Bitcoin sẽ sớm có mặt trong hệ thống thanh toán của Paypal

05:30' - 28/10/2020
BNEWS Thực tế là đồng Bitcoin đang dần được các nhà lập pháp chấp nhận như một công cụ thanh toán được cho phép trên toàn cầu, giúp giảm tải những chỉ trích lâu nay về tài sản tiền điện tử.

Quyết định mới đây nhất của Paypal, cho phép người dùng được quyền mua, giữ và bán một số loại tiền điện tử, bao gồm Bitcoin, là một cột mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của tài sản tiền điện tử.

Quyết định này mang tới tiềm năng khả thi về việc các nhà lập pháp toàn cầu sẽ sớm chấp thuận tiền điện tử như một loại tiền tệ hợp pháp trong hệ thống thanh toán thế giới.

Ngoài ra, quyết định cũng mở ra cơ hội để phần lớn người tiêu dùng muốn chuyển tiền trên khắp thế giới có thêm một lựa chọn nữa mà không phải trả các khoản phí giao dịch cho những ngân hàng và các nền tảng thanh toán truyền thống, hiện được thống lĩnh bởi "hai đại gia" Visa và Mastercard.

Trong bài viết đăng tải trên tờ Australian Financial Review, nhà báo chuyên về kinh tế Tony Boyd cho biết, từ đầu năm sau, đồng Bitcoin và một số loại tiền điện tử khác đã có thể sử dụng như một công cụ chuyển đổi cho những ai muốn mua hàng từ 26 triệu người bán của Paypal.

Theo tác giả, các nhà lập pháp từ khắp nơi trên thế giới sẽ theo dõi chặt chẽ sự phát triển này, vì vốn dĩ luôn có những quan điểm tiêu cực về đồng Bitcoin, do đồng tiền này được cho là một biện pháp thanh toán tối ưu dành cho các hoạt động phạm pháp, như rửa tiền, tài trợ khủng bố, tấn công mạng hay đòi tiền chuộc...

* Nhu cầu của thế hệ "Millennial"

Về mặt bản chất, Bitcoin là một chuỗi khối với một số ngẫu nhiên cụ thể (khóa riêng) mà không ai có thể nhìn thấy được. Nó được "khai thác" thông qua những khối (block) do máy tính sử dụng thuật toán để giải mã.

Bitcoin sở hữu 5 tính năng độc đáo riêng, bao gồm: Hoạt động phi tập trung vì các máy tính "khai thác" không cùng nằm ở một vị trí; tổng số lượng Bitcoin lưu hành bị giới hạn là 21 triệu đơn vị; việc xác thực do máy tính xử lý để bảo vệ tối ưu sự riêng tư của chủ sở hữu; thuật toán đồng thuận của Bitcoin được đồng bộ hóa; và mỗi block được khai thác trữ thông tin từ block trước đó, khiến cho nó có tính chất bất biến.

Đặc điểm thứ sáu của Bitcoin là đồng tiền điện tử này được thế hệ Millennial (thế hệ trẻ, sinh ra trong thập niên 80 đổ lại và có xu hướng ưu thích công nghệ) rất ưa thích cả ở khía cạnh là công cụ trao đổi, lẫn khía cạnh là nơi lưu trữ giá trị.

Đồng Bitcoin hiện có giá trị hơn 18.000 AUD (12.600 USD) theo thông báo từ Independent Reserve, một sàn giao dịch Bitcoin và tiền điện tử có trụ sở tại thành phố Sydney (bang New South Wales).

Công ty thanh toán Square của Jack Dorsey đã kịp thời nhận thức được về nhu cầu của thế hệ Millennial đối với đồng Bitcoin. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, sự kích hoạt sử dụng phần mềm ứng dụng tiền mặt của Square để mua Bitcoin gia tăng đáng kể.

Chỉ chưa đầy một thời gian ngắn sau khi cho phép Bitcoin hoạt động, nền tảng thanh toán Square đã trở thành đối thủ cạnh tranh với nền tảng thống trị Grayscale Bitcoin Trust, hiện đang được niêm yết trên Thị trường chứng khoán phi tập trung (OTCQX).

Các nhà phân tích tại Công ty JP Morgan tính toán rằng, gộp chung các giao dịch thông qua ứng dụng thanh toán tiền mặt của Square và Grayscale Bitcoin Trust, thế hệ Millennial tại Mỹ đã mua vào một lượng Bitcoin trị giá lên đến 683 triệu USD trong quý I/2020 và 1,6 tỷ USD trong ba tháng tính đến tháng 6/2020.

Trong bối cảnh hứa hẹn đó, Paypal đã quyết định mở cửa cho Bitcoin được sử dụng trên nền tảng thanh toán của mình. Các nhà phân tích tại công ty Morgan Stanley nhận định Paypal nhìn thấy thực tế Square đã tạo ra khoảng 17 triệu USD từ các giao dịch Bitcoin trên nền tảng ứng dụng riêng.

Bản phân tích vừa phát hành của Morgan Stanley nhấn mạnh: "Việc Paypal chấp nhận tiền điện tử như là một cơ chế vốn tài chính sẽ mở rộng cho việc chấp thuận tiền điện tử trực tuyến trở thành một loại tiền tệ chính danh trong một tương lai gần hơn".

"Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu việc tiền điện tử được chấp thuận nhiều hơn có chuyển thành khối lượng lớn hơn trên ví PayPal hay không. Mặc dù vậy, động thái của PayPal cho phép công ty này duy trì tính cạnh tranh và có khả năng nạp thêm một cơ sở người dùng mới vào hệ sinh thái PayPal".

* Cuộc đua tiền kỹ thuật số

Thực tế là đồng Bitcoin đang dần được các nhà lập pháp chấp nhận như một công cụ thanh toán được cho phép trên toàn cầu, giúp giảm tải những chỉ trích lâu nay về tài sản tiền điện tử.

Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương, Bitcoin và các đồng tiền điện tử khác gây ra mối đe dọa cho hệ thống tài chính.

Trong một nội dung thảo luận công bố vào tháng 12/2019, BIS cho rằng các tài sản tiền điện tử chứa đựng tính biến động cao và mang nhiều rủi ro cho hệ thống ngân hàng, bao gồm rủi ro thanh khoản, rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động và tiếp tay cho việc rửa tiền, tài trợ khủng bố, rủi ro pháp lý cũng như danh tiếng của ngân hàng.

Hiện các ngân hàng trung ương đang chịu áp lực phải phát triển các loại tiền kỹ thuật số của riêng họ, để vẫn phù hợp và theo kịp sự đổi mới trong hệ thống tài chính.

Paypal đã trích dẫn nhận định của BIS trong thông báo về tiền điện tử của công ty và tiết lộ 1 trong số 10 ngân hàng trung ương - đại diện cho khoảng 1/5 dân số thế giới - dự kiến sẽ phát hành đồng tiền điện tử riêng trong vòng ba năm tới.

Nhiều nhà quan sát chuyên về hệ thống thanh toán và tài sản điện tử tin rằng Mỹ và Trung Quốc đã sẵn sàng tham gia vào một cuộc đua về tiền điện tử.

Trung Quốc trở thành quốc gia tiên phong với động thái đầu tiên trong tháng này. Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã phát hành 10 triệu NDT tiền điện tử cho 50.000 người dân ở Thượng Hải thông qua hoạt động trả thưởng xổ số.  Đây là một phần của thử nghiệm thanh toán điện tử bằng tiền kỹ thuật số mới.

Việc cung cấp loại hình tiền điện tử trên tất cả các ứng dụng di động của Trung Quốc như WeChat và TikTok có thể mang lại cho nước này lợi thế cạnh tranh trong việc xây dựng một loại hình tiền tệ toàn cầu.

* Đổi mới trong hệ thống thanh toán

Tại Australia, giải pháp ưu tiên cho hoạt động giao dịch theo thời gian thực và chi phí thấp là Nền tảng Thanh toán mới (NPP), một thử nghiệm đang được 12 tổ chức nhận tiền gửi được ủy thác xây dựng, với chi phí ước tính là 1 tỷ AUD (700 triệu USD).

Tuy nhiên, thái độ của Canberra đối với NPP chưa được xác định rõ ràng. Trong tuần này, Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg đã chỉ định luật sư Scott Farrell rà soát toàn bộ cấu trúc quy định của hệ thống thanh toán Australia, nhằm đảm bảo phù hợp với mục đích.

Ông Frydenberg cho biết, cấu trúc quy định phải "thúc đẩy đổi mới và cạnh tranh để đảm bảo rằng chi phí kinh doanh được giảm thiểu, trải nghiệm của người tiêu dùng được nâng cao và cung cấp niềm tin cho công chúng về tính bảo mật của hệ thống".

Sự đổi mới công nghệ trong hệ thống thanh toán đã luôn được công chúng đón nhận. Bằng chứng là một loạt các hình thức thanh toán mới liên tục được cập nhật và tạo ấn tượng đối với người tiêu dùng.

Hình thức "Mua ngay, trả tiền sau" (Buy now, pay later) trở thành bước đổi mới trong thanh toán, mặc dù nó chỉ đơn thuần là một cơ sở hạ tầng do Visa và Mastercard xây dựng, với các khoản phí khổng lồ đánh vào người bán, thay vì người mua. 

Tương tự là hình thức "Trả sau" (Afterpay) tính phí cố định 30 xu cộng với phần trăm hoa hồng trên giá trị hàng hóa, áp dụng cho người bán. Đối thủ của Afterpay, Zip, tính phí trả trước 4% cho người bán...

Do người mua không phải chịu phí giao dịch và được quyền trả góp, nên các hình thức thanh toán trả sau nói trên rất được ưa chuộng. Chúng tạo ra một lực lượng cạnh tranh trên thị trường thanh toán, buộc ít nhất hai ngân hàng tại Australia phải phát triển thêm loại hình thẻ tín dụng không lãi suất và có tính phí hàng tháng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục