Triển vọng lạc quan cho kinh tế châu Á năm 2024

07:54' - 05/01/2024
BNEWS Các định chế tài chính khu vực và quốc tế lần lượt đưa ra dự báo về triển vọng kinh tế châu Á năm 2024.
Hầu hết các định chế này đều đưa ra góc nhìn tích cực, lạc quan và tin rằng châu Á sẽ dẫn đầu tăng trưởng toàn cầu trong năm 2024.

Đánh giá lạc quan từ ADB

Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á từ mức 4,7% trước đó lên 4,9%, đồng thời giữ nguyên dự báo tăng trưởng 4,8% của năm 2024.

ADB nhấn mạnh, tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á tương đối lạc quan, nhu cầu trong nước lành mạnh, kiều hối dồi dào và đà phục hồi tích cực của ngành du lịch là động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, khu vực này vẫn đối diện với áp lực, bao gồm các vấn đề như lãi suất toàn cầu tăng cao, nhu cầu của các nền kinh tế phát triển suy yếu.

Báo cáo “Triển vọng kinh tế vĩ mô năm 2024” do ngân hàng Deutsche Bank công bố ngày 7/12/2023 dự báo, châu Á sẽ dẫn đầu tăng trưởng toàn cầu trong năm 2024. Theo phân tích của báo cáo, áp lực lạm phát tương đối thấp đã cung cấp dư địa chính sách đầy đủ cho hầu hết các ngân hàng trung ương châu Á. Bên cạnh đó, triển vọng thay đổi chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có ý nghĩa rất quan trọng để dỡ bỏ những trở ngại đối với việc nới lỏng chính sách tiền tệ tại châu Á.

 
Chuyên gia Juliana Lee, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Deutsche Bank, cho rằng, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á đã chậm lại đáng kể trong năm 2023. Tuy nhiên, nhờ xuất khẩu phục hồi ôn hòa và chính sách vĩ mô nới lỏng ở nhiều nền kinh tế trong khu vực, năm 2024 châu Á có triển vọng dẫn đầu tăng trưởng toàn cầu.

Theo Deutsche Bank, cơ hội và rủi ro của kinh tế châu Á cùng tồn tại. Xét về các nhân tố tăng trưởng kinh tế, nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ "hạ cánh mềm", mang lại không gian nới lỏng tiền tệ hạn chế và châu Á có triển vọng đón nhận sự phục hồi của xuất khẩu mạnh mẽ hơn.

Xét từ các nhân tố bất lợi, sự suy thoái của các nền kinh tế lớn trên thế giới có thể nghiêm trọng hơn dự kiến, điều này có thể dẫn đến rủi ro rơi vào suy thoái lần hai của các nền kinh tế phát triển ở châu Á.

Đối với triển vọng của các thị trường mới nổi ở khu vực châu Á, các ngân hàng đầu tư quốc tế cho rằng tình hình của các thị trường mới nổi tốt xấu đan xen, Trung Quốc gây áp lực lên tăng trưởng chung của các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu trong nước mạnh mẽ, Ấn Độ và Indonesia sẽ có hiệu suất tăng trưởng tốt hơn so với Trung Quốc.

Tăng trưởng toàn cầu năm 2023 chậm lại, tốc độ tăng trưởng năm 2024 và 2025 sẽ ở mức dưới 3%, tăng trưởng của các thị trường đã phát triển nhìn chung yếu… Ở khu vực châu Á, các thị trường mới nổi Ấn Độ, Indonesia và Philippines vẫn là những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất, nhưng quy mô kinh tế của những nước này cộng lại vẫn chưa bằng một nữa Trung Quốc.

Trung Quốc: Từ giảm phát đến lạm phát thấp

Ngân hàng Morgan Stanley dự đoán tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Trung Quốc sẽ tăng nhẹ lên 4,2% vào năm 2024, trong khi tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm từ 2022- 2023 là 4% (năm 2023 là 5,1%), chủ yếu nhờ sự cải thiện của thị trường tiêu dùng trong nước và chính sách kích thích mạnh mẽ của chính phủ.

Tốc độ tăng trưởng tiêu dùng cá nhân năm 2024 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dự kiến sẽ duy trì ở mức 5%. Cùng với sự phục hồi hơn nữa của khu vực dịch vụ thâm dụng lao động, tăng trưởng của thu nhập khả dụng có thể tiếp tục vượt qua tăng trưởng GDP. Ngoài ra, đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ tiếp tục mạnh mẽ và chương trình tái thiết làng đô thị, xây dựng nhà ở xã hội có thể sẽ giúp giảm nhẹ tình trạng đầu tư liên tục suy yếu của các nhà phát triển.

Ấn Độ: Mở rộng ổn định

Ngân hàng Morgan Stanley dự báo tốc độ tăng trưởng GDP thực tế năm 2024 của Ấn Độ là 6,4%, sang năm 2025 sẽ duy trì ở mức 6,5%. Tỷ lệ lạm phát chung dự kiến của nước này sẽ giảm dần từ 5,6% vào năm 2023 xuống 5,1% trong năm 2024 và 4,8% trong năm 2025. Về lạm phát lõi (lạm phát cơ bản), Morgan Stanley dự báo lạm phát hàng hóa lõi sẽ giảm dưới sự thúc đẩy của chuỗi cung ứng đã bình thường hóa trở lại và lạm phát dịch vụ lõi có thể sẽ tăng nhẹ. Do đó, tỷ lệ lạm phát lõi năm 2024 và 2025 có thể sẽ duy trì ở mức trên dưới 5%.

Ngoài ra, Morgan Stanley cho rằng Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (ngân hàng trung ương) sẽ duy trì thái độ thận trọng và giữ lãi suất ổn định trong nửa đầu năm 2024, chu kỳ nới lỏng sẽ bắt đầu từ quý II/2024, tiền đề là tỷ lệ lạm phát của quý I/2024 giảm xuống trong phạm vi 5-5,5% và duy trì ở mức 5% sau đó. Mặc dù lãi suất toàn cầu tương đối cao và tính không xác định gia tăng, nhưng kinh tế Ấn Độ vẫn tiếp tục thịnh vượng. Trong khi đó, Goldman Sachs dự báo Ấn Độ có thể tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm ở mức 6% hoặc cao hơn.

Đặc trưng của thị trường Ấn Độ là lợi tức dân số và tính nhạy cảm đối với các cú sốc bên ngoài thấp. Nguyên nhân của sự cải thiện tính ổn định bên ngoài là Ấn Độ bắt đầu đưa vào vận hành chỉ số trái phiếu toàn cầu vào hồi tháng Sáu, mang lại sự thay đổi mới cho luồng danh mục đầu tư, hưởng lợi từ việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng và chính sách trợ cấp của chính phủ đối với sản xuất trong nước, cũng như dự trữ ngoại hối gần 600 tỷ USD.

Những thách thức chủ yếu trong ngắn hạn của Ấn Độ là các nhân tố nguồn cung như giá thực phẩm biến động, nút thắt vận chuyển và sản xuất…, cộng thêm tính thiếu ổn định chính trị trước cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào quý II/2024, cũng như kế hoạch chỉnh đốn ngân sách sau bầu cử gây hạn chế triển vọng tăng trưởng kinh tế Ấn Độ.

Indonesia: Thị trường tiêu dùng trong nước mạnh mẽ

Ngân hàng Morgan Stanley dự báo tốc độ tăng trưởng GDP thực tế năm 2024 của Indonesia là 5,1% và năm 2025 duy trì ở mức 5,2%. Dự kiến tỷ lệ lạm phát tổng thể của nước này sẽ giảm từ mức 3,6% của năm 2023 xuống còn 3% trong năm 2024 và 2,7% trong năm 2025, đồng thời kỳ vọng lãi suất sẽ bắt đầu hạ từ cuối quý II/2024.

Kinh tế Indonesia tương đối phụ thuộc vào nguồn vốn bên ngoài, điều này khiến cho nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á nhạy cảm hơn với lãi suất toàn cầu và tỷ giá đồng USD. Gần đây Ngân hàng trung ương Indonesia đã một lần nữa tăng lãi suất chuẩn sau khi đóng băng lãi suất trong vài tháng. Các thị trường dự đoán năm 2024 nước này có thể không áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ tích cực.

Goldman Sachs cho rằng trong những năm tới Indonesia có thể đạt tăng trưởng trung bình ở mức 5%.

Tóm lại, mặc dù phục hồi không đồng bộ và phân hóa, nhưng triển vọng phát triển kinh tế năm 2024 của châu Á vẫn tương đối lạc quan, trở thành khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu. Tuy nhiên, xu hướng này có thể bị ảnh hưởng bởi những biến động chính sách của các nước lớn chủ chốt, cũng như diễn biến phức tạp của tình hình địa chính trị.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục