Trong quý III và IV/2023, dự kiến có gần 7,6 triệu tấn trái cây cần tiêu thụ

18:00' - 15/06/2023
BNEWS Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quý III và IV/2023, dự kiến có gần 7,6 triệu tấn các loại trái cây chính cần tiêu thụ như: xoài, chuối, thanh long, dứa, cam, vải, nhãn, sầu riêng…

Đồng thời, thông tin hoạt động, sự kiện về thị trường nông sản và định hướng sản xuất, kinh doanh đáp ứng nhu cầu thị trường, hạn chế các yếu tố tác động đến giá cả, đảm bảo lợi ích người dân.

 

Nhất là khi nhu cầu tiêu thụ sẽ rất cao và trong thời gian ngắn với vải thiều chính vụ, tập trung tại các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương; nhãn tập trung nhiều nhất tại 2 tỉnh Sơn La, Hưng Yên; Sơn La cũng là vùng tập trung trồng xoài lớn nhất miền Bắc, còn lại sản lượng lớn ở các tỉnh phía Nam…

Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, cho biết, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo theo dõi, nắm bắt tình hình giá cả, nguồn cung các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, báo cáo Tổ điều hành Thị trường trong nước và Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ. Đồng thời phối hợp với các địa phương hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản vào vụ thu hoạch.

Các đơn vị cũng tổ chức các hoạt động như: diễn đàn kết nối thúc đẩy xuất khẩu, diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản; tọa đàm phổ biến thông tin, quy định thị trường và thị hiếu tiêu dùng, kết nối tiêu thụ thông qua hệ thống tham tán thương mại, nông nghiệp tại các thị trường. Đặc biệt là kết nối với các chuỗi phân phối bán lẻ trong nước đối với một số mặt hàng có sản lượng lớn khi vào vụ thu hoạch.

Điển hình, ngay từ khi chuẩn bị bước vào vụ vải, tỉnh Bắc Giang đã lên kế hoạch chuẩn bị đón tiếp các thương nhân Trung Quốc. Địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh tiêu thụ vải thiều, đặc biệt là nguồn vốn cho lưu thông và nguồn điện cho các cơ sở sản xuất thùng xốp, nước đá, các dịch vụ hỗ trợ cho thu hoạch và tiêu thụ vải thiều.

Nhiều cách làm mới đã được địa phương này đưa ra nhằm thu hút người tiêu dùng. Đó là sự kết hợp quảng bá sản phẩm với du lịch. UBND huyện Lục Ngạn đã tổ chức Chương trình du lịch “Lục Ngạn mùa vải chín” với chủ đề “Tinh hoa trái cây Việt - Đặc sản Việt Nam đạt kỷ lục châu Á".

Không chỉ tham quan, chụp ảnh, thu hái quả… từ các vườn cây trĩu quả, du khách còn được thưởng thức ẩm thực, các đặc sản nổi tiếng của địa phương như thịt gà đồi, nem ngựa, mỳ Chũ, tôm cá hồ Cấm Sơn, mật ong vải thiều…

Hay mô hình "Cây vải vườn nhà" của Tổ hợp tác Sản xuất vải thiều theo hướng hữu cơ xuất khẩu ở thôn Đồng Giao (Quý Sơn). Nhiều cây vải đã có chủ sở hữu cũng như khách du lịch đến tham quan, thương lái hỏi mua sau khi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan mua và đặt biển sở hữu một cây vải.

Ngoài các thị trường xuất khẩu truyền thống tỉnh Bắc Giang quan tâm mở rộng tiêu thụ loại quả đặc sản của địa phương đến các thị trường tiềm năng như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, EU… Riêng với quả vải, Bắc Giang dự kiến tiêu thụ khoảng 81.000 tấn ở thị trường nội địa (chiếm khoảng 45% tổng sản lượng).

Cùng các kênh tiêu thụ chủ yếu thông qua các thương nhân phân phối, chợ đầu mối các tỉnh; các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử lớn trong nước và quốc tế (Voso, Sendo, Tiki, Shopee, Lazada, Postmart, Alibaba, Amazon…); bán trực tuyến trên nền tảng online, mạng xã hội: Facebook, Zalo, Youtube…

Để kết nối tiêu thụ, ngành nông nghiệp Hải Dương đã phối hợp với các đơn vị bán lẻ tổ chức khai trương gian hàng trưng bày, bán và giới thiệu sản phẩm vải thiều Thanh Hà đến với người dân thủ đô Hà Nội.

Sẵn sàng cho xuất khẩu, Hải Dương cũng xây dựng được 52 vùng trồng với 610 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Đến nay, Hải Dương đã được cấp và duy trì 203 mã số vùng trồng xuất khẩu sang Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia, Trung Quốc, Thái Lan.

Dự kiến năm 2023, sản lượng vải của Hải Dương sẽ được tiêu thụ khoảng 50% ở thị trường trong nước và trên 50% sản lượng dành cho xuất khẩu. Trong sản lượng vải xuất khẩu thì 45% là xuất khẩu sang các thị trường truyền thống Trung Quốc, Lào, Campuchia, Malaysia... khoảng 10% xuất khẩu đi các thị trường như Nhật Bản, Anh, Mỹ, Australia...

Không chỉ vải hay nhãn sắp vào vụ, ngay từ đầu năm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn hướng dẫn địa phương điều tiết kế hoạch sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu.

Nắm bắt tình hình sản lượng các loại cây ăn quả chủ lực phục vụ xuất khẩu như thanh long, nhãn, xoài, sầu riêng, cây có múi; chỉ đạo rải vụ cây trồng phù hợp với thị trường tiêu thụ, có giá bán tốt và hiệu quả kinh tế cao.

Đồng thời, đẩy mạnh đàm phán, mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch. Các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói liên tục được cập nhật để gửi các cơ quan chức năng của các thị trường phê duyệt, nhất là 8 loại quả tươi truyền thống của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Trung Quốc và các thông tin liên quan đến dược liệu và cây có múi xuất khẩu sang Trung Quốc.

Qua chuyến công tác mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đánh giá, Trung Quốc là một thị trường lớn, rất chú trọng đến chất lượng. Thị trường này luôn có nhu cầu lớn nhiều loại trái cây Việt Nam.

Trước cách quy định rất nghiêm ngặt của thị trường bạn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp phải đảm bảo đúng theo các quy định theo Lệnh 249 về các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu; Lệnh 248 quy định về quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm của Tổng cục Hải quan Trung Quốc thì hàng hóa sẽ vào được thị trường Trung Quốc. Chất lượng hàng hóa và uy tín của doanh nghiệp là yếu tố quan trọng để nông sản Việt vươn xa./.

Nắm bắt sản lượng từng sản phẩm chủ lực, rải vụ tương ứng với thị trường tiêu thụ… cùng với sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) đang được ngành nông nghiệp chỉ đạo để trái cây vào vụ được tiêu thụ với giá bán tốt, hiệu quả kinh tế cao.

Trong tháng 5 vừa qua, thị trường trong nước nhìn chung tiêu thụ chậm, nguồn cung các loại trái cây dồi dào nên giá giảm mạnh, như xoài giảm từ 5.000-10.000 đồng/kg, sầu riêng giảm 16.000 đồng/kg, mít giảm trên 7.000 đồng/kg, hay chôm chôm, chanh, bưởi cũng giảm.

Trước những dấu hiệu vào vụ cao điểm nhiều lại trái cây, để hỗ trợ tiêu thụ, ổn định giá, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị theo dõi sát biến động thị trường; tình hình sản xuất và nguồn cung, đặc biệt các nông sản và chuẩn bị vào vụ có sản lượng thu hoạch lớn như: xoài, sầu riêng, mít, chanh, vải…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục