Trung Quốc: Hòn đá tảng của tham vọng "Made in China" (Phần 2)

05:30' - 06/03/2019
BNEWS Mục tiêu của chính sách đối phó Trung Quốc của Mỹ là duy trì vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, trong đó quan hệ Mỹ-Trung vừa cạnh tranh, vừa hợp tác.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer tại vòng đàm phán thương mại lần thứ 7 ở thủ đô Washington DC., ngày 21/2/2019. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo báo Văn hối (Hong Kong), vòng đàm phán thương mại mới giữa Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu diễn ra tại Washington (Mỹ), trong đó các cuộc đàm phán cấp cao do Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cùng Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc chủ trì bắt đầu từ 21/2. Yêu cầu của phái đoàn đàm phán Mỹ đưa ra với Trung Quốc giờ mới bắt đầu rõ ràng.

Trung tâm quan hệ Mỹ-Trung thuộc Hiệp hội châu Á của Mỹ mới đây công bố một báo cáo nghiên cứu mới có tiêu đề “Sửa chữa đường lối: Hướng tới một chính sách Trung Quốc hiệu quả và bền vững”. Báo cáo đưa ra quan điểm về quan hệ Mỹ-Trung, cho rằng xung đột hiện nay giữa hai nước đã làm hủy hoại mối quan hệ được thiết lập trong vài chục năm qua. 

Báo cáo trên nhằm bảo vệ các lợi ích căn bản của Mỹ khi chỉ ra rằng phải có một hệ thống kinh tế toàn cầu với cạnh tranh thị trường công bằng, một khu vực châu Á-Thái Bình Dương hòa bình và ổn định, một trật tự chính trị và kinh tế tự do và pháp trị, cũng như một mối quan hệ Mỹ-Trung ổn định và có lợi.

Để đạt được mục tiêu này, báo cáo khuyến nghị chính quyền Tổng thống Trump áp dụng chiến lược “cạnh tranh thông minh”, mấu chốt là Mỹ cần duy trì hợp tác cùng có lợi với Trung Quốc trên cơ sở bảo vệ lợi ích của chính mình, cũng như hợp tác với các lực lượng quốc tế để buộc Trung Quốc phải tuân theo luật pháp và quy tắc quốc tế, giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán và cải cách các thể chế quốc tế để đảm bảo phúc lợi và an ninh toàn cầu.

Mục tiêu của chính sách đối phó Trung Quốc của Mỹ là duy trì vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, trong đó quan hệ Mỹ-Trung vừa cạnh tranh, vừa hợp tác.

Báo cáo đề xuất 5 chiến lược trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, an ninh khu vực, quản trị toàn cầu, nhân quyền và Trung Quốc tìm kiếm ảnh hưởng bên ngoài. Báo cáo chỉ trích chính quyền Trump đã phạm hai sai lầm: không có đồng minh đoàn kết cùng hành động; Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). 

Cũng theo báo cáo, Trung Quốc đặt ra mối đe dọa đối với Mỹ trên một số phương diện: Trung Quốc áp dụng chủ nghĩa trọng thương, chính sách công nghiệp thay thế nhập khẩu, Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh và ảnh hưởng đối với khu vực Đông Á, Chính phủ Trung Quốc tăng cường kiểm soát chính trị.

Báo cáo cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc vi phạm các quy tắc thị trường về cạnh tranh công bằng, làm suy yếu luật pháp quốc tế và nguyên tắc đối đẳng có đi có lại. Vì vậy, báo cáo rõ ràng ủng hộ cuộc phản kích của chính quyền Tổng thống Trump.

Trong khi đó, bài viết trên trang mạng Người quan sát của Trung Quốc chỉ ra rằng tuy sự trỗi dậy của Trung Quốc đang gây ra sự lo ngại của đông đảo người Mỹ, nhưng khi tình hình chính trị thay đổi, chính sách của Washington có thể không còn được giữ nguyên.

So với ông Trump, một vị Tổng thống khác có thể xem xét nhiều hơn đến ý kiến của giới doanh nghiệp và các hiệp hội ngành nghề khác nhau ở Mỹ. Xung đột thương mại không có người thắng cuộc, chỉ khiến cả hai cùng tổn thương.

Do đó, Mỹ nên cân nhắc đến những tác động tiêu cực mà nước này phải đối mặt, ví dụ như việc các tầng lớp trong xã hội Mỹ có chịu được sức ép của lạm phát gia tăng hay không, doanh nghiệp Mỹ liệu có gánh chịu cục diện lợi ích đầu tư của họ ở Trung Quốc giảm đi hay không (45% hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ của Trung Quốc là của doanh nghiệp nước ngoài).

Lợi nhuận của giới doanh nghiệp Mỹ bị thiệt hại, họ có thể thông qua phương thức thay đổi quyên góp tiền nhằm mục đích chính trị để mong thay đổi cục diện chính trị Mỹ.

Một câu hỏi khác đặt ra là ưu thế của Mỹ có thể tồn tại bao lâu? Về quy mô kinh tế, căn cứ vào GDP tính bằng đồng USD giữa Trung Quốc và Mỹ trong năm 2017, với giả thiết là trong tương lai mỗi năm kinh tế  Mỹ tăng trưởng 3%, Trung Quốc tăng trưởng 6,5% nếu tỷ giá hối đoái không thay đổi, trong 10 năm tới, cho dù ai là tổng thống Mỹ thì GDP của Trung Quốc sẽ tương đương 91% GDP của Mỹ.

Có người cho rằng GDP của Trung Quốc trong 10 năm tới không thể duy trì mức tăng trưởng 6,5% một năm, Mỹ cơ bản cũng không thể duy trì được mức cao 3%, nhận định này có thể tính toán căn cứ vào các giả thuyết khác nhau, bao gồm tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ (NDT).

Theo số liệu thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), với GDP tính theo sức mua tương đương, quy mô của nền kinh tế Mỹ năm 2014 là 17.400 tỷ USD, quy mô kinh tế Trung Quốc là 17.600 tỷ USD, Trung Quốc đã vượt Mỹ.

Trong danh sách 500 loại hàng công nghiệp hàng đầu thế giới, Trung Quốc có 220 sản phẩm có sản lượng đứng đầu thế giới, không ít sản lượng hàng công nghiệp chiếm gần một nửa toàn cầu. Căn cứ vào thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), sản lượng công nghiệp của Mỹ năm 2015 chỉ bằng 66% của Trung Quốc.

Theo tin tức của Washington Post vào tháng 1/2018, doanh thu lĩnh vực bán lẻ của Trung Quốc năm 2018 có thể lên tới 5.800 tỷ USD (khoảng 37.000 tỷ NDT, Mỹ là 5.760 tỷ USD năm 2017), dự báo có thể tăng lên bằng hoặc vượt Mỹ.

Ngày 18/1/2018, Cục thống kê quốc gia Trung Quốc công bố các số liệu về kinh tế Trung Quốc, doanh thu ngành bán lẻ của nước này năm 2017 lên tới 36.600 tỷ NDT. Do đó, doanh thu lĩnh vực bán lẻ của Trung Quốc năm 2018 có thể vượt Mỹ.

Về sự phát triển công nghệ, theo thống kê của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) liên quan đến tình hình đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ của các nước trên thế giới năm 2017, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đứng ở 3 vị trí đầu tiên, lần lượt là 470,5 tỷ USD, 370,6 tỷ USD và 170,5 tỷ USD.  

Nhưng tiền lương của các cán bộ nghiên cứu khoa học của Trung Quốc lại ít hơn nhiều so với Mỹ, đề án nghiên cứu khoa học và thiết bị nghiên cứu đều hình thành, phát triển và tiêu thụ ở trong nước, cũng cần căn cứ vào cách tính GDP theo sức mua tương đương để đánh giá tiêu thụ trong thực tế, cộng thêm với đông đảo cán bộ nghiên cứu khoa học của Trung Quốc trẻ hơn của Mỹ, chỉ số thông minh (IQ) không kém Mỹ.

Do đó tính toán theo năng lực làm việc thực tế thì đầu tư cho nghiên cứu phát triển của Trung Quốc không chênh lệch nhiều so với Mỹ. Điều then chốt là trong tương lai gần, đầu tư nghiên cứu phát triển của Trung Quốc vẫn có thể duy trì mức tăng trưởng trên 10%, Mỹ thì dự báo chỉ tăng trưởng khoảng 2%. 

Thực lực công nghệ của Mỹ vẫn có ưu thế đứng đầu rõ rệt. Đây là điều không thể nghi ngờ, nhưng với sự đầu tư liên tục của Trung Quốc, địa vị số một của Mỹ trong các lĩnh vực có thể bị thu hẹp. Do đó, trong khoảng thời gian 10 năm tới, GDP của Trung Quốc có thể ngang bằng với Mỹ.

Xung đột thương mại khiến cả hai nước đều chịu ảnh hưởng, chênh lệch kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng nhỏ, tác dụng ngược trở lại đối với Mỹ ngày càng lớn, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung liệu có thể kéo dài hay không./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục