Trung Quốc trông đợi điều gì trong chuyến thăm của Tổng thống Pháp Macron?

05:30' - 15/01/2018
BNEWS Với những người ủng hộ việc tăng cường quan hệ Bắc Kinh-Paris, việc ông Macron chọn Trung Quốc là điểm đến trong chuyến công du châu Á đầu tiên với vai trò nguyên thủ Pháp là một lựa chọn hiển nhiên.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AFP/TTXVN

Trung Quốc là cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới, với các dự án khổng lồ liên quan đến “Con đường tơ lụa mới” dường như tạo ra những cơ hội không giới hạn.

Đối với một nước Pháp muốn đóng vai trò nước lớn, bao quát mọi vấn đề trên trường quốc tế thì Trung Quốc là một đối tác như ý. Vì quốc gia này vừa là một cường quốc hạt nhân, vừa là thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có quyền phủ quyết đối với nhiều vấn đề quốc tế. 

Còn đối với ông Macron - một Tổng thống muốn đóng vai trò đối nghịch với người đồng nhiệm Mỹ Donald Trump, thì Trung Quốc là một sân chơi đáp ứng tham vọng này.

Bắc Kinh hoàn toàn biết rõ những chủ đích của Pháp, theo nhận định của nhà nghiên cứu Valérie Niquet trên nhật báo Le Monde. Nhưng Bắc Kinh cũng cần đồng minh để đối phó với Mỹ vì Washington đã không từ bỏ cam kết tại châu Á, như người ta vẫn tưởng khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống.

Paris không ý thức được hết những chia rẽ và căng thẳng ngày càng gia tăng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương xung quanh vai trò tương lai của Trung Quốc, ngoài cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. Giới lãnh đạo Trung Quốc có thể hy vọng rằng một lễ tiếp đón trọng thể sẽ nhận được sự tán thành của một Tổng thống, cho đến giờ chủ yếu hướng đến châu Âu và môi trường kề cận.

Bắc Kinh muốn thuyết phục Tổng thống Pháp giữ vị trí trung gian “trung lập”, ủng hộ đối thoại chống lại mọi chiến lược đối đầu, và như vậy ngầm thừa nhận ưu thế của Trung Quốc trong vùng.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Valérie Niquet đánh giá là mọi chuyện lại có vẻ không đơn giản như vậy: Trung Quốc và Pháp không chỉ có mỗi điểm chung. Những thất vọng ghi dấu trong quan hệ Pháp-Trung vẫn chưa biến mất.

Đối với Bắc Kinh, nước Pháp sẽ tuyệt vời hơn bao giờ hết khi đóng vai trò “người bạn cũ của Trung Quốc”. Đó là nhà bảo vệ “đa cực”, trái ngược với khuynh hướng bá quyền, và không cần biết rằng, thực ra nếu Trung Quốc ủng hộ một “quá trình dân chủ hóa quan hệ quốc tế” kéo theo sự trỗi dậy của nhiều cực quyền lực, thì trước hết đó là nhằm mở rộng phạm vi hành động và tự khẳng định mình như một thủ lĩnh của cực châu Á.

Tăng cường trao đổi thương mại

Tham vọng này lại không phù hợp với tiến trình phát triển của thế giới đương đại và không phục vụ lợi ích của Pháp tại một nơi mà các láng giềng của Trung Quốc đều có một điểm chung là mong muốn tìm được hậu thuẫn để đối phó với một cường quốc đang gây lo ngại. 

Vấn đề đặt ra đối với Paris, là sự lựa chọn và các hậu quả chiến lược, kinh tế của sự lựa chọn này.

Thực vậy, Pháp là cường quốc châu Âu duy nhất có lợi ích trực tiếp tại châu Á-Thái Bình Dương. Khi liên tiếp ký hợp đồng với các nước trong khu vực (với Australia hay với Ấn Độ, và có thể với Nhật Bản), về hợp tác công nghệ trong các lĩnh vực quốc phòng, nước Pháp cũng đóng một vai trò quan trọng trong hợp tác quân sự với nhiều nước mà mục tiêu đầu tiên của những quốc gia này lại là làm đối trọng với sức mạnh Trung Quốc, nơi mà chiến lược hồi sinh và khẳng định tinh thần dân tộc Trung Hoa là trọng tâm trong bài diễn văn của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Yếu tố thất vọng thứ hai, mà Tổng thống Pháp dường như rất ý thức được, đó là sự bất cân đối dai dẳng trong trao đổi kinh tế song phương. Trung Quốc cần tăng trưởng và sẽ không từ bỏ bất kỳ thị trưởng nào, bất kỳ chiến lược nào để chinh phục và chia rẽ nội bộ Liên minh châu Âu (EU). 

Về đầu tư, Trung Quốc, nơi mà Đảng-Nhà nước có trong tay những phương tiện mà các nền dân chủ không thể có, sẵn sàng nhảy vào bất kỳ lĩnh vực nào có thể giúp duy trì sự phát triển, đặc biệt là các ngành công nghệ mũi nhọn, có mục đích dân sự nhưng cũng có thể cả quân sự.

Trước những tham vọng không che giấu này, ông Emmanuel Macron là người đầu tiên thật sự đòi hỏi phải “có đi có lại” nhiều hơn. Pháp đã gia tăng kiểm soát đầu tư Trung Quốc trong các lĩnh vực nhạy cảm. 

Còn với dự án trọng tâm “Vành đai và con đường” của Chủ tịch Tập Cận Bình, được ghi trong Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc nhân Đại hội lần thứ XIX vừa qua, Pháp tỏ ra thận trọng trước rất nhiều vấn đề về tài chính và quản trị, hiện vẫn chưa được giải quyết.

Vì vậy, còn phải chờ xem liệu những điểm bất đồng này có đè nặng lên mối quan hệ Pháp-Trung mà Bắc Kinh muốn hoàn toàn chú trọng vào những ưu tiên của họ.

Ngược lại, những lợi ích chiến lược và kinh tế của Pháp tại châu Á lại rất nhiều và không thể hạn chế ở một đối tác duy nhất. Chính sách về châu Á của Pháp có thể được đánh giá tùy vào khả năng cụ thể của Paris trong việc duy trì sự cân bằng cần thiết giữa các cường quốc trong vùng.

 “Con đường tơ lụa mới”

Ngày 8/1, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mở đầu chuyến công du Trung Quốc ba ngày tại Trung Quốc bằng cuộc viếng thăm thành phố Tây An, miền Trung Trung Quốc. Với Bắc Kinh, đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của một nguyên thủ châu Âu, kể từ sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX hồi tháng 10/2017.

Bắc Kinh trông đợi điều gì từ chuyến công du châu Á đầu tiên này của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron? Từ Bắc Kinh, thông tín viên Heike Schmidt nhận định: “Bắc Kinh cần có đồng minh, và nước Pháp có đủ vị thế để lấp đầy khoảng trống do các nước khác để lại.

Do đó, Trung Quốc xem ông Emmanuel Macron như là một đối tác lý tưởng để hỗ trợ cho tham vọng nắm giữ vai trò hàng đầu của Bắc Kinh, bất kể đó là trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hay là trong cuộc khủng hoảng Triều Tiên. Ở đó, nước Pháp có thể đóng một vai trò trung gian.

Vì thế, trong mắt các nhà lãnh đạo Trung Quốc, họ cảm thấy an tâm khi Tổng thống Pháp chọn Trung Quốc là điểm công du châu Á đầu tiên. Và thậm chí còn cảm thấy thích thú khi Tổng thống Pháp đã chọn Tây An, điểm xuất phát của con đường tơ lụa cũ xưa làm điểm đến đầu tiên trong chuyến công du Trung Quốc.

Quả thật là Bắc Kinh hy vọng Paris tham gia vào dự án “Con đường tơ lụa” mới to lớn này, với hy vọng khôi phục lại hành lang thương mại Á-Âu, nhưng trước mắt chỉ phục vụ cho các lợi ích của Trung Quốc. Thách thức đối với ông Macron là làm sao nêu rõ được những đòi hỏi của châu Âu.

Trong một cuộc phỏng vấn được đăng tải sáng 8/1, Tổng thống Pháp không giấu giếm tham vọng mà ông chia sẻ cùng với đồng nhiệm Trung Quốc: Quan hệ giữa hai nước luôn đi tiên phong và chúng ta phải luôn luôn ở vị trí tiên phong này”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục