Những "cơn gió ngược" mà kinh tế Trung Quốc đang đối mặt

06:30' - 29/08/2023
BNEWS Dữ liệu kinh tế tháng 7/2023 của Trung Quốc không như ước tính đã làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng giảm tốc kéo dài và nước này có thể gặp khó khăn để đạt mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm 2023.

Trung Quốc đã kỳ vọng vào sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong năm 2023 sau gần ba năm bị cô lập vì COVID-19. Tuy nhiên, dữ liệu gần đây do Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố trong quý II/2023 cho thấy quá trình phục hồi đang mất đà.

So với quý I/2023, nền kinh tế Trung Quốc trong quý II/2023 chỉ tăng trưởng 0,8%. Dữ liệu hoạt động kinh tế trong tháng 7/2023, bao gồm sản lượng công nghiệp, đầu tư và doanh số bán lẻ, không khớp với ước tính, làm dấy lên mối lo ngại về tăng trưởng giảm tốc kéo dài và Trung Quốc có thể gặp khó khăn để đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% cho năm 2023. Dưới đây là các thách thức chính của nền kinh tế Trung Quốc.

 
Nhân tố nhân khẩu học

Mức độ già hóa của Trung Quốc không ngừng gia tăng. Dân số trong độ tuổi lao động của đất nước đang giảm dần hàng năm. Trong 10 năm qua, mức giảm trung bình hàng năm là khoảng 3 triệu người. Chi phí lao động ở Trung Quốc tăng khoảng 12% mỗi năm trong một thập kỷ qua. Xu hướng này khiến một số ngành sử dụng nhiều lao động truyền thống dịch chuyển sang các quốc gia và khu vực lân cận, nơi có chi phí lao động thấp hơn. Tăng trưởng năng suất lao động cũng giảm trong 10 năm qua. Do đó, các chuyên gia nhấn mạnh rằng nguồn cung lao động với tư cách là một yếu tố sản xuất đang “suy yếu hoặc thậm chí xấu đi”.

Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao

Tỷ lệ việc làm ở thành thị nói chung của Trung Quốc giảm từ 5,5% vào tháng 1/2023 xuống còn 5,2% vào tháng 6/2023. Trong cùng thời gian đó, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên tăng nhanh từ 17,3% lên mức kỷ lục 21,3%. Các chuyên gia ước tính tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm tuổi 16-24 thậm chí có thể cao hơn mức kỷ lục của tháng Sáu.

NBS thông báo không công bố dữ liệu thất nghiệp theo nhóm tuổi cụ thể nữa kể từ tháng 8/2023. Động thái này được cho là dữ liệu có thể đáng báo động. Khu vực tư nhân suy yếu ở Trung Quốc cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp ở thanh niên vì khu vực tư nhân cung cấp phần lớn việc làm ở thành thị cho thanh niên Trung Quốc.

Thu hẹp đầu tư của khu vực tư nhân

Đầu tư của các công ty tư nhân vào Trung Quốc bị thu hẹp sau khi các hạn chế phòng chống dịch COVID-19 được nới lỏng. Theo một cuộc khảo sát do Trường Kinh doanh Cheung Kong (CKGSB) tại Trung Quốc thực hiện, môi trường kinh doanh của các công ty tư nhân trượt dốc đáng kể về mọi mặt, bao gồm doanh thu, lợi nhuận, môi trường tài chính kể từ tháng 5/2023. Hơn nữa, tỷ trọng vốn hóa thị trường của các công ty thuộc khu vực tư nhân giảm từ mức đỉnh 55% vào cuối tháng 6/2021 xuống còn 39% vào cuối tháng 6/2023. Điều đáng chú ý là tỷ trọng của khu vực nhà nước của Trung Quốc đã tăng lên hơn 60%.

Nợ của chính quyền địa phương

Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về nền kinh tế Trung Quốc, khoản nợ của các công ty tài chính thuộc sở hữu các chính quyền địa phương (LGFV) tăng gần gấp đôi kể từ năm 2017, ước tính lên tới 56.671 tỷ NDT (7.800 tỷ USD) vào năm 2022. Nợ tăng nhanh đã làm dấy lên lo ngại về sự ổn định tài chính của chính quyền địa phương Trung Quốc, điều này được cho là sẽ gây thêm áp lực cho nền kinh tế quốc gia. Gần đây, một số chuyên gia nhấn mạnh rằng “nợ tiềm ẩn” của chính quyền địa phương Trung Quốc có thể đe dọa nền kinh tế nước này.

Căng thẳng Mỹ-Trung

Trung Quốc và Mỹ bước vào thời kỳ cạnh tranh gay gắt về kinh tế, chính trị, công nghệ và quân sự mặc dù nền kinh tế của hai nước có sự hợp tác sâu sắc. Căng thẳng Mỹ-Trung được cho là có thể ảnh hưởng đáng kể đến việc phát triển hoạt động công nghiệp ở nước này.

Chiến lược gia và chuyên gia nổi tiếng đến từ Trung Quốc, Giáo sư Yan Xuetong, cho rằng cốt lõi của cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ là công nghệ kỹ thuật số. Ông lập luận rằng nền kinh tế kỹ thuật số sẽ trở thành nguồn tài sản quốc gia chính cho các nền kinh tế lớn. Ông lưu ý nền kinh tế kỹ thuật số tăng trưởng với tốc độ gấp 1,5 lần tốc độ của toàn bộ nền kinh tế, điều này có nghĩa là nền kinh tế kỹ thuật số chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong tài sản quốc gia của tất cả các nước lớn.

Mục tiêu trung hòa carbon

Mục tiêu trung hòa carbon do Trung Quốc đặt ra mang lại những cơ hội cũng như thách thức. Trung Quốc đã đặt ra mốc thời gian đến năm 2060 để đạt được các mục tiêu trung hòa carbon. Điều này rất quan trọng vì các hoạt động kinh tế trong quá khứ đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho môi trường ở Trung Quốc.

Chính phủ đã thực hiện các hạn chế để bảo vệ môi trường trong thời gian gần đây. Một số báo cáo cho rằng những hạn chế mới gây áp lực rất lớn lên một số ngành công nghiệp truyền thống của Trung Quốc có lượng khí thải hoặc mức tiêu thụ năng lượng tương đối cao. Hậu quả là một số doanh nghiệp vừa và nhỏ đã bị đóng cửa.

Áp lực chuyển đổi này hàm ý rằng các ngành công nghiệp như thép, xi măng, vật liệu xây dựng và các doanh nghiệp hóa chất cần phải trải qua những chuyển đổi công nghệ mới để đáp ứng yêu cầu giảm phát thải. Đối với nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, câu hỏi chính hiện nay là liệu họ có thể chịu được mức tăng chi phí đi kèm với quá trình chuyển đổi thân thiện với khí hậu hay không.

Nỗ lực của Chính phủ

Bộ Chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) đã tổ chức cuộc họp vào ngày 25/7 để phân tích tình hình kinh tế và đề xuất các biện pháp phục hồi. Cuộc họp do Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì. Cuộc họp thừa nhận nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với “những khó khăn và thách thức mới”, là kết quả của những rủi ro và nguy hiểm tiềm ẩn trong các lĩnh vực trọng điểm, cũng như môi trường bên ngoài phức tạp. Ban lãnh đạo đã công bố một số biện pháp để giải quyết tình hình bao gồm (a) Thúc đẩy tiêu dùng nội địa; (b) Ổn định việc làm từ góc độ chiến lược; (c) Đẩy mạnh hơn nữa hiện đại hóa công nghiệp; (d) Giảm thiểu rủi ro nợ địa phương và (e) Thúc đẩy phát triển chất lượng cao.

Dữ liệu kinh tế gần đây, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc trong quý II/2023 và dữ liệu hoạt động kinh tế trong tháng 7/2023, cho thấy cái nhìn bi quan về sự phục hồi nhanh của nền kinh tế Trung Quốc sau khi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh được dỡ bỏ. Thách thức để đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững và thân thiện với môi trường đối với Trung Quốc là không nhỏ./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục