Ứng dụng ví điện tử phát triển mạnh tại các nước ASEAN

05:00' - 15/10/2020
BNEWS Việc sử dụng các ứng dụng ví điện tử có thể sẽ tăng tốc sau đại dịch do COVID-19 đã thúc đẩy sự gia tăng mạnh mẽ các hình thức thanh toán kỹ thuật số và giao hàng tận nhà.

Số lượng người tiêu dùng kỹ thuật số ở Đông Nam Á đang tăng theo cấp số nhân và với tốc độ nhanh hơn nhiều so với dự kiến. Năm ngoái, công ty tư vấn toàn cầu Bain & Company dự báo rằng số lượng người tiêu dùng kỹ thuật số trong khu vực sẽ đạt 310 triệu người vào năm 2025.

Tuy nhiên, trong báo cáo tiếp theo có tiêu đề “Người tiêu dùng kỹ thuật số tương lai đang hiện diện tại đây hôm nay”, Bain & Company dự báo rằng Đông Nam Á dự kiến sẽ đạt được con số trên trong năm nay, thay vì trong 5 năm tới. Điều này có nghĩa là gần 70% người tiêu dùng Đông Nam Á sẽ sử dụng kỹ thuật số trong năm này.

Ngoài ra, báo cáo mới của Bain & Company cũng tiết lộ rằng chi tiêu trung bình của mỗi người tiêu dùng sẽ tăng hơn gấp ba lần, lên mức 429 USD vào năm 2025 từ mức 124 USD vào năm 2018. Con số này cao hơn mức dự báo 392 USD mà công ty tư vấn này đã đưa ra trước đó.

Nghiên cứu mới này do Bain & Company phối hợp với Facebook thực hiện đã tiến hành khảo sát khoảng 16.500 người tiêu dùng kỹ thuật số trên khắp 6 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, và Việt Nam.

Theo báo cáo trên, mặc dù Đông Nam Á vẫn phụ thuộc vào tiền mặt, song số lượng người thích thanh toán bằng tiền mặt đã giảm xuống 34% từ mức 40% của năm 2019. Hơn nữa, khoảng 22% người được hỏi thích mua sắm qua các ví điện tử hơn, tăng mạnh so với mức chỉ 14% vào năm ngoái. Điều này cho thấy sự gia tăng ổn định của các ứng dụng ví điện tử trong khu vực.

Trung Quốc từ lâu đã là nước đi đầu trong nền kinh tế di động. Theo các báo cáo truyền thông, các công ty công nghệ tài chính (fintech) của Trung Quốc đã cho phép thanh toán hầu như không dùng tiền mặt trên khắp quốc gia đông dân nhất thế giới này. Song trong những năm gần đây, một cuộc cạnh tranh mới từ Đông Nam Á đã xuất hiện, qua đó thách thức vị thế của Trung Quốc.

Tập đoàn tư vấn Boston Consulting Group (BCG) cho biết 49% người tiêu dùng thành thị tại khu vực Đông Nam Á là khách hàng của các ngân hàng thương mại đã sử dụng ví điện tử. Trong báo cáo năm 2020 có tiêu đề “Người tiêu dùng Đông Nam Á đang thúc đẩy cuộc cách mạng thanh toán kỹ thuật số”, BCG dự báo rằng tỷ lệ này sẽ đạt 84% vào năm 2025. 

Theo tập đoàn tư vấn này, trên thực tế ứng dụng ví điện tử có thể sẽ tăng tốc sau đại dịch COVID-19 vốn đã thúc đẩy sự gia tăng mạnh mẽ các hình thức thanh toán kỹ thuật số và giao hàng tận nhà. Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 và hậu quả của nó sẽ thúc đẩy nhiều hộ gia đình Đông Nam Á chấp nhận thanh toán kỹ thuật số.

Theo báo cáo “Nghiên cứu tác động của thẻ Mastercard năm 2020”, Malaysia hiện dẫn đầu các quốc gia Đông Nam Á với tỷ lệ sử dụng ví điện tử đạt tới 40%, tiếp đó là Philippines (36%), Thái Lan (27%), và Singapore (26%). 

Báo cáo cũng cho thấy gần một nửa số người tiêu dùng được khảo sát tại Malaysia đã gia tăng các hoạt động mua sắm trực tuyến. Các hoạt động khác ghi nhận sự gia tăng gồm lướt Internet để xem tin tức và giải trí, phát video trực tuyến, mạng xã hội, và giao hàng thực phẩm hoặc tạp hóa tận nhà.

Giới chuyên gia cũng tin rằng ngay cả khi các quốc gia Đông Nam Á dỡ bỏ bớt các biện pháp hạn chế chống COVID-19 và chuẩn bị bước vào “giai đoạn bình thường mới”, một số xu hướng được xây dựng nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng này có thể sẽ vẫn tồn tại. 

Singapore, Philippines và Thái Lan cũng đã ghi nhận sự sụt giảm tỷ lệ sử dụng tiền mặt với các mức lần lượt là 67%, 64% và 59% trong bối cảnh các quốc gia thành viên ASEAN này chuyển sang các phương thức thanh toán không tiếp xúc.

Một cuộc khảo sát mới đây về sở thích sử dụng ví điện tử của người tiêu dùng châu Á do STICPAY - công ty fintech có trụ sở tại London (Anh) - thực hiện cho thấy người dùng trong khu vực coi việc rút tiền nhanh và phí giao dịch thấp là tiêu chí chính để lựa chọn dịch vụ ví điện tử.

Nghiên cứu trên đã tiến hành khảo sát 400 người dùng ví điện tử của STICPAY trên khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương bao gồm Indonesia, Philippines, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc).

Công ty fintech này nhận thấy rằng trong khi lĩnh vực thương mại và trò chơi trực tuyến dẫn đầu với tư cách là người dùng chính của các dịch vụ ví điện tử, 9,6% người được hỏi sử dụng ví kỹ thuật số để mua sắm trực tuyến. 

Ngoài ra, những người được hỏi cũng cho biết thẻ trả trước, tùy chọn chuyển khoản ngân hàng địa phương, phương thức gửi tiền đa dạng, an toàn và bảo mật là những tiêu chí quan trọng nhất khiến họ lựa chọn giải pháp ví điện tử.

Trong những năm qua, các nhà khai thác ví điện tử đã tìm cách mở rộng các giải pháp và dịch vụ của mình. Một số đã cung cấp các giải pháp nạp tiền cho các dịch vụ trả trước hoặc thanh toán tiện ích. 

Theo ông Joel Yarbrough, Phó Chủ tịch phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của công ty cung cấp giải pháp fintech Rapyd, làn sóng ứng dụng tiếp theo của các ví di động sẽ là chuyển tiền xuyên biên giới và ngoại hối.

Ông Yarbrough cho hay, đối với các nhà khai thác ví di động, cần mở rộng các tính năng thiết thực bằng cách tạo ra nhiều cách để mọi người sử dụng ví điện tử, chẳng hạn như thanh toán trực tiếp tại cửa hàng và trực tuyến. Theo ông Yarbrough, mã QR trên ví điện tử có thể khiến các khách hàng xa lánh thay vì thu hút họ.

Mặc dù ứng dụng ví điện tử tiếp tục gia tăng tại Đông Nam Á, phương tiện thanh toán này không phải là không đối mặt với các thách thức. Theo đó, BCG xác định rằng các nhà cung cấp ví điện tử đang và sẽ phải phải đối mặt với ba thách thức trong việc quảng bá ví điện tử trong người dân; nâng cao lòng trung thành và giá trị của khách hàng; cũng như gia tăng sự chấp nhận ở những người bán hàng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục