Trung thu trong kí ức xưa

10:33' - 14/09/2016
BNEWS Mỗi khi Trung thu đến, nhiều người không khỏi bồi hồi khi hoài niệm lại kí ức một thời tuổi thơ trong trẻo, hồn nhiên dưới ánh trăng trong.
Trung thu trong kí ức xưa. Ảnh: TTXVN

Trung thu là dịp Tết được trẻ yêu thích nhất bởi vào dịp này các em được gia đình, bố mẹ tặng nhiều đồ chơi. Đêm Trung thu các gia đình thường bày cỗ để chờ trăng lên rồi phá cỗ. Trẻ em thì háo hức rước đèn trong tiếng trống tùng rinh, xem múa lân, múa rồng, múa sư tử…

Ngày nay, cuộc sống đã đủ đầy sung túc hơn, Trung thu nay cũng không còn giống như trước cả về yếu tố vật chất lẫn tinh thần. Mỗi khi Trung thu đến, nhiều người không khỏi bồi hồi khi hoài niệm lại kí ức một thời tuổi thơ trong trẻo, hồn nhiên dưới ánh trăng trong.

Kí ức đón trăng

Nhớ về Trung thu khi còn thơ bé, nhà văn trẻ Tuệ An chia sẻ: Trước Tết Trung Thu cả tháng trời, cô đã đã rộn lòng với những món đồ chơi như lồng đèn, mặt nạ, súng nước... được bày bán bên vệ đường.

Mùa thu thường là mùa mưa bão ở miền Trung, đã có những ngày cận kề Trung thu mà nước lũ ngập trắng vùng nhà bác họ cô ở ven sông Lam. Người lớn khóc đứng khóc ngồi nhưng trẻ con như cô vẫn hồn nhiên hỏi về Trung thu.

Đến đúng đêm Trung thu thì cô gái nhỏ chăm chú chạy theo mấy đám múa lân mà lạc đường về nhà. Cũng may trăng rằm sáng rõ, lòng người chất phác, thật thà, cô gái nhỏ hỏi đường, đi thêm ba, bốn khúc phố thì bắt đầu nhận ra đường quen.

Bây giờ, mỗi dịp Tết Trung Thu tới, Tuệ An lại nhớ tới ánh trăng và lòng rộn rã của những ngày xưa thơ ấu, thèm cả tiếng cười vô tư mặt hề trẻ nít mà không chút bận lòng mùa thu, mùa lòng người miền Trung lo trời nhiều mưa bão...

Trẻ em ở thành phố có lẽ đón Trung thu đủ đầy hơn trẻ nông thôn, ngay cả khi đất nước còn gian khó. Những người thuộc thế hệ 7X, 8X lớn lên ở Hà Nội chắn chắn sẽ còn lưu giữ những kí ức sâu đậm về Trung thu thời thơ ấu.

Mỗi dịp tết trung thu, ông bà, bố mẹ thường tự làm những chiếc đèn ông sao và đèn kéo quân cho con, cháu. Ảnh: thethaovanhoa

Chị Kiều Trinh, vốn là dân Hà Nội gốc, nhà phố cổ cho hay: Khi chị 5 tuổi đã được bố mẹ cho theo học tại Cung thiếu nhi Hà Nội, đêm Trung thu thường được đón trăng, xem nhiều tiết mục văn nghệ tại Cung.

Đồ chơi Trung thu khi đó có đèn ông sao, tiến sỹ giấy, đèn thỏ, đèn kéo quân… nhưng mỗi khi được chọn, chị Kiều Trinh luôn chọn cái lẵng thiên nga. Chị yêu thích cái lẵng thiên nga trắng muốt, mềm mại mượt mà này nhất trong các loại đồ chơi Trung thu.

Mà Cung thiếu nhi đêm Trung thu đông đúc náo nhiệt lắm vì toàn trẻ con, chị Hằng thật đẹp và lộng lẫy, mâm quả cũng rất hấp dẫn với chó bông bằng bưởi, hoa quả… Đến giờ, chị Kiều Trinh đã là mẹ của trẻ con và đến Trung thu chị cũng tất bật chuẩn bị quà cho con trai, tự tay chuẩn bị mâm cỗ đón trăng cho cả gia đình mà lòng vẫn rộn ràng như khi còn thơ bé.

Trong kí ức về trung thu khi xưa, mâm cỗ trông trăng cũng thật giản đơn chứ không cầu kì nhiều món như bây giờ. Nhưng mâm cỗ nào cũng có chó bông xù làm bằng bưởi, ngoài ra còn có những loại quả đặc trưng của mùa thu như bưởi, na, hồng, chuối, cốm, dưa hấu tỉa hoa...

Ngoài hoa quả mâm cỗ Trung thu có lẽ không thể thiếu được bánh nướng, bánh dẻo đúng hương vị truyền thống, vừa ăn vừa thưởng thức trà sen thơm ngát. Nay mâm cỗ trung thu to đẹp hơn trước rất nhiều, riêng bánh nướng bánh dẻo đã đủ loại hương vị, hình thù, có cả bánh nhập từ nước ngoài, bày bán trước Trung thu cả tháng trời…

Cứ đến Tết Trung thu, phố Hàng Mã bán đồ chơi lại đông vui nhộn nhịp và là điểm đến của hàng ngàn bạn trẻ Thủ đô. Nhưng nay đồ chơi truyền thống đúng của Việt Nam dịp Trung thu gần như không mấy được ưa chuộng, lại có phần lạc lõng giữa đám đồ chơi xanh đỏ rực rỡ, nhấp nháy liên hồi từ Trung Quốc.

Chỉ có đèn ông sao là còn chỗ đứng, những lẵng thiên nga mượt mà trắng muốt, tiến sỹ giấy, đèo kéo quân, đèn thỏ, tàu thủy sắt tây hay mặt nạ giấy bồi, đèn lồng tre… dần dần khan hiếm, khiến cho người muốn mua phải mỏi mắt tìm mà cũng khó lòng tìm thấy giữa những phố hàng nhộn nhịp. Cũng chỉ còn rất ít các gia đình duy trì làm đồ chơi cho con trẻ mỗi dịp Tết Trung thu…

Một món không thể thiếu trung thu xưa mà các gia đình nhà nghèo hoặc nông thôn hay chơi là xâu hạt bưởi. Để có xâu hạt bưởi cho đêm Trung thu đốt cũng phải kì công tìm tòi, nhặt hạt bưởi trước đó cả tháng, về kì cạch bóc lấy lõi bên trong, xâu vào dây đồng phơi thật khô dưới nắng.

Đêm trung thu đem đốt lúc rước đèn, xâu bưởi khô hăng hắc mùi tinh dầu, còn đám trẻ con thích chí cười vang cả xóm ngõ…Những xâu hạt bưởi thế này nay chắc chẳng còn đứa trẻ nào biết chơi nữa.

Kí ức về “Chiếc đèn ông sao”

Nhạc sỹ Phạm Tuyên được coi là người sáng tác nhiều nhất các bài hát cho thiếu nhi Việt Nam. Những ca khúc của ông ngắn gọn, dễ thuộc, dễ nhớ và được trẻ em khắp đất nước vô cùng yêu thích.

Nhạc sỹ Phạm Tuyên với bài hát "Chiếc đèn ông sao" nổi tiếng. ẢNh: thethaovanhoa

Mỗi mùa Trung thu, hầu hết trẻ em trên khắp dải đất hình chữ S thân thương đều thích hát “Chiếc đèn ông sao” của nhạc sỹ Phạm Tuyên bởi giai điệu tươi vui của nó rất phù hợp với đêm rằm.

Nhạc sỹ Phạm Tuyên cho biết: “Chiếc đèn ông sao” là một trong những bài hát viết cho thiếu nhi mà ông tâm đắc nhất bởi nó dã vượt thử thách thời gian, không gian, vượt qua cả biên giới đất nước Việt Nam…

“Chiếc đèn ông sao” được nhạc sỹ Phạm Tuyên viết năm 1956 khi đang là giảng viên dạy nhạc tại Khu học xá Trung ương (tỉnh Nam Ninh, Trung Quốc).

Ở đây, nhạc sỹ đã gặp gỡ nhiều em học sinh miền Nam học tập tại đó. Thời ấy, hai miền của đất nước ta vẫn còn bị chia cắt và cứ đến Trung thu, các em học sinh đều hướng về miền Nam.

Do đó, người nhạc sỹ thấy cần phải có một bài hát về Trung thu tặng các em để đóng góp một phần cho ngày vui ấy. Đèn ông sao là loại đèn gần gũi với trẻ em Việt Nam nên ông đã viết ngay bài hát “Chiếc đèn ông sao”…

Ông bảo, chiếc đèn ông sao lúc ấy mang nhiều ý nghĩa lắm, vì nó cũng là ngôi sao ở trên lá cờ Tổ quốc. Ông cũng rất vui vì bài hát này được các em thiếu nhi đón nhận và có sức sống lâu bền đến thế.

“Chiếc đèn ông sao” còn được dịch sang cả tiếng nước ngoài và được in trong sách âm nhạc dành cho thiếu nhi nước ngoài. Còn với các em thiếu nhi Việt Nam, mỗi mùa Trung thu lại tự hào, rộn rã hát những câu hát quen thuộc: "Chiếc đèn ông sao, sao năm cánh tươi màu.

Cán cây đây rất dài cán cao quá đầu. Em cầm đèn sao em hát vang vang. Đèn sao tươi màu của đềm rằm liên hoan!...

Thật đặc biệt là người đầu tiên thể hiện ca khúc “Chiếc đèn ông sao” này lại không phải là các em thiếu nhi mà lại là nữ biên tập viên Anh Tuấn (tức Tuấn Kỳ) của Đài tiếng nói Việt Nam. Khi đó bà đã 21 tuổi.

Mặc dù không còn ở độ tuổi thiếu nên nhưng khi thể hiện, biên tập viên này vẫn hát với sự vui vẻ, cảm giác như được trẻ lại với những giai điệu tươi vui rộn ràng của ca khúc… Hiện nay, bà Tuấn Kỳ đã ngoài 80 tuổi và đang sống tại Thành phố Hồ Chí Minh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục