Trung Quốc đối mặt nguy cơ đình trệ kiểu Nhật Bản

16:32' - 29/08/2023
BNEWS Thay vì đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5%, Trung Quốc đang bắt đầu đối mặt nguy cơ đình trệ như Nhật Bản vào những năm 1990.

Thay vì đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5%, Trung Quốc đang bắt đầu đối mặt nguy cơ đình trệ như Nhật Bản vào những năm 1990.

Vào thời điểm đó, "bong bóng" tài sản vỡ đã khiến Nhật Bản bước vào "thập kỷ bị đánh mất" với 30 năm đình trệ. Tăng trưởng kinh tế giảm từ mức trung bình 4,5% trong những năm 1980 xuống 1%.

Các nhà kinh tế cho rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ không giảm xuống mức quá thấp.

Nhà kinh tế Stephen Roach tại Trung tâm Trung Quốc Paul Tsai, Trường Yale, cho rằng kinh tế Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tăng trưởng ở mức 3%.

 
Theo ông Roach, Trung Quốc đang chịu sức ép khi mức thu nhập bình quân đầu người thấp hơn nhiều so với Nhật Bản.

Mặc dù kinh tế lao dốc, Nhật Bản vẫn là một nước giàu. Theo Capital Economics, Trung Quốc có thể là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng GDP bình quân đầu người của nước này năm 2022 chỉ là 12.756 USD. Mức này gần bằng 1/6 của Mỹ và chỉ vượt không đáng kể so với trung bình toàn cầu.

Nếu đình trệ vào thời điểm này, kinh tế Trung Quốc sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Dân số trong độ tuổi lao động tại Trung Quốc đang giảm đi kể từ khi đạt đỉnh vào năm 2015. Lực lượng lao động ở nước này vào năm 2030 sẽ giảm 26 triệu người so với 15 năm trước và giảm gần 25% vào năm 2050, tương đương 239 triệu người.

Các vấn đề của nền kinh tế cho thấy những nghịch lý. Người lao động Trung Quốc trở nên hoàn toàn không đáp ứng được đòi hỏi của nền kinh tế. Có quá nhiều lao động có tay nghề thấp, quá nhiều lao động lành nghề và quá ít lao động bậc trung.

Trong 15 năm trước khủng hoảng tài chính năm 2008, Trung Quốc có mô hình kinh tế rất thành công, dựa trên đầu tư trực tiếp nước ngoài, xuất khẩu, chế tạo và dòng người di cư từ nông thôn vào thành phố.

Khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khiến mô hình kinh tế của Trung Quốc gặp trở ngại.

Xuất khẩu của Trung Quốc lao dốc và vẫn chưa thực sự phục hồi.

Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, các dự án nhà nước, hướng các ngân hàng cấp các khoản cho vay lớn với mọi mục đích. Điều này gây ra vòng xoáy nợ và bong bóng giá tài sản.

Hiện lĩnh vực bất động sản đang trong giai đoạn sụt giảm kéo dài bắt đầu kể từ khi Evergrande sụp đổ vào năm 2021 và tình hình có thể căng thẳng hơn khi một công ty lớn khác là Country Garden bên bờ vực vỡ nợ.

Đa số tài sản của các gia đình ở Trung Quốc nằm trong bất động sản. Điều này có nghĩa giá nhà giảm sẽ là trở ngại lớn đối với chi tiêu tiêu dùng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục