Trở ngại mới trong quan hệ song phương Nhật-Nga

05:30' - 24/12/2017
BNEWS Trước thông tin Nhật Bản sẽ mua hệ thống tên lửa đất đối hạm thế hệ mới Aegis Ashore của Mỹ để tăng cường hệ thống phòng thủ quốc gia, Nga đã có những tuyên bố phản đối mạnh mẽ kế hoạch này.
Hệ thống phòng thủ tên lửa mặt đất Aegis Ashore. Sputnik/TTXVN

Trước thông tin Nhật Bản sẽ mua hệ thống tên lửa đất đối hạm thế hệ mới Aegis Ashore của Mỹ để tăng cường hệ thống phòng thủ quốc gia, Nga đã có những tuyên bố phản đối mạnh mẽ kế hoạch này.

Trong khi đó, bản thân Nga cũng đang tăng cường các hoạt động hiện đại hóa trang thiết bị vũ khí tại khu vực quần đảo Kuril mà Nhật Bản gọi là Chishima. Những động thái mới này có thể khiến cho mọi nỗ lực đàm phán về tranh chấp lãnh thổ tại quần đảo Nam Kuril (hay vùng Lãnh thổ phương Bắc theo cách gọi của Nhật Bản) trở nên khó khăn gấp bội.

Theo báo Asahi (Nhật Bản), trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera hôm 11/12, Đại tướng Valery Gerasimov - Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nga - đã bày tỏ lo ngại về kế hoạch mua hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore của Mỹ vì cho rằng quân đội Mỹ sẽ quản lý hệ thống này.

Bác bỏ thông tin trên, Bộ trưởng Onodera khẳng định Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản mới là “ông chủ” thực sự của hệ thống tên lửa sẽ triển khai. Ông Onodera cũng cho biết mục đích của Nhật Bản chỉ là muốn phòng thủ đất nước trước các mối đe dọa tên lửa, hạt nhân mà Triều Tiên đang đặt ra, đồng thời cam kết hệ thống tên lửa mới sẽ không tạo ra mối đe dọa mới đối với an ninh khu vực, trong đó có Nga.

Trước đó, trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono vào tháng 11/2017, người đồng cấp Nga Sergei Lavrov cũng tỏ ý lo ngại và cho rằng tình hình an ninh khu vực Đông Á đang có sự thay đổi. Đây dường như là một tuyên bố có ý ngầm lý giải cho động thái Nga đang tăng cường các hoạt động hiện đại hóa trang thiết bị vũ khí trong thời gian gần đây.

Kể từ khi bị Mỹ và phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt sau vụ sáp nhập Crimea năm 2014, tinh thần cảnh giác của Nga đối với Mỹ ngày càng lên cao. Do đó, Nga đã thiết lập một “vành đai phòng vệ chống Mỹ” kéo dài từ quần đảo Kamchatka tới quần đảo Kuril và đẩy mạnh các hoạt động quân sự trong vành đai này.

Bên cạnh đó, việc Nhật Bản và Mỹ tăng cường hợp tác trong vận hành hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) trong bối cảnh tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không có dấu hiệu hạ nhiệt càng khiến Nga lo ngại cho an ninh của mình.

Theo báo giới Nga, chính quyền Moskva có kế hoạch triển khai các tổ hợp tên lửa bảo vệ đất đối hạm “Bastion” và “Bal” đến 2 đảo Matua ở trung tâm và Paramushir ở phía Bắc quần đảo Kuril mà phía Nhật Bản lần lượt gọi là Matsuwa và Paramushiru trong năm 2018.

Ngoài ra, Nga cũng sẽ sửa chữa lại một cảng biển và đường băng tại đảo Matua. Một chuyên gia quân sự Nga lý giải cho việc triển khai hệ thống tên lửa tại 2 đảo này rằng đây là những nơi mà quân đội phát xít Nhật Bản từng đặt cơ sở quân sự trong Chiến tranh Thế giới II, đồng thời có thể giúp quân đội Nga chống lại các cuộc xâm lược đổ bộ trên bờ cũng như sự xâm nhập của tàu sân bay Mỹ vào vùng biển Okhotsk.

Trước đó, Nga cũng bắt đầu hiện đại hóa vũ khí tại hai cơ sở quân sự trên đảo Iturup và Kunashir mà phía Nhật Bản lần lượt gọi là Etorofu và Kunashiri đang có tranh chấp giữa hai nước và cũng đã triển khai hai tổ hợp tên lửa đất đối hạm tới đây.

Một quan chức ngoại giao Nhật Bản nhận định rằng có lẽ Nga đang muốn lấy lại ảnh hưởng chính trị, ngoại giao vốn bị suy giảm sau Chiến tranh Lạnh bằng việc gia tăng sức mạnh trong lĩnh vực quốc phòng.

Trước việc Nga tăng cường các hoạt động quân sự tại quần đảo Kuril, ngày càng có nhiều ý kiến từ chính giới Nhật Bản cho rằng việc đàm phán để đòi lại 4 đảo tranh chấp giữa hai nước trở nên thêm xa vời.

Nhật Bản xác định thông qua các hoạt động đầu tư kinh tế, khai thác chung tại vùng Lãnh thổ phương Bắc để xây dựng mối quan hệ tin cậy với Nga, từ đó tạo điều kiện thuận lợi trong đàm phán tranh chấp lãnh thổ.

Theo chủ trương này, Nhật Bản và Nga sẽ tổ chức các cuộc làm việc cấp Cục trưởng trong tháng 12/2017, cấp Thứ trưởng trong tháng 1 hoặc tháng 2/2018 để đạt được những thành quả nhất định, chuẩn bị cho cuộc hội đàm nguyên thủ giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến diễn ra vào tháng 5/2018.

Hai bên đã nhất trí sẽ cụ thể hóa các kế hoạch hợp tác chung, đồng thời xây dựng các cơ chế để các hoạt động này không vi phạm tới luật pháp của cả hai nước. Tuy nhiên, kế hoạch triển khai các hệ thống tên lửa hiện nay đang trở thành một bức tường ngăn cách triển vọng mà Nhật Bản hy vọng sẽ đạt được.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản đánh giá rằng việc này sẽ làm cản trở tiến trình đàm phán tranh chấp, trong khi một quan chức Bộ Quốc phòng thừa nhận việc Nga trả lại các đảo tranh chấp cho Nhật Bản có lẽ là một việc “ngoài sức tưởng tượng” nếu xét đến những quan ngại của Nga về việc liệu Mỹ có đặt căn cứ quân sự tại các đảo này hay không một khi chúng nằm dưới sự quản lý của Nhật Bản.

Để nhanh chóng xóa bỏ các nghi ngờ của Nga đối với Nhật Bản, ngay trong ngày 13/12, Thư ký Ủy ban An ninh Quốc gia Nhật Bản Shotaro Yachi sẽ đến thăm Nga và hội đàm với Đại tướng Patrusev Nikolai Platonovich, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, một nhân vật rất thân cận với Tổng thống Putin.

Trong cuộc hội đàm, Nhật Bản sẽ cố gắng giải thích các khúc mắc giữa hai nước, đặc biệt là vấn đề an ninh với việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tới đây. Các động thái dồn dập của hai bên trong thời gian ngắn vừa qua cho thấy đây thực sự là một trở ngại lớn trong quan hệ song phương Nhật-Nga.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục