Trung Quốc dự kiến đạt mức phát thải CO2 đỉnh điểm trước năm 2023

15:26' - 29/10/2021
BNEWS Ngày 28/10, Trung Quốc đã đệ trình một kế hoạch cắt giảm khí thải mới, với dự kiến sẽ đạt đến mức phát thải CO2 đỉnh điểm trước năm 2030.

 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất thế giới vẫn chưa đưa ra được các bước đi cụ thể để đạt được mục tiêu loại bỏ hoàn toàn khí thải carbon theo lời kêu gọi của các tổ chức quốc tế.

Bản kế hoạch mới mà Trung Quốc đệ trình lên Liên hợp quốc (LHQ), chỉ vài ngày trước Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 diễn ra tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh), đã xác nhận mục tiêu đạt được mức trung hòa carbon trước năm 2060 và giảm cường độ phát thải (lượng khí thải phát ra trên một đơn vị sản lượng kinh tế) hơn 65%.

Các nhà phân tích cho biết, đây chỉ là những điểm cải tiến nhỏ trong kế hoạch hiện tại của Trung Quốc và chưa đủ “sức nặng” đối với quốc gia đang gây ra hơn 1/4 tổng lượng khí thải carbon toàn cầu.

Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, tất cả các quốc gia đã đồng ý cắt giảm lượng khí thải để hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu xuống dưới 2 độ C và phấn đấu đạt được giới hạn tăng nhiệt độ Trái Đất ở mức 1,5 độ C.

Năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, nước này sẽ đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào khoảng năm 2060 và mức phát thải cao nhất vào khoảng năm 2030. Tuy nhiên, Trung Quốc đã bỏ lỡ một số thời hạn nộp kế hoạch cắt giảm khí thải trong suốt thời gian trì hoãn kéo dài một năm của COP26 do đại dịch COVID-19.

Nhiều chuyên gia hy vọng rằng bản kế hoạch mới của Trung Quốc có thể tạo động lực cho COP26, dự kiến bắt đầu diễn ra vào ngày 31/10 tới, bởi nó cho thấy các nhà lãnh đạo thế giới đang nỗ lực tìm cách tránh một "thảm họa" khí hậu.

Theo tài liệu được công bố trên trang web về biến đổi khí hậu của LHQ, Trung Quốc sẽ tăng tỷ trọng sử dụng nhiên liệu không hóa thạch trong tiêu thụ năng lượng sơ cấp lên 25%, so với mức 20% đã cam kết trước đó. Nước này cũng có kế hoạch tăng trữ lượng rừng thêm 6 tỷ m3 so với mức tương ứng của năm 2005 và nâng tổng công suất lắp đặt điện gió và điện Mặt Trời lên hơn 1,2 tỷ KW vào năm 2030.

Tuy nhiên, hiện Chính phủ Trung Quốc vẫn chưa vạch ra được những hướng đi cụ thể nhằm giảm lượng khí thải cần thiết để Trái Đất tránh được mức tăng nhiệt độ quá cao trong thế kỷ này.

Thư ký điều hành Công ước khung LHQ về biến đổi khí hậu Patricia Espinosa cho biết, cam kết của Trung Quốc về loại bỏ hoàn toàn việc phát thải ròng trước năm 2060 là một "bước tiến rất tích cực". Tuy nhiên, bà Patricia Espinosa cho rằng nước này cần có kế hoạch rõ ràng cho mục tiêu đó ngay lập tức./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục