Trồng ngô lấy thân xuất khẩu cho thu nhập cao

07:20' - 31/08/2020
BNEWS Để nâng cao thu nhập cho nông dân, Hội Nông dân huyện Châu Đức đã ký kết mô hình trồng ngô lấy thân để xuất khẩu đi Hàn Quốc làm thức ăn cho gia súc.
Huyện Châu Đức là địa phương có diện tích trồng ngô lớn nhất của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, với khoảng 6.000 ha. Để nâng cao thu nhập cho nông dân, Hội Nông dân huyện Châu Đức đã ký kết mô hình trồng ngô lấy thân để xuất khẩu đi Hàn Quốc làm thức ăn cho gia súc. Mô hình này đang mở ra hướng làm ăn mới cho nông dân Châu Đức nói riêng và của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói chung.

Mô hình trồng ngô lấy thân xuất khẩu làm thức ăn chăn nuôi cho gia súc đã phát triển ở nhiều tỉnh miền Nam, nhất là tỉnh Đồng Nai từ nhiều năm trước. So với trồng ngô lấy hạt, trồng cây ngô lấy thân làm thức ăn chăn nuôi cho gia súc có hiệu quả kinh tế khá hơn nhiều, nhờ mật độ trồng dày, thời gian sinh trưởng ngắn, tiết kiệm được nhiều công chăm sóc và thu hoạch, chi phí phân bón, thuốc trừ sâu bệnh.

Qua tham khảo các mô hình thành công, Hội Nông dân huyện Châu Đức nhận thấy nhu cầu xuất khẩu cây ngô lấy thân mang lại lợi nhuận cao nên đã vận động hội viên nông dân chuyển đổi từ cây ngô truyền thống sang trồng ngô lấy thân làm thức ăn chăn nuôi.

Để đảm bảo đầu ra cho nông dân, Hội Nông dân huyện Châu Đức đã ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Một thành viên LTD Trí Nguyễn, có địa chỉ tại tỉnh Đồng Nai để tiêu thụ thân cây ngô tươi thương phẩm giống 7328 xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc.

Theo đó, từ năm 2020 đến năm 2025, Công ty TNHH LTD Trí Nguyễn cam kết thu mua mỗi năm khoảng 3.000 tấn, với giá thu mua trong vụ đầu tiên là 650 đồng/kg, vụ thứ 2 là 950 đồng/kg; vụ thứ 3 là 1.200 đồng/kg.

Thực hiện cam kết này, từ tháng 5/2020, Hội nông dân huyện Châu Đức đã vận động nông dân trồng giống ngô 7328 trên diện tích khoảng 40ha tại các xã Bình Giã, Bình Trung và Sơn Bình. Hiện ngô đã đến kỳ thu hoạch, bình quân mỗi ha cho sản lượng tính luôn thân từ 45-50 tấn. Với giá vụ 1: 650 đồng/kg, nông dân thu lợi nhuận gần 30 triệu đồng, cao hơn 10-12 triệu đồng so với các giống ngô lấy hạt.

Thời điểm này, nhiều hộ dân ở các xã Bình Giã, Bình Trung và Xuân Sơn, huyện Châu Đức đang vào đợt thu hoạch cây ngô tươi. Gia đình ông Nguyễn Đình Hoan, ở thôn 5, xã Bình Trung, huyện Châu Đức có hơn 20 năm trồng ngô lấy hạt. Với 6 sào đất, một năm ông Hoan trồng được 1 vụ ngô, thu hoạch khoảng 6 tấn hạt, sau khi trừ các chi phí, ông lãi khoảng 18 triệu đồng.

Tháng 5/2020, được Hội Nông dân huyện khuyến khích ông trồng giống ngô lấy thân, giống 7328. Cũng cùng diện tích trước đây ông trồng ngô lấy hạt, sau 3 tháng trồng, hiện ruộng ngô đã được thu hoạch xong, với sản lượng đạt gần 50 tấn. Với giá công ty thu mua là 650 đồng/kg, sau khi trừ các chi phí gia đình ông Hoan lãi khoảng 26 triệu đồng.

Ông Hoan chia sẻ, với mô hình trồng ngô lấy thân người trồng nhàn rỗi hơn nhiều so với trồng ngô lấy hạt. Đến kỳ thu hoạch công ty cho nhân công tới thu hoạch và bao tiêu hết sản phẩm nên người trồng không phải lo lắng tìm kiếm công lao động và đầu ra cho sản phẩm.

Tương tự, ông Lê Ngọc Vinh, ở xã Bình Giã, huyện Châu Đức cũng đang trồng 3 sào ngô lấy thân. Theo ông Vinh, trước đây, gia đình ông trồng sắn. 1 vụ thu hoạch chỉ có lãi 10 triệu đồng. Nhưng với việc trồng ngô lấy thân, ông Vinh thu hoạch khoảng 15 tấn, với giá thu mua 650 đồng/kg, mỗi vụ ông thu về khoảng 10 triệu đồng. Trong khi đó, nếu trồng sắn ông Vinh chỉ trồng được 1 vụ, còn với việc trồng ngô lấy thân, ông có thể trồng 2-3 vụ trong năm, lợi nhuận vì thế tăng gấp 2-3 lần.

Theo ông Thân Xuân Động, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-VũngTàu, vụ ngô năm 2020, huyện đã tiến hành khảo sát và triển khai mô hình trồng ngô lấy thân cho hội viên nông dân, với 40ha. So với mô hình trồng ngô lấy hạt thì mô hình trồng ngô lấy thân đã tiết kiệm được chi phí đầu tư và tiết kiệm được công thu hoạch do được công ty tới tận ruộng thu hoạch và thu mua, bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân.

Mặc dù mô hình trồng ngô lấy thân xuất khẩu làm thức ăn gia súc đang là hướng sản xuất mới trên địa bàn huyện Châu Đức, mang lại giá trị lợi nhuận cao cho nông dân, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro khi người nông dân trồng tự phát mà không nghĩ tới đầu ra cho sản phẩm. Chính vì vậy, Hội Nông dân huyện Châu Đức khuyến cáo nông dân chỉ nên chuyển đổi trồng giống ngô này trên các diện tích sản xuất kém hiệu quả, tránh tình trạng phát triển ồ ạt dẫn đến tình trạng cung thừa cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục