Trung Quốc sẽ bỏ hạn chế đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực tài chính vào năm 2020

17:38' - 02/07/2019
BNEWS Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết từ năm 2020 sẽ dỡ bỏ hạn chế về sở hữu đối với các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực tài chính trong nước, sớm hơn một năm so với kế hoạch đề ra trước đó.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra ở thành phố Đại Liên (Trung Quốc), Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 2/7 cho biết nước này từ năm 2020 sẽ dỡ bỏ hạn chế về sở hữu đối với các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực tài chính trong nước, sớm hơn một năm so với kế hoạch đề ra trước đó.

Ngoài ra, Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa hơn nữa lĩnh vực chế tạo, trong đó có công nghiệp ô tô, trong khi giảm hạn chế đầu tư nước ngoài vào một số lĩnh vực.

Theo ông Lý Khắc Cường, Trung Quốc sẽ đạt được mục tiêu dỡ bỏ hạn chế đối với đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chứng khoán, thị trường giao kỳ hạn và bảo hiểm nhân thọ vào năm 2020, sớm hơn một năm so với thời hạn đề ra trước đó là năm 2021.

Như vậy, Trung Quốc đã phát đi tín hiệu cho thấy nước này đang đẩy nhanh tiến độ mở cửa các lĩnh vực của nền kinh tế nước này, sau khi hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ đã nhất trí khởi động lại các cuộc đàm phán về thương mại trong một nỗ lực nhằm hướng tới đạt được một thỏa thuận để giải quyết xung đột thương mại.

Trước đó, Trung Quốc ngày 30/6 đã giảm số lượng lĩnh vực hạn chế đầu tư nước ngoài xuống còn 40 từ mức 48 như công bố hồi tháng 6/2018.

Tuy vậy, các nhà phân tích quan ngại về việc liệu sự “đình chiến” thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có dẫn tới sự giảm nhiệt căng thẳng thương mại lâu dài hay không, đồng thời cảnh báo tình hình bất ổn kéo dài có thể tác động tiêu cực tới đầu tư của doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế thế giới.

Các ngân hàng đầu tư nước ngoài như Morgan Stanley hiện đang cùng với HSBC Holdings PLC, JPMorgan Chase & Co, Nomura Holdings Inc và UBS Group AG tìm cách sở hữu cổ phần kiểm soát ở các liên doanh tại Trung Quốc theo các quy định đã được nới lỏng công bố vào năm 2017.

Theo Giám đốc điều hành (CEO) JPMorgan China, Mark Leung, JPMorgan đánh giá cao bất kỳ quyết định nào của Chính phủ Trung Quốc, nhằm tự do hóa hơn nữa lĩnh vực tài chính, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc và tăng cường các nền tảng hoạt động nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn.

Trong khi đó, Citigroup - đang trong quá trình thành lập một liên doanh ở Trung Quốc mà doanh nghiệp này nắm sở hữu đa số - cũng đánh giá cao động thái trên. Theo người phát ngôn của Citigroup, James Griffiths, ngân hàng này hoan nghênh bất kỳ động thái nào của Trung Quốc nhằm mở cửa hơn nữa hệ thống tài chính trong nước.

Xem thêm:

>>Thủ tướng mang tới Davos thông điệp về Việt Nam đổi mới sáng tạo, liên kết sâu rộng

>>WEF đề xuất hợp tác hành động quốc gia về nhựa cho Việt Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục