Triển vọng liên minh Nga - Đức trong bối cảnh mới

06:30' - 26/10/2017
BNEWS Tờ Tương lai địa chính trị toàn cầu (GPF) bình luận rằng cho dù thông qua con đường liên minh hay trừng phạt, Nga vẫn là một lựa chọn của Đức để thay thế Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Đương kim Thủ tướng Đức Angela Merkel tại buổi lễ sau bầu cử ở Berlin ngày 24/9. Ảnh: AFP/ TTXVN

Đức có hai mối quan hệ thiết yếu và trọng tâm nhất, đó là với EU và Mỹ. Tuy nhiên, cả 2 mối quan hệ này đều không ổn định tại thời điểm hiện nay. Sự kiện Anh rời khỏi EU (Brexit), khủng hoảng ở Tây Ban Nha liên quan đến xu thế đòi độc lập cho Catalunya, mâu thuẫn Đức-Ba Lan và những thách thức kinh tế chưa giải quyết được của khu vực Nam Âu đang làm rạn nứt sự liên kết trong EU.

Dù lãnh đạo EU đều lên tiếng khẳng định không một yếu tố nào trên đây có thể đe dọa sự vững mạnh của liên minh, song Đức dĩ nhiên hiểu rằng phía trước là những thách thức không nhỏ. Tình trạng căng thẳng đã xuất hiện giữa Ba Lan và Đức liên quan đến quyền tự quyết quốc gia với việc tuân thủ nguyên tắc của EU. Đó cũng chính là yếu tố nổi lên trong vụ Brexit.

Tây Ban Nha cũng đang bế tắc trước quyền ly khai, đòi độc lập của một khu vực trong nước, trong khi EU còn chưa xác định rõ được vai trò của mình đối với các vấn đề nội bộ của một nước thành viên. Kinh tế Nam Âu đình trệ và điều đó cũng phần nào phản ánh thực tế EU vẫn chưa thể thoát khỏi vòng quay tăng trưởng khiêm tốn, liên quan đến những yếu tố thuộc về cơ cấu.

Là đầu tàu của EU, Đức đương nhiên phải tỏ ra tự tin, nhưng ẩn sau đó vẫn phải tính đến những kịch bản xấu có thể xảy ra đối với EU.

Quan hệ Mỹ-Đức cũng có nhiều biến động và nguyên nhân không phải chỉ bởi tính cách của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Bối cảnh kinh tế, chiến lược ở châu Âu đã có sự thay đổi căn bản kể từ đầu những năm 1990 sau sự sụp đổ của Liên Xô, với việc nước Đức thống nhất và Hiệp định Maastricht quan trọng được ký kết. Tuy nhiên, cấu trúc của quan hệ Mỹ-Đức không biến chuyển.

Tuy đều là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), song Mỹ và Đức lại có quan điểm khác biệt về sứ mệnh của từng nước. Đức là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, nhưng sự đóng góp tài chính cho NATO không phản ánh thực tế này. Kế đến là câu chuyện về nước Nga.

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine vẫn tiếp diễn, với việc Mỹ điều quân đến đồn trú tại các nước Baltic, Ba Lan và Romania. Động thái này làm gia tăng rạn nứt trong nội bộ EU.

Đức không hứng thú với một cuộc Chiến tranh Lạnh lần thứ hai, trong khi các nước Đông Âu cho rằng đây là thực tế đang diễn ra. Đông Âu ngày càng xa lánh Đức trong vấn đề này và quay sang liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ. Đức muốn vấn đề liên quan đến Nga lắng xuống, trong khi Mỹ và các đồng minh Đông Âu cho rằng chỉ có thể giải quyết được bài toán này qua đối đầu với Nga.

Nhìn rộng ra, chính sách đối ngoại của Đức không có nhiều thay đổi so với năm 1991, ngay cả khi cục diện quốc tế đã chuyển biến mạnh mẽ. Xu thế này đẩy Đức đi tới một quyết định mà nước này không mong muốn. Tuy nhiên, Berlin sẽ phải xem xét điều gì sẽ xảy ra nếu EU tiếp tục phân rã và chính sách đối ngoại và chính trị của châu Âu khác biệt so với Đức.

Chính quyền Đức cũng sẽ phải tính đến hệ quả của việc Mỹ tiếp tục định hình chuyển động ở châu Âu theo cách thức hoặc là buộc Đức phải đối diện với kẻ thù của Mỹ, hoặc là Đức không chấp nhận cách làm này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: EPA/TTXVN

Đức không thể tồn tại mà không có các đối tác kinh tế ổn định. Đức chưa bao giờ có thể tự cường kể từ khi thống nhất và vì thế sẽ phải tìm kiếm các cách thức khác. Lựa chọn thay thế rõ nhất luôn là Nga. Đức cần có nguồn tài nguyên, nhiên liệu thô từ Nga, cần thị trường Nga cho hàng hóa Đức.

Nga không thể phát triển nhanh mà không có trợ giúp từ bên ngoài và khi giá dầu lao dốc, Nga sẽ phải ưu tiên ổn định nền kinh tế. Điều mà Đức có thể hỗ trợ Nga là vốn, công nghệ và phương thức quản lý.

Liên minh với Nga có thể sẽ giúp tạo lập ổn định ở Đông Âu theo quỹ đạo của Đức. Với những gì đang diễn ra và với thế kẹt của Đức trong quan hệ với EU, Mỹ, việc xích lại gần Nga là một lựa chọn phải trả giá đắt, nhưng cũng rất giàu tiềm năng thu lời.

Tuy nhiên, Đức cũng gặp rắc rối với Nga. Mọi nỗ lực trong quá khứ của Đức nhằm liên kết hay quy phục Nga đều thất bại. Việc giúp Nga phát triển kinh tế để tạo ra thị trường lớn cho hàng hóa Đức sẽ mang lại lợi ích cho cả hai, nhưng cũng sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực ở châu Âu.

Nước Nga khi đó sẽ mạnh cả về kinh tế lẫn quân sự, trong khi Đức chỉ duy trì được lợi thế kinh tế. Lảng tránh Mỹ, Berlin khi đó sẽ lại rơi vào tình thế cũ. Đó là họ dễ bị tổn thương trước quyền lực Nga, nhưng không có đồng minh để chống Nga.

Khi mà bối cảnh quốc tế chuyển dịch và gây ra nhiều khó khăn, Đức sẽ phải tìm kiếm một con đường khác. Trong ngắn hạn, Mỹ dễ bị tổn thương bởi suy thoái chu kì, còn thái độ chống Đức sẽ gia tăng ở châu Âu, nhất là Đông Âu. Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với những thách thức có tính chất nội tại. Đức không có nhiều lựa chọn ngoài Nga nhưng trong lịch sử, Nga luôn là một lựa chọn nguy hiểm đối với Đức.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục