WEF đề xuất hợp tác hành động quốc gia về nhựa cho Việt Nam

14:19' - 16/05/2019
BNEWS WEF đã xây dựng đề xuất sơ bộ về kế hoạch tham gia của Việt Nam trong Chương trình Hợp tác Hành động Toàn cầu về Nhựa.
Rác thải nhựa để vương vãi khắp nơi ở làng Triều Khúc - Tân Triều - Thanh Trì. Ảnh Mạnh Khánh-TTXVN

Đây là đề xuất của ông Justin Wood, Giám đốc Khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), trong buổi làm việc ngày 15/5 tại Trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ trưởng Trần Hồng Hà, về kế hoạch tham gia của Việt Nam trong Chương trình Hợp tác Hành động toàn cầu về Nhựa.

Tại buổi làm việc này, ông Justin Wood khẳng định, một trong những kết quả quan trọng đạt được của Việt Nam là Ý định thư được ký giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và WEF, ngày 23/1/2019, liên quan đến xử lý rác thải nhựa và nền kinh tế tuần hoàn, trong đó có nội dung hỗ trợ Việt Nam tham gia Sáng kiến Hợp tác hành động toàn cầu về nhựa.

Ý định thư tập trung vào Hợp tác xử lý rác thải nhựa, phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, đặc biệt các nội dung liên quan đến các sáng kiến, hoạt động của Việt Nam trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020.

Theo đó, WEF đã xây dựng đề xuất sơ bộ về kế hoạch tham gia của Việt Nam trong Chương trình Hợp tác Hành động Toàn cầu về Nhựa.

Cụ thể, WEF đề xuất một Chương trình Hợp tác Hành động Quốc gia về Nhựa cho Việt Nam, đồng thời mong muốn Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét cho ý kiến để tiến hành các bước tiếp theo.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới tổ chức vào tháng 1/2019, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra một số sáng kiến và giao các bộ, ngành thực hiện.

Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao triển khai các sáng kiến về “Diễn đàn đối tác công-tư rộng mở về ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái biển” và “Mạng lưới toàn cầu về chia sẻ dữ liệu biển và đại dương”.

Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý Nhà nước về chất thải rắn, có nhiệm vụ ban hành các thông tư hướng dẫn một cách đồng bộ; bổ sung, hoàn thiện các nội dung hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và các nghị định về lĩnh vực môi trường liên quan chất thải rắn.

Trên phương diện quốc tế, các quốc gia vừa đạt được thỏa thuận về việc sửa đổi Công ước Basel để ngăn chặn rác thải nhựa đại dương, nội dung trên có ý nghĩa rất thiết thực.

Hiện Bộ đã giao Tổng cục Môi trường là đơn vị đầu mối về quản lý rác thải rắn nghiên cứu đề xuất của WEF sẽ trao đổi, phối hợp với WEF.

Đối với các hoạt động liên quan ASEAN và năm ASEAN 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá cao WEF đã tham gia ý kiến cho dự thảo Tuyên bố Băng Cốc về rác thải đại dương, Khung hành động khu vực về rác thải đại dương đã đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về rác thải đại dương tại Thái Lan tháng 3/2019 và sẽ trình lên cấp cao thông qua.

Trên cơ sở Khung hành động, bước tiếp theo từng thành viên sẽ xây dựng kế hoạch hành động quốc gia của mình.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã giao Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam làm đầu mối chủ động trao đổi, phối hợp với WEF về việc xây dựng các sáng kiến, hoạt động cụ thể liên quan đến rác thải nhựa đại dương cho Việt Nam, tiến tới cho khu vực ASEAN./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục