắt giảm dự kiến sau đó của Fed là “quá mạnh tay”. Một số khác lại cho rằng Fed đang “phòng bệnh hơn chữa bệnh” khi họ chỉ ra mặc dù dữ liệu kinh tế vĩ mô không thực sự hợp lý hóa dự kiến điều chỉnh lãi suất của Fed, nền kinh tế vẫn tồn tại những rủi ro đang gia tăng, đặc biệt là đối với thị trường lao động.

 

Thị trường việc làm đã cho thấy những dấu hiệu suy yếu trong những tháng gần đây. Từ tháng Sáu đến tháng Tám, các nhà tuyển dụng Mỹ chỉ tạo thêm trung bình 116.000 việc làm mỗi tháng. Đây là mức trung bình ba tháng thấp nhất kể từ giữa năm 2020, khi đại dịch COVID-19 đã làm tê liệt nền kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp cũng đã tăng từ mức thấp nhất trong nửa thế kỷ là 3,4% vào năm ngoái lên 4,2% dù con số này vẫn tương đối thấp.

Nhưng không phải tất cả các chu kỳ cắt giảm lãi suất của Fed đều dẫn đến kết quả khả quan cho nền kinh tế lẫn thị trường tài chính. Trong số 12 chu kỳ điều chỉnh lãi suất kể từ năm 1970, có bảy chu kỳ mà các nhà kinh tế coi là "cắt giảm mạnh" dẫn đến sự "hạ cánh cứng" của nền kinh tế. Trong số đó bao gồm lần gần nhất Fed bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất với mức hạ 50 điểm cơ bản vào tháng 9/2007, ngay trước khi các vấn đề thế chấp dưới chuẩn tại Mỹ đẩy thế giới vào cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Chủ tịch Powell đang cố gắng hết sức để tránh kết quả này thông qua việc thực hiện chu kỳ "cắt giảm nhẹ". Chỉ có ba chu kỳ như vậy kể từ những năm 1970, Lần gần đây nhất vào năm 2019 đã dẫn đến những phản ứng chính sách tiền tệ bất thường khi đại dịch bùng phát. Một cuộc suy thoái được dự đoán cho nền kinh tế Mỹ trên thực tế đã không xảy ra.

Giới quan sát cũng chỉ ra rằng trong khi tình trạng thất nghiệp đang gia tăng, khoảng một nửa mức tăng đến từ những người tự nguyện nghỉ việc chứ không phải là sa thải. Sự thay đổi này có thể chỉ phản ánh những biến đổi về hình thái của lực lượng lao động và dòng người lao động nước ngoài đổ vào Mỹ, chứ không phải là dấu hiệu suy yếu của thị trường việc làm.

Nhưng vẫn có những dấu hiệu khác cho thấy thị trường lao động đang chậm lại: số việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp không đạt kỳ vọng tạo ra 20.000 vị trí mới vào tháng Chín. Điều đáng lo ngại hơn đối với Fed có thể là tình trạng ảm đạm của các doanh nghiệp nhỏ, nơi cung cấp khoảng một nửa số việc làm của người Mỹ. Số việc làm tại các doanh nghiệp có từ 20-49 nhân viên tại Mỹ đã giảm tháng thứ hai liên tiếp vào tháng 8/2024. Ngoài ra, những doanh nghiệp này nhạy cảm hơn với lãi suất do tỷ lệ lãi suất thả nổi và tỷ lệ doanh thu dành cho việc trả lãi đều cao hơn so với các doanh nghiệp lớn.

Việc cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản có thể ngăn chặn phần nào khả năng các doanh nghiệp nhỏ suy yếu và phải cho nhân viên nghỉ việc. Điều đó đồng nghĩa là số lượng lao động bị sa thải và số đơn xin nhận trợ cấp lần đầu hiện là những chỉ báo chính xác hơn về hướng đi của thị trường lao động so với số lượng việc làm mới.

Nhìn chung, nền kinh tế Mỹ vẫn chống đỡ khá tốt trước các khó khăn trong giai đoạn qua. Ông Bill Adams, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Comerica Bank, nhận định sau đợt cắt giảm lãi suất lớn vào tháng Chín và dự kiến sẽ tiếp tục cắt giảm đáng kể vào đầu năm 2025, các lĩnh vực nhạy cảm với lãi suất như nhà ở, chế tạo, doanh số bán ô tô và các hàng hóa chi phí lớn khác sẽ tăng trưởng trong năm tới. Lãi suất thấp hơn sẽ thúc đẩy sự phục hồi tăng trưởng việc làm và có khả năng ổn định tỷ lệ thất nghiệp quanh mức hiện tại vào năm 2025.

Chủ tịch Powell khẳng định quyết định hạ lãi suất tới 50 điểm cơ bản nhằm duy trì "thể trạng" tốt cho nền kinh tế Mỹ. Liệu điều đó có thành công không vẫn là câu hỏi đang để ngỏ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục