Trung Quốc nới lỏng lãi suất cho vay thế chấp mua nhà

11:36' - 16/05/2022
BNEWS Đối với các giao dịch mua căn nhà đầu tiên, các ngân hàng thương mại có thể giảm giới hạn lãi suất cho các khoản vay mua nhà khoảng 20 điểm dựa trên kỳ hạn tương ứng của lãi suất cho vay cơ bản.

Các cơ quan tài chính Trung Quốc ngày 15/5 đã cho phép cắt giảm lãi suất cho vay thế chấp đối với một số người mua nhà, trong nỗ lực thúc đẩy thị trường bất động sản và hỗ trợ đà tăng trưởng cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

 

Trong một tuyên bố, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng trung ương) và Ủy ban Quản lý Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc (CBIRC) cho biết đối với các giao dịch mua căn nhà đầu tiên, các ngân hàng thương mại có thể giảm giới hạn lãi suất cho các khoản vay mua nhà khoảng 20 điểm dựa trên kỳ hạn tương ứng của lãi suất cho vay cơ bản (LPR) nhằm thúc đẩy nhu cầu và sự phát triển ổn định và lành mạnh của thị trường bất động sản.
Trong đợt xem xét hàng tháng vào tháng Tư, PBoC đã giữ nguyên lãi suất LPR kỳ hạn một năm ở mức 3,7% và LPR kỳ hạn 5 năm, thường được sử dụng làm tiêu chuẩn cho các khoản vay thế chấp, ở mức 4,6%.
Các ngân hàng tại nhiều thành phố đã cắt giảm lãi suất thế chấp trong quý đầu tiên theo sau lời kêu gọi của các cơ quan chức năng về việc hỗ trợ tâm lý người mua trong một thị trường chịu ảnh hưởng tiêu cực do sự suy giảm thanh khoản, những khó khăn của các nhà phát triển bất động sản và hiện nay là sự bùng phát của dịch COVID-19 trên toàn quốc.
Theo các chuyên gia, những chính sách như giảm các khoản trả trước, hạ lãi suất thế chấp, nới lỏng những hạn chế đối với việc mua bán nhà sẽ tạo thuận lợi hơn cho các giao dịch trên thị trường.
Động thái trên của các cơ quan tài chính Trung Quốc được đưa ra sau số liệu của PBoC cho thấy các khoản vay ngân hàng mới đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 4 năm vào tháng Tư, khi chính sách phong tỏa kiểm soát dịch COVID-19 tại hàng chục thành phố đã hạn chế hoạt động cho vay.
Để giải phóng thêm tiền cho hoạt động vay vốn, PBoC vào ngày 25/4 đã giảm lượng dự trữ tiền mặt bắt buộc đối với các ngân hàng. Tuy nhiên, Iris Pang, nhà kinh tế cấp cao tại ngân hàng hàng đầu của Hà Lan, ING, lưu ý trong thời gian phong tỏa, các ngân hàng có xu hướng tránh rủi ro hơn.
Theo chuyên gia Pang, các ngân hàng không sẵn sàng tạo các khoản vay mới, khi điều này đồng nghĩa với việc họ phải chịu nhiều rủi ro hơn./.

>>>Chiến thuật kiềm chế lạm phát của Trung Quốc

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục